Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên với việc xây dựng và bảo vệ tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn

TCQPTD-Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một trong những vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam; được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao nhiều cương vị quan trọng và có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967 – 1976), Đồng chí đã có những quyết định đúng đắn, táo bạo, lập nhiều chiến công xuất sắc, kịp thời chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên thăm bộ đội Trường Sơn. (Ảnh tư liệu)

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất, để tăng cường công tác chỉ huy, bảo đảm chi viện cho chiến trường miền Nam, tháng 01/1967, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết định giao Đại tá Đồng Sĩ Nguyên, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (đặc trách Tổng cục Hậu cần tiền phương ở tuyến nam Quân khu 4) kiêm chức Tư lệnh Đoàn 559 (Đoàn Vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn). Đây là quyết định đúng đắn để từng bước tạo nên tên tuổi của một danh tướng kiệt xuất gắn liền với đường Trường Sơn huyền thoại.

Ngay khi nhận trọng trách Tư lệnh Đoàn 559, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đã nhanh chóng nắm bắt tình hình thực tiễn chiến trường và kết quả chi viện chiến lược cho miền Nam. Với tư duy sắc sảo và kinh nghiệm phong phú trong chỉ huy, tổ chức tuyến Tổng cục Hậu cần tiền phương, Đồng chí rút ra một số vấn đề có ý nghĩa then chốt: đường Trường Sơn chỉ đi được trong mùa khô và mùa khô ở đây cũng qua rất nhanh; địch đánh phá, ngăn chặn quyết liệt, liên tục, nhưng ta nắm tình hình bằng điện đài quá chậm; từng binh trạm chưa xây dựng được sức mạnh tổng hợp, chưa thực hiện được chỉ huy thống nhất; toàn tuyến chưa đưa chiến thuật quân sự vào vận tải trong chiến tranh; đời sống của bộ đội, thanh niên xung phong quá khó khăn; các lực lượng trên tuyến hoạt động xa hậu phương, nên việc bảo đảm vật chất, khí tài, phương tiện xe - máy và khi bị thiệt hại thường tổ chức khắc phục chậm; tư tưởng tiến công là chủ đạo nhưng trong chỉ huy, chỉ đạo chưa thật rõ1. Do đó, ta khó có thể hoàn thành được kế hoạch vận chuyển chi viện cho các chiến trường, mà trước mắt là kế hoạch vận chuyển giao hàng, giao quân cho các chiến trường trong mùa khô 1966 - 1967.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã đưa ra những tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, kịp thời ở từng giai đoạn thực hiện nhiệm vụ của Đoàn 559, như: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, “phòng tránh tích cực”, v.v. Đây là những vấn đề được Đảng ủy Đoàn 559 tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá thấu đáo và quyết định: tất cả lực lượng của Đoàn 559 phải bám đường, bám trọng điểm. Theo đó, Đồng chí đã chỉ đạo dời Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh ra gần Đường 20. Đây là một quyết định đúng đắn, táo bạo, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi trong lãnh đạo, chỉ huy triển khai thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Là người chỉ huy sâu sát, tỉ mỉ, không quản khó khăn, gian khổ và hiểm nguy, Đồng chí đã trực tiếp xuống cơ sở khảo sát thực địa nắm tình hình cụ thể của toàn tuyến; đến từng cung đường, từng binh trạm, binh chủng… để nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống của cán bộ, chiến sĩ; đánh giá công tác tổ chức, chỉ huy, nắm tình hình địch đánh phá, v.v. Trong đó, tập trung kiểm tra, khảo sát kỹ các cung đường, khu vực trọng điểm để có giải pháp sát đúng trong lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy khắc phục những khó khăn, hạn chế, củng cố và phát triển vững chắc tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.

