Nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

TCQPTD-Sức mạnh chiến đấu của Quân đội được tạo thành bởi nhiều yếu tố, nhưng suy cho cùng đều thuộc hai thành phần cơ bản và quan trọng nhất là con người và vũ khí, trang bị k thuật quân sự. Đây cũng là hai yếu tố chịu tác động mạnh mẽ nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội trước tác động của cuộc cách mạng này để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống là một yêu cầu tất yếu khách quan hiện nay.

Với tính chất thông minh, tích hợp và linh hoạt mà cốt lõi là sự tích hợp các công nghệ mới trên nền tảng Internet, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là Cách mạng công nghiệp 4.0) đã, đang xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học với trung tâm là sự phát triển của Internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, in 3D, tự động hóa robot, thực tế ảo, công nghệ vật liệu mới, v.v. Sự tích hợp này đã, đang tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới, tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Trong lĩnh vực quân sự, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những đột phá lớn về không gian mạng và tác chiến không gian mạng, các loại vũ khí thông minh, thiết bị bay không người lái, ứng dụng mô phỏng trong huấn luyện, hệ thống chỉ huy, điều khiển, tình báo, trinh sát, v.v.

Trong tương lai, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta sẽ phải đối diện với rất nhiều thách thức, nhiều loại vũ khí công nghệ và hình thái chiến tranh mới. Vì thế, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội,... tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân,... cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”1, để “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”2 là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi tất yếu trong tình hình hiện nay. Để thực hiện tốt mục tiêu đó, cần tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:

Một là, tăng cường giáo dục, huấn luyện, phát huy nhân tố con người trong Quân đội, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh hiện đạiCách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang kéo theo sự phát triển mạnh mẽ về khoa học và công nghệ nói chung, trong lĩnh vực quân sự nói riêng, với nhiều loại vũ khí mới, công nghệ quân sự mới và phương thức tác chiến mới ra đời, v.v. Tuy nhiên, dù công nghệ có phát triển đến đâu thì con người vẫn là chủ thể phát minh, chế tạo và sử dụng chúng. Tức là con người vẫn là nhân tố giữ vai trò quyết định. Vì thế, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, trước hết phải tập trung “hiện đại hóa” nhân tố con người - chính là nâng cao trình độ mọi mặt của cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng những yêu cầu của cuộc chiến tranh hiện đại. Chiến tranh càng hiện đại, vũ khí càng tối tân thì càng đòi hỏi chất lượng cao và toàn diện ở con người. Do đó, bồi dưỡng phát huy nhân tố con người trong Quân đội hiện nay phải nắm vững và quán triệt quan điểm toàn diện, trong đó lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở.

Phát triển con người một cách toàn diện, trước hết cần tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để không ngừng nâng cao chất lượng nhân tố chính trị tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ - nhân tố cơ bản, ưu thế tuyệt đối của con người trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nội dung tập trung vào: xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng yêu nước, tinh thần cảnh giác cách mạng, giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; ý chí quyết tâm và tinh thần sẵn sàng vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, quyết chiến, quyết thắng kẻ thù; đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật và tinh thần đoàn kết của bộ đội, v.v. Thực tiễn đã chứng minh, chính trị tinh thần là biểu hiện cao nhất, cái cần thiết nhất tạo nên sức mạnh giành thắng lợi trong chiến tranh; đồng thời, chính là nhân tố cơ bản gắn bó, liên kết toàn thể dân tộc thành một khối thống nhất, chặt chẽ trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong tương lai, vũ khí, trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại, uy lực và sự nguy hiểm của nó đối với con người càng lớn, đòi hỏi tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ càng cao. Do đó, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao chất lượng nhân tố chính trị, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ luôn phải đặt lên hàng đầu trong việc bồi dưỡng phát huy nhân tố con người.

Cùng với đó, cần tăng cường huấn luyện chiến đấu nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật và năng lực làm chủ vũ khí, trang bị cho cán bộ, chiến sĩ. Đây là một yêu cầu tất yếu khách quan của cuộc chiến tranh hiện đại. Vì vậy, huấn luyện chiến đấu phải hướng tới việc phát triển toàn diện trí năng, kỹ năng và thể năng của cán bộ, chiến sĩ đi đôi với tập trung xây dựng năng lực trí tuệ, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học; kỹ năng hiệp đồng, nghi binh, ngụy trang, giữ bí mật, tác chiến cơ động; nhất là kỹ năng sử dụng thành tựu của công nghệ thông tin để chống chiến tranh điện tử, chiến tranh tin học, v.v. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng các cuộc diễn tập, nhất là diễn tập tổng hợp để nâng cao trình độ năng lực, bản lĩnh chỉ huy, phối hợp hiệp đồng tác chiến và rèn luyện phẩm chất toàn diện cho bộ đội; qua đó, có thể đánh giá một cách toàn diện con người, vũ khí, sức mạnh vật chất và tinh thần của Quân đội. Để nâng cao chất lượng diễn tập phải chuẩn bị công phu, chu đáo, tiến hành nghiêm túc, tránh biểu hiện chủ quan, đơn giản, chạy theo thành tích, cắt xén tình huống,... dẫn đến kết quả giả tạo. Đồng thời, thực hiện nghiêm nguyên tắc: diễn tập phải sát với thực tế chiến đấu, đúng với phương án tác chiến, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh; nhất là khi địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ, phát triển công nghiệp quốc phòng, không ngừng nâng cao chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự. Mặc dù con người là nhân tố giữ vai trò quyết định, song, vũ khí trang bị kỹ thuật lại vô cùng quan trọng, cần thiết và là cơ sở vật chất cho sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã dẫn đến sự phát triển như vũ bão của khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự, làm cho uy lực của vũ khí càng mạnh mẽ hơn, vai trò của vũ khí càng trở nên quan trọng đối với hoạt động quân sự. Do đó, việc hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật nhằm không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cũng như tương lai sau này càng trở nên cấp thiết.

