Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của đạo đức và xây dựng chuẩn mực đạo đức của người cách mạng, người cộng sản

TH

Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò của đạo đức và xây dựng chuẩn mực đạo đức của người cách mạng, người cộng sản là nội dung cơ bản trong hệ thống các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Việc nghiên cứu các quan điểm, tư tưởng đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xây dựng đảng cộng sản cầm quyền trong sạch, vững mạnh hiện nay.

1. Trong quá trình xây dựng học thuyết của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen đã thực hiện cuộc cách mạng trên lĩnh vực đạo đức, tạo tiền đề lý luận khoa học cho những người cộng sản và giai cấp công nhân vận dụng vào thực tiễn đấu tranh cách mạng và xây dựng đời sống văn hóa - tinh thần, đạo đức trong xã hội mới do giai cấp công nhân, nhân dân lao động làm chủ. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu có phê phán các quan niệm đạo đức đã có trong lịch sử tư tưởng nhân loại, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đặt đạo đức trên nền tảng vật chất của đời sng hiện thực. Trong đó, các ông nhấn mạnh, sự phát sinh, phát triển của đạo đức bao giờ cũng xuất phát từ đời sống xã hội hiện thực, từ sự phát sinh, phát triển của các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội. Đồng thời, các ông đi sâu phân tích bản chất, các thuộc tính đặc trưng của đạo đức như: tính giai cấp, tính dân tộc, tính thời đại và tính nhân loại; mối quan hệ giữa đạo đức với một số lĩnh vực khác của đời sống xã hội; khẳng định vai trò to lớn của đạo đức trong việc hoàn thiện nhân cách con người mới, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội mới, tạo động lực to lớn thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng nhân đạo, nhân văn. Như C.Mác đã chỉ rõ: “Phẩm giá chính là điều đề cao con người nhiều hơn cả, là cái đem lại sự cao đẹp tối thượng cho hoạt động của con người, cho tất cả ước nguyện vươn tới của con người”[1]

Từ vai trò to lớn của đạo đức, C.Mác và Ph.Ăngghen quan tâm đặc biệt đến giáo dục đạo đức cách mạng để nâng cao giác ngộ cách mạng, củng cố lòng tin, tinh thần lạc quan cách mạng, tự nguyện, tự giác hy sinh quên mình vì lợi ích của nhân dân của những đảng viên cộng sản. Trên cơ sở đó mới phát huy được sức mạnh tinh thần, nội lực to lớn của giai cấp công nhân và đông đảo quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Theo C.Mác, việc giáo dục đạo đức cách mạng không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt, dạy dỗ những nguyên tắc, những chuẩn mực xã hội, những cách thức ứng xử giữa người và người theo những yêu cầu nhất định như các hệ thống giáo dục đạo đức trước đó trong lịch sử, mà còn phải đặc biệt chú ý đến việc tạo ra những hoàn cảnh, những điều kiện xứng đáng nhất, hợp với bản chất người nhất, coi đó là cơ sở, là một phương diện hữu cơ của giáo dục đạo đức, là điều kiện “suy đến cùng” quyết định sự phát triển đạo đức con người. Đặc biệt, các ông cũng chỉ rõ, trong giáo dục đạo đức cách mạng cần phải kết hợp giữa truyền đạt và nêu gương. Những tấm gương đạo đức là hiện thân sinh động của các giá trị, các chuẩn mực đạo đức, nhờ vậy, chúng có sức cảm hóa, có khả năng thâm nhập một cách tự nhiên vào ý thức con người. Điều đó đòi hỏi sự cần thiết phải xây dựng các chuẩn mực đạo đức của người cách mạng.

2. V.I.Lênin là người kế tục xuất sắc những tư tưởng thiên tài của C.Mác và Ph.Ăngghen, đã bảo vệ, phát triển toàn diện học thuyết Mác trong đó có vấn đề đạo đức trong điều kiện mới, khởi thảo hệ thống nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức mới - đạo đức cộng sản, đưa đạo đức học mácxít phát triển lên một giai đoạn mới, gắn kết chặt chẽ đạo đức với thực tiễn cách mạng, làm cho đạo đức cộng sản ngày càng trở nên phổ quát trong xã hội mới do giai cấp công nhân và những người lao động làm chủ, con người được tự do, phát triển toàn diện các phẩm chất và năng lực của mình. V.I.Lênin đã khẳng định: “Cơ sở của đạo đức cộng sản là cuộc đấu tranh để củng cố và hoàn thành công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản”[2]; và do đó “đạo đức đó là những gì góp phần phá hủy xã hội cũ của bon bóc lột và góp phần đoàn kết tất cả những người lao động chung quanh giai cấp vô sản đang sáng tạo ra xã hội mới của những người cộng sản”[3]. Theo đó, sự hình thành nền đạo đức mới, phải thể hiện ở những nhân cách đạo đức - chủ thể của các quan hệ, các hoạt động người. Chính các chủ thể đạo đức thể hiện giá trị, vai trò của đạo đức đối với sự phát triển xã hội. Vì thế, giáo dục đạo đức cộng sản cho cán bộ, đảng viên của đảng luôn là mối quan tâm hàng đầu của V.I.Lênin.