Sau khi kiểm tra nắm chắc tình hình thực tế, Đồng chí chỉ đạo: trên cơ sở bố trí, tổ chức hiện có, cần phải điều chỉnh cho hợp lý, bảo đảm cho vận trú, tổ chức nghi binh thật tốt, xây dựng, củng cố thành căn cứ lớn hơn, bảo đảm tập kết được khối lượng vật chất lớn, hệ thống kho chứa được hàng chục vạn tấn hàng, tập kết được đội hình xe tới cấp sư đoàn ô tô vận tải và số lượng lớn pháo binh và xe tăng, bảo đảm thời gian ngắn nhất, tiết kiệm thời gian tối đa; xây dựng hệ thống đường với nhiều tuyến, bao gồm các đường vào và ra hợp lý; cố gắng giữ nguyên hiện trạng địa hình cùng các tán cây để ngụy trang kín đáo, v.v. Trong bố trí các kho, bãi tập kết, nơi ở của bộ đội và đội hình bố trí, Đồng chí yêu cầu không được quá xa nhau, vì sẽ gây trở ngại cho thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, cũng không được bố trí tập trung, co cụm, nhất là bố trí theo hình tròn, hình vuông, mà phải theo đường thẳng để hạn chế tổn thất khi địch đánh phá. Thực tế sau khi cấu trúc lại hệ thống kho, bến bãi, nhất là điều chỉnh mặt sàn kho cao ngang sàn xe đã khắc phục được việc phải bắc ván để leo bốc xếp hàng, tiết kiệm được nhân lực và công sức; rút ngắn được thời gian bốc hàng từ 10 đến 20 phút cho một xe.

Từ kết quả khảo sát trực tiếp ở các cung đường, binh trạm, trạm giao liên, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã cùng với Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh tập trung phân tích, đánh giá tình hình địch - ta, thời tiết, khí hậu ở Trường Sơn; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; công tác tổ chức chỉ huy, hiệp đồng cấp binh trạm; công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; thông tin, quân y,…Đồng chí đã chỉ ra những hạn chế, như: Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ ta mới chỉ thấy cái mạnh của địch mà chưa thấy những điểm yếu của chúng; chưa thấy rõ điểm mạnh cơ bản của ta, mà quá nhấn mạnh những khó khăn, hạn chế. Từ đó dẫn đến tình trạng đánh giá địch quá cao, nặng về bị động phòng tránh,… nên hiệu quả vận chuyển chi viện thấp, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng lớn của các chiến trường.

Để giữ thế chủ động tiến công trong bảo vệ, phát triển tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, Đồng chí khẳng định: Trong cuộc chiến đấu để giành thắng lợi phục vụ chiến trường, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn cũng là một chiến trường, một mặt trận có hai kẻ thù mà ta phải vượt qua. Một là, chiến đấu với bộ binh và không quân địch để giữ vững và phát triển tuyến chi viện. Hai là, cuộc “chiến đấu” với thời tiết khắc nghiệt ở Trường Sơn, để giành giật thời gian, thực hành vận chuyển thắng lợi. Cuộc chiến với thời tiết khó khăn không kém gì đối đầu với bộ binh và không quân địch. Về điều kiện thời tiết, khí hậu có quy luật của nó, ta sẽ khắc phục từng bước. Với địch, mặc dù có nhiều máy bay, bom đạn hiện đại, sức tàn phá lớn, nhưng cũng có những hạn chế, đó là: Địch không thể đánh phá, kiểm soát hết mọi chỗ trên cả một tuyến dài và rộng; không quân địch đánh phá chỗ này thì phải bỏ trống chỗ khác, đánh cửa khẩu nhiều thì bỏ phía trong, đánh ban ngày nhiều thì giảm ban đêm và ngược lại; những điểm tập trung cao mỗi ngày địch đánh phá từ 6 đến 10 đợt, mỗi đợt từ 15 phút đến 25 phút. Như vậy, mỗi ngày địch đánh phá cao nhất khoảng hơn 3 tiếng, không quân địch chỉ làm chủ ở một mức độ nhất định, không làm chủ hoàn toàn về không gian và thời gian. Về ta, ở mặt đất ta là người làm chủ, có nhiều lợi thế về địa hình rừng núi, có rừng rậm che đỡ, ngụy trang, có công sự và tinh thần dũng cảm của các lực lượng trên tuyến chi viện chiến lược, nếu được trang bị thêm kiến thức quân sự và vận dụng tư tưởng quân sự của Đảng vào lĩnh vực vận tải quân sự, nhất là tư tưởng tiến công “đánh địch mà đi, mở đường mà vận chuyển”, thì nhất định hiệu quả trong xây dựng, củng cố, phát triển tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn và vận chuyển chi viện cho các chiến trường sẽ hiệu quả hơn.