Nâng cao chất lượng và từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự là rất quan trọng và cần thiết. Song, đây là một vấn đề lớn mang tính lâu dài, cần phải có một quá trình chuẩn bị chu đáo về tiềm lực kinh tế, cơ sở vật chất cũng như yếu tố con người. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn như hiện nay, càng cần có những giải pháp phù hợp và hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm để vừa tránh lãng phí, vừa bảo đảm được sức chiến đấu của Quân đội. Trước mắt, cần tập trung mọi nguồn lực ưu tiên phát triển, hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, như: không quân, hải quân, thông tin, pháo binh, công binh, đặc công, cảnh sát biển và biên phòng.

Nâng cao chất lượng vũ khí quân sự hiện nay, trước hết cần coi trọng và phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, các công nghệ mới, vật liệu mới, đi tắt, đón đầu, tạo bước đột phá về khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực quân sự để sản xuất và cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước. Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ quy trình xây dựng, tuyển chọn, đánh giá, nghiệm thu các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự, bảo đảm tính chọn lọc và hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí. Phát triển công nghiệp quốc phòng, đầu tư có chiều sâu cho các cơ sở sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự. Kết hợp chặt chẽ giữa khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân dụng với dân dụng, phát triển công nghệ lưỡng dụng vừa phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác quân sự, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế về vũ khí cũng như công nghệ. Đồng thời, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của ngành kỹ thuật, thực hiện tốt phương châm “giữ tốt, dùng bền, an toàn tiết kiệm”; sử dụng kết hợp hiệu quả các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại để tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội.

Ba là, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh, vận dụng và phát triển hiệu quả nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện mới. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy cả con người và vũ khí quân sự phát triển mạnh mẽ kéo theo những thay đổi trong việc tổ chức lực lượng và biên chế của Quân đội. Để xây dựng Quân đội vững mạnh, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; trọng tâm là Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022, của Bộ Chính trị (khóa XIII), về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022, của Quân ủy Trung ương, về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo. Quá trình thực hiện, từng cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể, phương pháp tiến hành chặt chẽ, khoa học, với lộ trình, bước đi cụ thể, điều chỉnh tăng, giảm tổ chức, quân số phù hợp với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, khả năng bảo đảm vũ khí, trang bị và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trong chiến tranh, dù vũ khí hiện đại có nhiều ưu thế hơn, song, trong những điều kiện nhất định, gắn liền với cách tổ chức và sử dụng lực lượng, cách đánh thích hợp thì vũ khí kém hiện đại vẫn có thể phát huy hiệu quả và giành thắng lợi trước vũ khí hiện đại hơn. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào hình thức tổ chức và phương thức tác chiến của Quân đội. Do vậy, đẩy mạnh nghiên cứu, vận dụng và phát triển nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc, có cách đánh phù hợp để bảo vệ Tổ quốc hiện nay là rất quan trọng và cần thiết. Cần phát huy tốt đội ngũ cán bộ khoa học quân sự trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để đúc kết những bài học, những chiến lệ điển hình,... góp phần bổ sung, phát triển học thuyết quân sự Việt Nam, xây dựng và hoàn thiện đường lối quân sự của Đảng trong tình hình mới. Đồng thời, làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình, xây dựng các tình huống giả định và biện pháp giải quyết bảo đảm tính khoa học, thực tiễn cao để huấn luyện và diễn tập. Trong đó, đặc biệt coi trọng những giải pháp khoa học, kết hợp chiến thuật với kỹ thuật trong phòng, chống vũ khí công nghệ cao và có kế hoạch bảo toàn các tiềm lực quân sự, quốc phòng, kinh tế trong việc phòng tránh sự phá hủy của vũ khí công nghệ cao ở tất cả các quy mô, phạm vi tác chiến trong khu vực phòng thủ các địa phương và cả nước.

Cùng với đó, mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng để nâng cao vai trò, vị thế, trách nhiệm của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cộng đồng ASEAN, các diễn đàn quốc tế và khu vực,... làm cho thế giới hiểu rõ về chính sách đối ngoại, quốc phòng của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong xây dựng Quân đội chính quy, hiện đại; chủ động phát hiện, giải quyết, ngăn ngừa các nguy cơ xung đột, chiến tranh từ sớm, từ xa để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

 “Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”3 cần căn cứ vào điều kiện cụ thể tình hình trong nước và bối cảnh thế giới để giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra. Trong đó, vấn đề có tính nguyên tắc, nhất quán là phải luôn coi trọng phát huy nhân tố con người; nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực sáng tạo để không ngừng nâng cao chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật của Quân đội; có phương thức kết hợp tốt nhất giữa con người và vũ khí để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho Quân đội là những điều căn cốt nhất trong xây dựng và nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội trước sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

TS. PHẠM VĂN MINH, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
__________________ 

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. CTQG ST, H. 2021, tr. 48 - 49.

2 - Sđd, tr. 48.

3 - Phan Văn Giang – Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tạp chí Cộng sản điện tửngày 11/7/2022.

Nhận xét