BIỆN PHÁP ĐỂ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN PHÁT HUY VAI TRÒ TÍCH CỰC KHI THAM GIA MẠNG XÃ HỘI

     Cương Trực

Ngoài tác dụng tích cực, mạng xã hội đang bị các thế lực thù địch lợi dụng một cách triệt để, biến thành công cụ đắc lực cho các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta. Là cán bộ, đảng viên của Đảng, chúng ta cần phát huy vai trò tích cực khi tham gia mạng xã hội.

Trước hết, cán bộ, đảng viên phải tăng cường, đẩy mạnh việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để có hiểu biết sâu sắc về lý luận, từ đó nhận diện bản chất các luận điểm chống phá cách mạng Việt Nam của các lực lượng phản động nhất là trên mạng xã hội. Đồng thời, họ cần tích cực học tập, quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước, chủ động nghiên cứu nâng cao năng lực chuyên môn, tạo dựng cho bản thân nền tảng tri thức chính trị - xã hội đúng đắn, khoa học, cách mạng, đủ trình độ tiến hành đấu tranh một cách hiệu quả và thuyết phục với các thế lực thù địch, phản động trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng thường xuyên tổ chức sinh hoạt nhằm kịp thời trao đổi, làm rõ, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn từ những thông tin xấu xa, độc hại, ác ý của các thế lực thù địch, phản động trên mạng xã hội. Xác định và căn cứ vào những tài liệu, thông tin chính thống, hướng dẫn của cơ quan Đảng, Nhà nước, cấp ủy đảng cấp trên để tổ chức cung cấp kịp thời cho cán bộ, đảng viên những luận cứ, thông tin xác đáng và dựa vào đó để luận chứng cho cái đúng, bác bỏ những cái sai, đấu tranh phản bác triệt để các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên mạng internet, mạng xã hội.

Hơn nữa, mỗi cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội phải chú trọng thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tại địa phương, cơ quan, đơn vị nơi mình sinh sống, công tác, nhất là nắm bắt trên không gian mạng xã hội mà mình tham gia. Thông qua đó, kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình,… không để đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè trên mạng bị lôi kéo, dụ dỗ, vô tình ủng hộ, chia sẻ, lan truyền những thông tin phản động, độc hại trên mạng xã hội.

Vấn đề mấu chốt hàng đầu là cán bộ, đảng viên phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; giữ vững bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu; nêu cao ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi cám dỗ vật chất, danh lợi; kiên gan, bền chí trước mọi thủ đoạn, mưu mô thâm độc của kẻ thù. Họ cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội, nhằm tạo ra một sức mạnh tổng hợp mạnh mẽ để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch, xấu xa của thế lực phản động. Sáng suốt chọn lọc thông tin để tiếp nhận cũng như để chia sẻ với bạn bè, cộng đồng mạng những thông tin chính xác, đúng sự thật, tránh chia sẻ thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng gây tổn hại đến cá nhân, tổ chức. Tránh những biểu hiện “vô cảm chính trị”, thờ ơ, bỏ qua các thông tin sai trái, không thể hiện chính kiến cá nhân mà vô tình tạo cơ hội cho cái sai lan truyền…

Tại Việt Nam cho đến nay, có khoảng 270 mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động với hơn 35 triệu người dùng. Trung bình mỗi ngày, người Việt Nam có thể vào mạng xã hội khoảng hơn 2 giờ. Bất kỳ ai chỉ với một thiết bị thông minh có kết nối internet đều có thể tham gia vào mạng xã hội. Do đó, cán bộ, đảng viên không những phải trở thành những người dùng thông minh mà còn phải là những người dùng thực sự trách nhiệm. Vấn đề cốt yếu là phải tận dung mạng xã hội để lấy cái đẹp dẹp cái xấu, làm cho cái đúng, cái đẹp được lan tỏa, cái sai vì thế mà bị lên án, bài trừ. Có như vậy mới chung tay, chung sức xây dựng được một môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn và tích cực.


 

 

Nhận xét