QUAN ĐIỂM ĐẠI HỘI XIII VỀ XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI

 TH

Quan điểm Đại hội XIII về chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa vận hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ, con người là mục tiêu của sự phát triển thể hiện tư tưởng nhất quán về xây dựng, hoàn thiện chế độ chính trị thật sự vì sự phát triển con người.

Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam coi nhân dân là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; đảm bảo “mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân”[1]. Quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc[2], nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[3] là bài học kinh nghiệm quý báu Đảng ta rút ra sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới.

Thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[4] thể hiện rất rõ vai trò nhân tố con người là trung tâm trong các chính sách phát triển, chủ thể, động lực và là đối tượng thụ hưởng thành quả phát triển. Nhấn mạnh đến phương châm “dân thụ hưởng” là điểm mới nổi bật trong Văn kiện Đại hội lần này. Nội hàm “dân thụ hưởng” mang tính toàn diện về nội dung, không chỉ thụ hưởng thành quả kinh tế - xã hội, mà còn thụ hưởng thành quả chính trị, văn hoá, tinh thần… Thêm vào cụm từ “dân thụ hưởng” trong “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là bước phát triển lý luận quan trọng, thể hiện nhận thức, đánh giá ngày càng đầy đủ, đúng đắn vai trò của Nhân dân trong hệ thống chính trị cũng như phản ánh bản chất quan hệ nhân dân với các chủ thể khác của hệ thống chính trị, bản chất chế độ chính trị cũng như mục tiêu tối thượng của phát triển đất nước. Xét trên phương diện chính trị, dân thụ hưởng có một ý nghĩa thời sự sâu sắc. Bởi trên thực tế, nhân dân tham gia vào tất cả các quá trình từ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, nhưng đến phần “thụ hưởng” thì thực tiễn cho thấy còn tồn tại những vướng mắc do cơ chế, chính sách, do con người vận hành cơ chế, các kẽ hở pháp lý dẫn đến có một số thành quả phát triển mà một bộ phận nhân dân chưa thật sự là người thụ hưởng.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh cần phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ; tạo nền tảng chính trị, pháp lý tôn trọng, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Để khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[5], Đảng ta chỉ rõ cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị mang bản chất cách mạng, thực sự của dân, do dân, vì dân, đem lại hạnh phúc cho nhân dân; phát huy tính tích cực chính trị - xã hội của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức. Đồng thời, “mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương”[6]; xử lý kịp thời, nghiêm minh việc lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân; khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, lợi dụng dân chủ để chống phá chính quyền, chống lại sự nghiệp đổi mới, đi ngược lại lợi ích chính đáng của toàn dân tộc.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Tập 1, tr. 216

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, Tập 1, tr.27

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, Tập 1, tr.28

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd Tập 1, tr.27

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, SđdTập 1, tr.173

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, SđdTập 1, tr. 215

Nhận xét