ĐẤU TRANH TƯ TƯỞNG, LÝ LUẬN TRONG QUÂN ĐỘI TIẾP CẬN TỪ ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM NĂM 1943

Phạm Trung

Để đập tan âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và phátxít Nhật muốn “trói buộc và giết chết” văn hóa Việt Nam, xây dựng một nền văn hóa mới - văn hóa cách mạng, Trung ương Đảng ta đã thông qua Đề cương Văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh khởi thảo vào tháng 2 năm 1943. Sự ra đời của Đề cương văn hoá Việt Nam khi đất nước chưa giành được độc lập là một dấu mốc lịch sử quan trọng, khẳng định sự phát triển tư duy chiến lược của Đảng về văn hóa. Đề cương văn hóa Việt Nam đề cập đến rất nhiều nội dung về văn hóa. Trong đó, nội dung trung tâm là “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam”. Đề cương văn hóa Việt Nam đã luận giải thực chất, mục tiêu, mối quan hệ biện chứng với các mặt hoạt động khác, nguyên tắc, sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa Việt Nam. Đây chính là những định hướng có tính chất phương pháp luận cho đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quân đội hiện nay. Quân đội là một lực lượng quan trọng trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận của Đảng. Đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, một nội dung chủ yếu của công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Nghiên cứu vấn đề cách mạng văn hóa trong Đề cương văn hóa Việt Nam rút ra một số định hướng phương pháp luận soi đường cho đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quân đội hiện nay.

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các chủ thể về vị trí, vai trò, thực chất đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quân đội. Đề cương văn hóa Việt Nam chỉ rõ “Quan niệm của người cộng sản về vấn đề cách mạng văn hóa”[1], nghĩa là chủ thể của cách mạng văn hóa phải có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, thực chất cuộc cách mạng ấy. Theo đó, muốn nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, lý luận trong quân đội, các chủ thể phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò, thực chất công tác này.

Hai là, xác định rõ mục tiêu đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quân đội. Đề cương văn hóa Việt Nam xác định mục tiêu của cách mạng văn hóa Việt Nam: “Nền văn hoá mà cuộc cách mạng văn hoá Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hoá xã hội chủ nghĩa”[2]. Theo đó, đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quân đội phải xác định rõ mục tiêu nhằm góp phần làm thất bại sự chống phá về tư tưởng, lý luận của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam, giữ vững trận địa tư tưởng, lý luận của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, mục tiêu đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quân đội nhằm làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đối với quân đội, nhất là âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội; củng cố vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội; giữ vững các quan điểm và nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới, đặc biệt là giữ vững nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị.

Ba là, đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quân đội phải gắn bó chặt chẽ với các mặt công tác khác. Đề cương văn hóa Việt Nam đặt cách mạng văn hóa Việt Nam trong mối quan hệ biện chứng với cách mạng giải phóng dân tộc[3]. Đây là phương pháp luận biện chứng, quan điểm toàn diện chỉ đạo cách mạng văn hóa Việt Nam. Theo đó, đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quân đội phải đặt trong mối quan hệ biện chứng với các mặt công tác khác, gắn với chức năng, nhiệm vụ của quân đội, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và các mặt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị.

Bốn là, thực hiện “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quân đội hiện nay. Nguyên tắc “dân tộc hóa” yêu cầu đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quân đội cần phải phê phán, bác bỏ, chống lại sự xâm nhập, áp đặt của những học thuyết, tư tưởng, quan điểm lỗi thời, lạc hậu của xã hội cũ, làm cho hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, tâm lý xã hội tích cực phát triển, chiếm ưu thế trong xã hội Việt Nam. Nguyên tắc “đại chúng hóa” yêu cầu đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quân đội cần phải phê phán, bác bỏ những học thuyết, tư tưởng, quan niệm tuyệt đối hóa, đề cao, ca ngợi chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm; xa rời quần chúng, hạ thấp vai trò của quần chúng. Phê phán, bác bỏ, khắc phục những biểu hiện giáo điều, kinh nghiệm trong đấu tranh tư tưởng, lý luận. Phát huy vai trò của quần chúng trong đấu tranh tư tưởng, lý luận, phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong quân đội. Nguyên tắc “khoa học hóa” yêu cầu đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quân đội cần phải phê phán, bác bỏ, khắc phục những học thuyết, tư tưởng, quan điểm trái khoa học, phản khoa học; bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng. Tăng tính khoa học trong tổ chức đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quân đội.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quân đội hiện nay. Đề cương văn hóa Việt Nam khẳng định: “Cách mạng văn hoá muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”[4]. Theo đó, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quân đội hiện nay. Nâng cao hiệu lực cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong tổ chức đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong quân đội trong việc lãnh đạo hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận. Gắn việc giữ vững trận địa tư tưởng với xây dựng các đảng bộ, chi bộ thực sự trong sạch vững mạnh; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện./.

 

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.318.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.319.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.319.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.318.

Nhận xét