PHÂN PHỐI CÔNG BẰNG TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

 TH

Hiện nay, xuất hiện quan điểm đối lập công bằng xã hội nói chung, công bằng trong phân phối nói riêng, với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm bác bỏ, phủ nhận đường lối đổi mới, những thành tựu trong nhận thức và giải quyết vấn đề công bằng xã hội của Đảng ta. Có quan điểm cho rằng, không có mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chỉ cần phát triển kinh tế thị trường, theo quy luật và sự điều tiết của thị trường sẽ đem lại công bằng, bình đẳng xã hội và sự giàu có, thịnh vượng. Từ đó, họ đi đến phủ nhận vai trò và sự gắn kết giữa phát triển kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa, phủ nhận công bằng xã hội nói chung, công bằng trong phân phối nói riêng ở nước ta. Đây là quan điểm xuyên tạc sai trái cần bác bỏ.

Đảng ta chủ trương thực hiện công bằng xã hội, tức là bảo đảm cho các thành viên xã hội được hưởng thụ tương xứng với đóng góp của họ cho xã hội, nghĩa vụ đi liền với quyền lợi cũng như sự bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội và nguồn lực phát triển. Muốn thực hiện tốt công bằng xã hội, điều kiện căn bản là phải bảo đảm công bằng trong phân phối. Đó là quá trình phân chia kết quả sản xuất và các nguồn lực cho các nhu cầu sản xuất và sinh hoạt đời sống. Phân phối có vị trí ý nghĩa kinh tế - xã hội rất quan trọng trong toàn bộ quá trình tái sản xuất xã hội. Vì vậy, cần có chính sách phân phối đúng đắn trong từng thời kỳ. Đảng ta nêu rõ, cần “thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội” [1]. Phân phối bảo đảm những nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường và kết hợp với phân phối theo phúc lợi xã hội và an sinh xã hội là rất quan trọng, cần thiết để bảo đảm cho thực hiện công bằng trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Thực tiễn cho thấy, bản thân kinh tế thị trường không tự động bảo đảm công bằng xã hội, không thực hiện một cách đầy đủ công bằng trong phân phối. Kinh tế thị trường chỉ góp phần thực hiện công bằng xã hội theo cách thức phân chia lợi nhuận dựa trên lao động, hiệu quả kinh tế và mức góp vốn theo quy luật của thị trường trên nguyên tắc người có đóng góp nhiều thì hưởng nhiều, đóng góp ít thì hưởng ít. Trên thực tế, các hình thức phân phối theo quy luật của kinh tế thị trường cũng đang chứa đựng sự bất bình đẳng. Bởi vì, như C. Mác đã từng khẳng định, trong thời kỳ quá độ không thể tránh khỏi “với một công việc ngang nhau và do đó, với một phần tham dự như nhau vào quỹ tiêu dùng của xã hội thì trên thực tế, người này vẫn lĩnh nhiều hơn người kia, người này vẫn giàu hơn người kia” [2], đó là một hạn chế không thể tránh khỏi trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Ph.Ăngghen đã từng cảnh báo: “Sự biến động không ngừng của giá cả, do những điều kiện của cạnh tranh tạo ra, đang làm cho thương nghiệp mất sạch những dấu vết cuối cùng của đạo đức” [3]. Cạnh tranh khốc liệt trong kinh tế thị trường khiến cho “mỗi người đều phải ra sức nắm lấy thời cơ thuận lợi nhất để mua và bán, mỗi người đều phải trở thành kẻ đầu cơ, nghĩa là gặt hái ở nơi mà y không gieo trồng, làm giàu trên sự thua lỗ của những người khác, tính toán trên sự rủi ro của người khác hoặc lợi dụng cơ hội để kiếm lời” [4]. Trong cơn “gió lốc” ấy, kinh tế thị trường gây ra hàng loạt những vấn đề như phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng, tệ nạn xã hội, suy thoái môi trường,v.v..

Từ đó, để khắc phục những “thất bại” của thị trường trong việc thực hiện các mục tiêu công bằng xã hội, mà trước tiên là công bằng trong phân phối, phải cần tới vai trò của nhà nước. Sự điều tiết, can thiệp cần thiết của nhà nước sử dụng thể chế, các nguồn lực, công cụ điều tiết, chính sách phân phối và phân phối lại là cơ sở để bảo đảm cho tất cả mọi người đều được hưởng thụ tương xứng với những cống hiến của họ cho xã hội trên những lĩnh vực mà thị trường không làm được. Đương nhiên, nhà nước thực thi chiến lược phát triển kinh tế, thực hiện phân phối lại, song không được làm triệt tiêu tăng trưởng và hiệu quả kinh tế.

Theo đó, thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo quy luật kinh tế thị trường nhằm mục đích tôn trọng quy luật kinh tế khách quan, giải phóng sức sản xuất, khơi mở, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo và năng lực chủ quan của mỗi con người. Đồng thời và cùng với đó, thực hiện phân phối thông qua các nguồn lực khác và thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội (định hướng xã hội chủ nghĩa) để vừa phát triển kinh tế mạnh mẽ, vừa giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các ri ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân” [5].

Những năm qua, bên cạnh phân phối theo quy luật kinh tế thị trường, Đảng ta đồng thời rất chú trọng đến phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt trội, là một điển hình về giảm nghèo đa chiều bền vững; đã đầu tư hiệu quả cho y tế, giáo dục, văn hoá, việc làm, xây dựng môi trường sinh thái, cải thiện an sinh xã hội, kiện toàn hệ thống bảo đảm công bằng phúc lợi xã hội không những làm cho kinh tế phát triển mà còn bảo đảm thực hiện tốt công bằng xã hội. Từ đó, đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố. Đảng ta tự hào khẳng định, Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Những thành tựu đổi mới đã khẳng định bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng và cũng là xã hội tương lai mà nhân loại tiến bộ đang hướng tới. Bên cạnh những thành quả to lớn, thành tựu quan trọng như trên, đất nước ta còn có những hạn chế, yếu kém. Các vấn đề mặt trái của kinh tế thị trường vẫn còn tồn tại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình đang còn hiện hữu; bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại và có mặt còn gay gắt hơn; các vấn đề phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo, những bất bình đẳng xã hội, xuống cấp, suy đồi đạo đức chưa được giải quyết triệt để đang đặt ra những thách thức không nhỏ, là những lực cản của quá trình phát triển. Tình hình đó đặt ra cho nước ta những thách thức lớn, đồng thời cũng là cơ hội để tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả hơn chủ trương phát triển kinh tế với thực hiện công bằng xã hội, trong đó có công bằng trong phân phối.

[1] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.8.

 [2]. C.Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 19, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.35.

 [3], [4]. C.Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.771, 772.

[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập 1), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.148.

 

Nhận xét