CẦN CÓ GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ HIỆN NAY

 TH

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Cán bộ là cái gốc của công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Công tác tổ chức cán bộ hiện nay đang đòi hỏi cấp bách những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực, góp phần quan trọng trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống “chạy chức, chạy quyền”. Yêu cầu đặt ra là cần có những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Hiện nay, một số trường hợp đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước. Việc quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ” chi phối sẽ rộng đường cho một số phần tử thoái hóa, biến chất, cơ hội thực dụng chui vào các cơ quan Đảng, Nhà nước dẫn đến tình trạng suy thoái quyền lực của bộ máy công quyền. Chính vì vậy, việc bảo đảm dân chủ, khách quan trong công tác cán bộ hiện nay có ý nghĩa rất lớn đối với việc ngăn chặn từ gốc bệnh suy thoái quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, giúp loại trừ khả năng để cán bộ và người thân của cán bộ lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi.

Để khắc phục những hạn chế đó cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ. Đặc biệt, phải bố trí, sử dụng cán bộ đúng sở trường, năng lực. Lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ và sự tín nhiệm của quần chúng để đánh giá và quy hoạch cán bộ. Phải kiên quyết không bổ nhiệm cán bộ không đủ đức, đủ tài, cơ hội chủ nghĩa. Cần “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”[1]; “Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”[2].

Thực hiện nghiêm các quy định, kết luận của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực trong Đảng: Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Thực hiện nghiêm quy chế thôi chức, miễn nhiệm từ chức, kịp thời thay thế  đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu kém về phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút.

Bên cạnh đó thực hiện tốt công tác luân chuyển và quản lý cán bộ, đây là biện pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng quan liêu xa rời quần chúng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Mặt khác, phẩm chất, năng lực của cán bộ phải được thể hiện thông qua công việc, bằng kết quả thực hiện nhiệm vụ và bằng uy tín đối với tập thể, với nhân dân. Có thể nói sự tín nhiệm hay không tín nhiệm là tiêu chí rất quan trọng để đánh giá cán bộ. Do đó, công tác cán bộ phải thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để kịp thời loại bỏ những người thoái hóa, biến chất, lạm quyền ra khỏi hàng ngũ, làm trong sạch bộ máy./.

 

 

 

 



[1] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.118.

[2] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.190

Nhận xét