Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đạo đức cách mạng và việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên

TH

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của đạo đức cách mạng và không ngừng chăm lo giáo dục, rèn luyện, xây dựng đạo đức cho con người nói chung và chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng.

Theo Người, đạo đức cách mạng là đạo đức mới khác hẳn về chất so với các kiểu đạo đức cũ: “Có người cho đạo đức cũ và đạo đức mới không có gì khác nhau. Nói như vậy là lầm to. Đạo đức cũ và đạo đức mới khác nhau nhiều. Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời”[1]. Đạo đức mới, đạo đức cách mạng, theo Hồ Chí Minh là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cách mạng; ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng; đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lao động lên trên, lên trước vì lợi ích cá nhân; hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; vì Đảng vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu đi đầu trong mọi việc.

Hồ Chí Minh coi đạo đức là cái “gốc”, là một yếu tố không thể thiếu trong phẩm chất của cán bộ, đảng viên, nhưng là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng của người cách mạng. Người nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[2]. Sở dĩ cán bộ, đảng viên cần phải có đạo đức cách mạng, bởi theo Người, làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề, một cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Người dạy rằng, muốn làm cách mạng trước hết phải có đạo đức cách mạng, phải vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng của giai cấp, của dân tộc và của cả loài người mà không ngần ngại hy sinh cả tính mạng mình. Đạo đức cách mạng là động lực giúp người cách mạng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hiểm nguy. Hồ Chí Minh khẳng định: “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng… Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”[3], vì vậy, để hoàn thành được trọng trách cao cả, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo các chuẩn mực đạo đức cách mạng.

Cùng với việc khẳng định vai trò của đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh còn luôn coi trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực đạo đức cách mạng cho từng giai tầng trong xã hội, cho từng giới, từng lứa tuổi, nghề nghiệp,… nhất là cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Bởi lẽ, theo Người, cán bộ, đảng viên là nhân tố quyết định sự thành hay bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước, của chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, là những người có vai trò quan trọng trong vận động, tổ chức, huấn luyện quần chúng và đưa quần chúng ra đấu tranh để giành độc lập tự do. Họ còn là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích của dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Điều đó có nghĩa rằng, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Chính lý do này đã giải thích vì sao trong tư tưởng Hồ Chí Minh, dường như những yêu cầu, chuẩn mực và các phẩm chất đạo đức mà Người nêu ra chủ yếu dành cho đối tượng là cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy mà không phải ngẫu nhiên, bài giảng đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các lớp huấn luyện chính trị chuẩn bị cho việc thành lập Đảng lại là bài “Tư cách một người cách mệnh” được in ngay đầu cuốn “Đường Kách mệnh” phát hành năm 1927. Các yêu cầu đối với tự mình, với việc và với người mà Người nêu trong bài thể hiện khái quát nhất về các chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng bàn về vấn đề căn cốt, trọng yếu đó, sau này, Hồ Chí Minh còn đề cập, phân tích sâu sắc và toàn diện hơn, cụ thể và thuyết phục hơn trong các bài nói, bài viết và một số tác phẩm chuyên biệt như: “Sửa đổi lối làm việc” (1947), “Chủ nghĩa cá nhân” (1948), “Cần, kiệm, liêm, chính” (1949), “Đạo đức cách mạng” (1955, 1958), “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969). Và ngay cả trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Người vẫn không quên căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”[4].

Đặc biệt, với tư duy khoa học và tầm nhìn chiến lược, cùng với sự mẫn cảm chính trị sâu sắc, Hồ Chí Minh còn tiên lượng, sớm chỉ ra và cảnh báo nguy cơ cán bộ, đảng viên dễ mắc phải căn bệnh “lệch chuẩn đạo đức”. Bởi họ nắm trong tay “chìa khóa” của quyền lực, lại phải thường xuyên đối mặt với cạm bẫy và cám dỗ về lợi ích vật chất, nên đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên lãnh đạo, quản lý cơ bản đứng trước nguy cơ bị thoái hóa, biến chất về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống,… Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nguy cơ đó sẽ ngày càng tăng nếu mỗi cán bộ, đảng viên xem thường việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của bản thân. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải lấy việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo các chuẩn mực để làm thước đo, căn cứ đánh giá về tư cách đạo đức, để cảnh báo chính mình.

Thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đạo đức cách mạng và việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên nhằm không ngừng giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong mỗi giai đoạn, trong từng thời kỳ lịch sử. Hiện nay, bối cảnh thời cuộc đặt ra thời cơ và những thách thức mới, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta đang có nhiều thuận lợi, song cũng đứng trước không ít khó khăn, thử thách. Từ đó đòi hỏi phải tiếp tục quan tâm xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là một đảng “đạo đức” và “văn minh”, với đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có đức, vừa có tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”./.



[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 220.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.292.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 354.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 622.

Nhận xét