Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên

 TH

Thấm nhuần quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đạo đức cách mạng và việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cộng sản, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên nhằm không ngừng giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong mỗi giai đoạn, trong từng thời kỳ.

Đảng ta luôn nhất quán khẳng định, xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng cái nền gốc tinh thần vững chắc của Đảng và sức mạnh nội sinh của cách mạng, nhân tố rất quan trọng trong giữ vững và nâng cao uy tín chính trị của Đảng trong Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế; giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo đảm cho toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng là vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đồng thời, đây cũng là một mặt rất quan trọng trong xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ bảo đảm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, là người lãnh đạo, người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong cương lĩnh, đường lối và nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng đều thể hiện đầy đủ, sinh động, rõ nét vai trò, tầm quan trọng, nội dung xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Ngày 26/6/1992, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW về “Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”, Nghị quyết nêu rõ vai trò của xây dựng đạo đức cách mạng và các yêu cầu, chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên của Đảng. Đó là: “xây dựng đạo đức cách mạng và lối sống lành mạnh của cán bộ, đảng viên trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế. Cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trước hết. Nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, gương mẫu trong lao động, cần kiệm xây dựng và bảo vệ đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh, giữ gìn, phát huy truyền thống và bản sắc tốt đẹp của dân tộc[1]. Nghị quyết 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định tiêu chuẩn chung của đội ngũ cán bộ. Những tiêu chuẩn này cũng được xem như là những chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên của Đảng cần phải có: Có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Các tiêu chuẩn đó, có quan hệ mật thiết với nhau. Coi trọng cả đức và tài, đức là gốc.

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được thông qua tại Đại hội XI đã xác định nhiều quy phạm, chuẩn mực đạo đức của người đảng viên như: 1- Đối với Đảng, trung thành với lý tưởng cách mạng, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Đảng, của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc,… 2- Đối với Tổ quốc, trung thành với Tổ quốc, biết đặt lợi ích của Tổ quốc và của Đảng lên trên lợi ích cá nhân,… 3- Đối với nhân dân, phải thể hiện là bộ phận ưu tú, tiên phong của xã hội, trong đó các phẩm chất đạo đức là chuẩn mực quan trọng cấu tạo nên vai trò tiên phong và ưu tú của đảng viên,… 4- Đối với bản thân, phải có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh; không ngừng học tập nâng cao trình độ và rèn luyện đạo đức, lối sống, phong cách…

Tại Đại hội XII, lần đầu tiên trong văn kiện Đảng đã đánh giá nội dung công tác xây dựng Đảng về đạo đức: “Coi trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt kết quả bước đầu quan trọng[2]. Đồng thời xác định: “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng[3] là một trong những phương hướng, nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng những năm tiếp theo. Đặc biệt, tại Đại hội lần này, Đảng đã đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức ngang với nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Cụ thể: “Tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức[4] và đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên - với tư cách là những hình thức biểu hiện của chuẩn mực đạo đức cách mạng đã được Đảng ta ban hành như: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương; Quy định số 08-Qđi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định 37-QÐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về “Những điều đảng viên không được làm”, v.v..

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những trụ cột của công tác xây dựng Đảng nói chung, có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất biện chứng với các nội dung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Trong phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong tình hình mới, Đảng ta xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”[5]Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.  Và vì thế, xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng luôn có ý nghĩa to lớn, vai trò rất quan trọng để lựa chọn và sàng lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; bảo đảm không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhưng cũng không để sót những cán bộ thực sự có đức, có tài, “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết[6].

Có thể nói, những chỉ thị, quy định, nghị quyết trên cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của công tác xây dựng Đảng nói chung, cũng như sự cần thiết xây dựng chuẩn mực đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Hiện nay, trước sự biến động phức tạp của tình hình thế giới và trong nước trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước, không ngừng xây dựng Đng trong sch, vng mnh v chính tr, tư tưởng, t chc và đđức càng đặt ra yêu cầu cấp thiết về xây dựng các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam./.

 

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 52, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 194.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.187.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.202.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.202.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 180.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 187.

Nhận xét