Khẳng định vai trò của đạo đức cộng sản trong cách mạng xã hội chủ nghĩa  và trong xây dựng đảng cộng sản cầm quyền, V.I.Lênin chỉ rõ phải xây dựng đảng cầm quyền thật sự là một đảng tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại. V.I.Lênin đã khởi thảo nhiều nguyên lý của đạo đức nói chung và đạo đức cộng sản nói riêng, tạo nên sự thống nhất, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận đạo đức với thực tiễn đạo đức. Ông chỉ rõ, đạo đức cộng sản là đạo đức của những người lao động sáng tạo ra xã hội mới cộng sản chủ nghĩa, mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội; khẳng định tính tất yếu của sự ra đời và vai trò to lớn của đạo đức cộng sản trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; đã luận chứng và xây dựng một hệ thống lý luận về đạo đức cộng sản. Đặc biệt, các chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản đã được V.I.Lênin quan tâm, luận giải rất sâu sắc; trong đó nổi bật lên đó là hệ thống các phẩm chất về trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng; tinh thần tự giác gánh vác nhiệm vụ và lòng hy sinh phục vụ chủ nghĩa cộng sản; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; tận tâm, tận tụy, trách nhiệm với công việc, có tinh thần gương mẫu trước nhân dân; khiêm tốn, cầu thị, không “kiêu ngạo cộng sản”, không tự phụ, không tự cao tự đại; không tham ô, hối lộ; tiết kiệm, không lãng phí của công; không ham địa vị, không lạm quyền, không đặc quyền, đặc lợi; trung thực, không che giấu mà dũng cảm nhận và quyết tâm sửa chữa sai lầm, khuyết điểm; không quan liêu và kiên quyết chống quan liêu; tôn trọng, gần gũi, tin tưởng và phục vụ lợi ích của nhân dân. Theo V.I.Lênin, đây đồng thời là những phẩm chất đạo đức cần có của người cộng sản để góp phần thiết thực vào xây dựng đất nước, nhất là trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền và lãnh đạo đất nước.

3. Trung thành và vận dụng sáng tạo quan điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin về về vai trò của đạo đức và xây dựng chuẩn mực đạo đức của người cách mạng, người cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam luôn coi trọng việc giáo dục, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn: Đạo đức là cái “gốc” của mỗi người cách mạng; nếu người cách mạng “không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.

Hiện nay, bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế mở cửa, hội nhập đang trở thành xu thế chung của thế giới. Sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta đang có nhiều thuận lợi, song cũng đứng trước không ít khó khăn, thử thách. Vì vậy, đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và trí tuệ của đảng cầm quyền, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thực sự là một đảng “đạo đức” và “văn minh”, với đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có đức, vừa có tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Do đó, vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò của đạo đức và xây dựng chuẩn mực đạo đức của người cách mạng, người cộng sản vào bổ sung, phát triển các chuẩn mực đạo đức cách mạng cơ bản của cán bộ, đảng viên phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới và yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, nhất là thực tiễn đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng, phát triển đất nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”[4]. Nói cách khác, xây dựng các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới hoàn toàn không phải là một sự tùy hứng, đề cao thái quá hay áp đặt chủ quan, duy ý chí của Đảng Cộng sản Việt Nam như một số người “thiếu hiểu biết” hoặc một số kẻ cơ hội chính trị, thù địch đã, đang cố tình rêu rao tuyên truyền, xuyên tạc. Trái lại, đó là một sự tất yếu khách quan, yêu cầu cấp thiết, xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn đầy đủ, rõ ràng; những luận chứng, luận cứ khoa học sinh động, giàu sức thuyết phục mà trước hết là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của đạo đức và xây dựng chuẩn mực đạo đức của người cách mạng, người cộng sản./.

 



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 40, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 16.

[2] V.I.Lênin toàn tập, tập 41, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.372.

[3] V.I.Lênin toàn tập, tập 41, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 369.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 184.

Nhận xét