BÁC BỎ NHỮNG LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI VỀ CÔNG CUỘC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM

 TH

Gần đây, trên một số diễn đàn mạng xã hội các đối tượng phản động rêu rao rằng, tham nhũng ở Việt Nam hiện đã trở thành “hệ thống”, bản chất và muốn chống không còn cách nào khác phải thay đổi cơ chế, phải “xóa bỏ chế độ”. Nhiều bài viết vu cáo rằng, đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên là “đấu đá nội bộ, phe cánh”, “thanh trừng phe phái”. 

Họ cố tình bôi đen cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta, cho rằng việc bắt bớ nhiều, xử lý tham nhũng nhiều không hề có tính cảnh tỉnh, răn đe, ngược lại càng làm cho “tình hình thêm phức tạp, nghiêm trọng”. Một số cá nhân, tổ chức thù địch đã chia sẻ những bài viết này lên các trang mạng xã hội, từ đó đi đến quy kết, xuyên tạc bản chất cuộc chiến chống tham nhũng, hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tác động vào tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của một bộ phận người dân, nhất là đối với các doanh nhân, cán bộ trong bộ máy Nhà nước.

Lợi dụng một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên gần đây như vụ kit test Việt Á, vụ “chuyến bay giải cứu”, các cá nhân, tổ chức thù địch quy chụp rằng toàn bộ đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước ta “đang rơi vào tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, thoái hóa, biến chất”. Họ vu cáo rằng, đó là bản chất, là “căn bệnh nan y, kinh niên” của chế độ độc đảng cầm quyền. Họ đưa ra quan điểm cho rằng, chỉ có thể chống được tham nhũng khi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập” để kiểm soát quyền lực, kêu gọi phải thay đổi thể chế chính trị thì mới có thể chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất.

Thực tiễn cho thấy, chế độ một đảng lãnh đạo cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tham nhũng. Nó là tệ nạn nhức nhối, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong số đó, đa số là các quốc gia thực hiện chế độ đa đảng, không do Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo. Do đó, việc cho rằng, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất là “căn bệnh nan y”, chỉ xảy ra ở các quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo hay ở quốc gia do một đảng lãnh đạo, cầm quyền là hoàn toàn không đúng với thực tế, là sự quy chụp, suy diễn. Âm mưu của chúng là nhằm gây ra tình trạng nghi ngờ, hoang mang, dao động, thiếu niềm tin, kích động chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ to lớn của nhân dân, cuộc chiến chống tham nhũng đã có chuyển biến tích cực, rõ rệt, đạt được những kết quả quan trọng. Trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước Việt Nam rất rõ ràng, những đối tượng tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cùng với đó, qua chống tham nhũng, cơ quan chức năng đúc rút những kinh nghiệm, bài học để tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách pháp luật nhằm từng bước hoàn thiện, bịt lỗ hổng để ngăn ngừa tham nhũng. Những thông tin sai trái từ các cá nhân, tổ chức, trung tâm chống phá Việt Nam về cuộc chiến chống tham nhũng đòi hỏi người dân cần cảnh giác, không phụ họa, chia sẻ trên mạng xã hội. Đại hội XIII của Đảng đánh giá, tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm cho nội bộ mất đoàn kết, không phải giữa các “phe cánh”, “đấu đá” mà góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; tăng cường đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Chống tham nhũng cũng nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững, củng cố niềm tin vững chắc của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

 

Nhận xét