ĐẤU TRANH CHỐNG “PHI CHÍNH TRỊ HÓA” QUÂN ĐỘI LÀ NỘI DUNG TRỌNG ĐIỂM TRÊN MẶT TRẬN CHÍNH TRỊ - TƯ TƯỞNG HIỆN NAY

 HH

Sức mạnh chính trị - tinh thần là ưu thế tuyệt đối của quân đội ta. Các thế lực thù địch hy vọng, thông qua “phi chính trị hóa” quân đội, làm cho quân đội ta phai nhạt bản chất chính trị, dẫn đến “biến chất” sang chính trị tư sản, không còn là lực lượng chính trị tin cậy, công cụ bạo lực trọng yếu của Đảng, Nhà nước và nhân dân để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những luận điệu của các thế lực thù địch cho rằng, quân đội "đứng ngoài chính trị", quân đội "phi giai cấp" là luận điệu vô căn cứ, phản khoa học cả về lý luận và thực tiễn. Điều nguy hiểm là, những luận điệu ấy lại được tuyên truyền làm ra vẻ khách quan, nào là quân đội chỉ là của quốc gia, dân tộc; nào là quân đội cần phải đứng "trung lập", không tham gia vào chính trị, không chịu sự lãnh đạo của giai cấp nào, của lực lượng chính trị nào. Điều đó dễ làm cho một số người nhẹ dạ cả tin có thể lầm tưởng rằng các quan điểm đó là phù hợp, cần thiết, và những lời “khuyên nhủ” của chúng là đầy thiện chí, là hợp lý, khách quan.

Âm mưu "phi chính trị hóa" quân đội của các thế lực thù địch hiện nay, tuy chưa thể làm cho quân đội ta biến chất, mất phương hướng chính trị, nhưng cũng làm cho một bộ phận cán bộ, chiến sỹ hoài nghi, thiếu tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; thiếu kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội... Do đó, “phi chính trị hóa” quân đội là đối tượng đấu tranh trọng điểm trên mặt trận chính trị - tư tưởng của quân đội ta.

Nguyên tắc xây dựng quân đội ta, đòi hỏi khách quan phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng quân đội về chính trị với đấu tranh chống “phi chính trị hóa” quân đội trong một thể thống nhất, biện chứng không tách rời. Bài học lịch sử ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô cuối thập kỷ 80 (thế kỷ XX) đã chỉ ra: “phi chính trị hóa” quân đội là đối tượng đấu tranh trọng điểm trên mặt trận chính trị - tư tưởng, là yêu cầu khách quan trong xây dựng quân đội, là nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong quân đội. Do đó, phải chủ động đấu tranh và đấu tranh kiên quyết vạch rõ những quan điểm sai trái, lừa bịp, phản khoa học của các thế lực thù địch hòng “phi chính trị hóa” quân đội.

Cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị - tư tưởng chống “phi chính trị hóa” quân đội đòi hỏi phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận, giải đáp kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ với đấu tranh vạch rõ bản chất của các quan điểm, tư tưởng sai trái, lực thù địch mới bảo đảm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, củng cố, giữ vững được trận địa tư tưởng, nâng cao sức mạnh chiến đấu đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 

Nhận xét