Từ nhãn quan, tư duy chiến lược và sự nghiên cứu, phân tích sắc sảo đó, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị thuộc quyền phải tập trung làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, khắc phục tư tưởng dao động, phòng tránh đơn thuần, những biểu hiện xem nhẹ, giản đơn, lơ là mất cảnh giác. Đồng thời, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì có phẩm chất, trình độ, năng lực tốt, tác phong công tác sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ; đội ngũ cán bộ chủ trì phải thực hiện 05 trực tiếp (trực tiếp giao nhiệm vụ; trực tiếp kiểm tra; trực tiếp xử lý công việc kịp thời, đặc biệt ở những nơi khó khăn, thời điểm khó khăn; trực tiếp tổ chức hiệp đồng chỉ huy chiến đấu; trực tiếp báo cáo cấp trên). Trên cơ sở phân tích, đánh giá thấu đáo, sát đúng tình hình mọi mặt, Đồng chí chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể của các lực lượng, các bộ phận trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Với bộ đội Thông tin, “Muốn làm tròn chức năng cơ quan chỉ huy, người chỉ huy trong chiến tranh - thời kỳ nào cũng vậy, trước hết phải biết tổ chức nắm được thông tin tốt nhất, nhanh nhất. Chiến tranh hiện đại, thông tin càng tối quan trọng. Đặc biệt, Tuyến 559 phải hoạt động, chiến đấu liên tục 24/24 giờ mỗi ngày đêm”2. Xây dựng hệ thống thông tin chiến dịch và chiến lược, kết hợp thông tin hậu tuyến với bộ đàm sóng ngắn, bảo đảm thông tin từ Bộ Tư lệnh đến các trọng điểm, binh trạm… chỉ đạo, chỉ huy kịp thời, thông suốt, chủ động trong mọi tình huống. Với bộ đội Cao xạ, phải bố trí lại trận địa, bám sát các mục tiêu bảo vệ, lấy chốt trọng điểm là chính kết hợp với cơ động thích hợp, tiêu diệt máy bay địch, bảo vệ cầu đường, bảo vệ đội hình công binh, vận tải… làm giảm tổn thất, tăng hiệu suất vận chuyển. Với bộ đội Công binh, phải xây dựng công sự bám trụ ở ngay trọng điểm, coi chốt trọng điểm như trận địa chiến, tăng cường máy móc, trang bị, thuốc nổ… để giảm số người mà vẫn ứng cứu, khắc phục hậu quả phá hoại nhanh; kết hợp chống phá hoại với mở rộng đường, liên tục mở đường mới. Nắm vững quy luật đánh phá của địch, lợi dụng điều kiện thời tiết, mây mù, chuyển sang làm đường ban ngày là chính, ban đêm tập trung ứng cứu và khắc phục hậu quả. Với bộ đội Vận tải, xây dựng các căn cứ tập kết an toàn với nhiều đường tiếp cận ra trục đường chính, tổ chức thành đội hình nhiều thê đội quy mô cấp đại đội hoặc tiểu đoàn ô tô, có chỉ huy chặt chẽ, vừa tổ chức nghi binh, vừa tận dụng sương mù, thời tiết, lợi dụng pháo sáng và quy luật đánh phá của địch để chủ động chạy lấn chiều, lấn sáng, tăng thời gian và hiệu suất vận chuyển. Lấy bộ đội Vận tải là chủ lực để tổ chức chiến đấu hiệp đồng binh chủng tại nơi địch đánh phá, bảo vệ đội hình xe vượt trọng điểm, đây là một sáng tạo trong vận dụng nghệ thuật quân sự vào vận tải quân sự, bảo đảm cho vận chuyển thắng lợi. Với bộ đội Giao liên, triệt để tận dụng địa hình và các loại vật liệu tại chỗ, tăng cường cải tạo cầu đường đi bộ cho đội hình lớn hành quân ra chiến trường; mở các đường song song, đường tránh, bảo đảm đường đi vào, đi ra, giữ vững tán rừng ngụy trang bí mật. Với bộ binh, lực lượng bảo vệ đắc lực vòng ngoài, cần tiếp tục phát triển lực lượng, tăng cường vũ khí, trang bị, tăng cường xây dựng cơ sở và phối hợp chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, mở rộng hành lang tuyến chi viện chiến lược. Với các binh trạm, không chỉ thực hiện vận tải đơn thuần, mà phải trở thành một tổ chức chỉ huy chiến đấu thực sự của binh chủng hợp thành, nắm và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào chiến đấu trên tuyến vận tải chiến lược.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sâu sát, tỉ mỉ của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Đoàn 559, trong đó có vai trò quan trọng của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn ngày càng được củng cố và phát triển, đáp ứng yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam. Với thế trận được điều chỉnh hợp lý, các lực lượng vừa thực hiện nhiệm vụ xây dựng, vận chuyển chi viện cho các chiến trường, vừa tổ chức tác chiến hiệp đồng binh chủng bảo vệ vững chắc tuyến chi viện chiến lược, tiêu diệt máy bay địch, bảo đảm thông đường, đẩy nhanh công tác chi viện chiến trường. Chỉ trong 10 ngày đầu của tháng 02 năm 1967 hiệu suất vận chuyển tuyến chi viện chiến lược đã vượt 10% so với tháng 01 năm 1967. Kế hoạch vận chuyển chi viện của Đoàn 559 trong mùa khô 1966 - 1967 đã hoàn thành thắng lợi, lần đầu tiên giảm được tỷ lệ tiêu thụ gạo nội bộ so với khối lượng chi viện chiến trường, lương thực dự trữ ở các trạm giao liên bảo đảm đủ cho hành quân cả năm. Đây cũng là mùa khô đầu tiên “thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch vận tải; giao quân bổ sung cho chiến trường với số lượng lớn nhất, kịp thời nhất. Là mùa khô lực lượng 559 bắn rơi nhiều máy bay, tiêu diệt được nhiều bộ binh địch, tham gia giải phóng được một số vùng đất đai của Bạn. Đồng thời, mở được nhiều đường mới, nhất là đường vòng tránh, bảo đảm giao thông thông suốt liên tục. Đặc biệt, đây là mùa khô đầu tiên các lực lượng binh chủng trên tuyến vận dụng đúng đắn tư tưởng tiến công, nghệ thuật và chiến thuật quân sự phù hợp với đặc điểm của tuyến vận tải quân sự chiến lược trong chiến tranh”3.

Thực tiễn cho thấy, tác chiến hiệp đồng binh chủng là một sáng tạo độc đáo, một bước đột phá về tổ chức vận chuyển trong điều kiện địch đánh phá, ngăn chặn quyết liệt. Điều đó được thể hiện rõ khi các lực lượng của ta phối hợp tác chiến chặt chẽ, chủ động đánh liên tục, hiệu quả đã hạn chế rất lớn việc đánh phá của máy bay, thám báo của địch, giảm tổn thất của ta. Ngay khi dứt tiếng bom, công binh nhanh chóng san lấp hố bom, khắc phục hậu quả đánh phá của địch. Đường thông, lực lượng vận tải nhanh chóng vượt trọng điểm, chi viện cho chiến trường. “Nghệ thuật quân sự lần đầu tiên được vận dụng thắng lợi trên tuyến vận tải quân sự chiến lược”4. Những chủ trương, giải pháp đúng đắn và những thắng lợi, kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ trong mùa khô 1966-1967 đã nhanh chóng được áp dụng trên toàn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.

Trên cơ sở thực tiễn diễn biến tình hình và những kinh nghiệm rút ra trong thực hiện nhiệm vụ mùa khô 1966-1967, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, triệt để trong toàn lực lượng. Theo đó, Bộ Tư lệnh và cơ quan Bộ Tư lệnh từ chỉ đạo là chính chuyển sang kết hợp chỉ đạo và chỉ huy. Từng binh trạm tổ chức chỉ huy thống nhất, trực tiếp chỉ huy binh chủng hợp thành tại các trọng điểm, khu căn cứ tập kết. Thực hiện “đánh địch mà tiến, mở đường mà đi”, vận dụng nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân chống địch đánh phá, ngăn chặn. Trong tổ chức vận chuyển, tổ chức thành đội hình nhiều thê đội, lấy bộ đội vận tải làm chủ công, các lực lượng khác phối hợp nhịp nhàng trong đánh máy bay địch, bảo vệ cầu đường, bảo vệ đội hình vận tải, nhanh chóng khắc phục hậu quả đánh phá, khắc phục tắc đường,… bảo đảm đường thông để vận tải cơ động vận chuyển chi viện cho các chiến trường.

Cùng với xây dựng, phát triển và bảo vệ tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, dưới sự chỉ huy tài tình của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, Đoàn 559 còn thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức chiến đấu, phối hợp chiến đấu đánh bại các cuộc hành quân của địch, mở rộng vùng giải phóng và hành lang tuyến chi viện chiến lược, đập tan âm mưu, thủ đoạn của địch nhằm ngăn chặn, cắt đứt tuyến chi viện chiến lược của ta. Nổi bật, năm 1971, Đoàn 559 đã phối hợp tác chiến cùng các đơn vị, các lực lượng làm nên chiến thắng của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, đánh bại hoàn toàn cuộc Hành quân Lam Sơn 719 của địch, tiêu diệt 02 lữ đoàn, 01 trung đoàn và 05 tiểu đoàn bộ binh, 04 thiết đoàn tăng thiết giáp, 08 tiểu đoàn pháo binh; đánh thiệt hại nặng 02 trung đoàn bộ binh, 01 liên đoàn biệt động quân, 01 lữ đoàn và 03 tiểu đoàn khác; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 tên địch (bắt sống 1.142 tên); bắn rơi, phá hủy 556 máy bay, 1.138 xe quân sự, 112 pháo, cối; thu 02 máy bay trực thăng, 24 xe quân sự, 78 pháo, cối, 2.268 súng các loại. Lần đầu tiên, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn hoàn thành nhiệm vụ chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng trên một cánh của chiến dịch, đập tan âm mưu cắt đứt tuyến đường Trường Sơn bằng sức mạnh tổng lực của địch, làm nên “khúc tráng ca của cuộc chiến đấu chống ngăn chặn trên tuyến đường mang tên Bác”5, góp phần quan trọng để các chiến trường liên tiếp giành thắng lợi to lớn, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN LƯỢNG, Trưởng phòng Kế hoạch, Quản lý khoa học và Đào tạo, Viện Lịch sử quân sự/Bộ Quốc phòng
________________

1 - Đồng Sĩ Nguyên - Trọn một con đường, Nxb QĐND, H. 2012, tr. 238.

2 - Sđd, tr. 241.

3 - Sđd, tr. 294.

4 - Sđd, tr. 292.

5 - Sđd, tr. 390.

Nhận xét