50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm

(LLCT) - Lời Ban Biên tập: Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris (27-01-1973 – 27-01-2023), ngày 16-01-2023, Bộ Ngoại giao phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học: “50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Tạp chí Lý luận chính trị trân trọng đăng bài phát biểu đề dẫn Hội thảo của GS, TS NGUYỄN XUÂN THẮNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm

Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam diễn ra từ năm 1968 đến năm 1973 là một trong những hội nghị đàm phán hòa bình kéo dài nhất trong thế kỷ XX - Ảnh tư liệu TTXVN

Ngày 27-01-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết tại Paris, Pháp, mở ra bước ngoặt trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, tạo thuận lợi cho cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hội thảo hôm nay nhằm nêu bật tầm vóc, ý nghĩa của Hiệp định Paris đối với tiến trình lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta; đúc kết những bài học kinh nghiệm vận dụng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Với mục đích và ý nghĩa đó, Hội thảo tập trung làm rõ và khẳng định những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, thắng lợi của Hiệp định Paris - đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng

Từ năm 1965, cùng với việc đưa quân trực tiếp xâm lược miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc vận động ngoại giao, với danh nghĩa “để giải quyết vấn đề Việt Nam” nhưng thực chất là “đòi Việt Nam thương lượng không điều kiện”(1). Trước tình hình đó, Đảng ta đã khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, phản bác lại luận điệu hòa bình giả hiệu của nhà cầm quyền Mỹ đòi Việt Nam thương lượng vô điều kiện; đồng thời, đã trù tính đến cục diện “vừa đánh, vừa đàm”.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (tháng 01-1967) chỉ rõ: “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường”(2), qua đó nâng đấu tranh ngoại giao lên thành mặt trận ngoại giao phối hợp với mặt trận chính trị và mặt trận quân sự. Nghị quyết có giá trị như một bản Cương lĩnh trên mặt trận đấu tranh ngoại giao của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, từ tháng 5-1968, Hội nghị Paris chính thức diễn ra, “đánh dấu cuộc đọ sức trên mặt trận ngoại giao”, tạo cục diện “vừa đánh, vừa đàm”. Cuộc đàm phán ở Hội nghị Paris đã diễn ra đầy cam go, phức tạp, “kéo dài gần 5 năm, với 202 phiên công khai, 36 phiên gặp riêng bí mật, với 500 cuộc họp báo và 1.000 cuộc phỏng vấn, đàm phán”(3). Cuối cùng, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Paris) ngày 22-01-1973, tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và cố vấn Henry Kítxinhgiơ ký tắt. Ngày 27-1-1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký chính thức.

Đây là văn kiện pháp lý quốc tế khẳng định thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, với những điều khoản quan trọng, đó là: Hoa Kỳ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; quân đội Hoa Kỳ và các nước đồng minh rút khỏi Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua Tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ; việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình...

Trải qua một quá trình đấu tranh bền bỉ, kiên trì, đầy hy sinh gian khổ, từ Hiệp định Sơ bộ (ngày 6-3-1946), Tạm ước (ngày 14-9-1946), Hiệp định Giơnevơ (ngày 21-7-1954), cho đến Hiệp định Paris, Việt Nam đã khẳng định với thế giới là một quốc gia hoàn toàn độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho chủ trương “thêm bạn”, “bớt thù”, dự báo và nắm đúng thời cơ để đi đến thắng lợi quyết định của Đảng ta. “Thắng lợi rực rỡ này là kết quả của hơn 18 năm kiên trì chiến đấu, vượt qua muôn nghìn hy sinh, gian khổ, của bốn mươi triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước ta. Đó là thắng lợi của tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, của sức mạnh đoàn kết toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường bốn nghìn năm của dân tộc Việt Nam”(4).

Thứ hai, tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris đối với tiến trình cách mạng Việt Nam

Hiệp định Paris là tổng hòa thắng lợi quân sự, chính trị và ngoại giao, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân, tạo cục diện mới để đi đến thắng lợi cuối cùng. Từ điểm tựa chiến lược của Hiệp định Paris, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đúng như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (năm 1976) khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”(5).

Không lâu sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Hiệp định về việc lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào (còn gọi là Hiệp định Viêng Chăn) cũng được ký kết (tháng 02-1973), mở ra trang sử mới và là tiền đề trực tiếp dẫn tới thắng lợi trọn vẹn của cách mạng Lào vào năm 1975. Hiệp định Paris cũng tạo điều kiện thuận lợi để cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Campuchia tiến lên giành thắng lợi vào tháng 4-1975. Với việc quân đội Mỹ rút khỏi khu vực, khối SEATO giải tán, đã mở ra một cục diện mới và xu thế hòa bình, trung lập ở Đông Nam Á. Đây cũng là đóng góp to lớn của phong trào cách mạng Việt Nam cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ và giải phóng dân tộc của nhân dân thế giới.

Hiệp định Paris đã tạo ra điều kiện và môi trường để Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, chính nghĩa và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng để trong thời kỳ đổi mới, chúng ta khai thông, nối lại và bình thường hóa các mối quan hệ đối ngoại, phá bỏ sự bao vây, cô lập, cấm vận, mở ra một thời kỳ hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Thứ ba, phát huy những giá trị to lớn và những bài học kinh nghiệm quý báu của Hiệp định Paris trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển, xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc

Nửa thế kỷ đã trôi qua, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị với những bài học kinh nghiệm sâu sắc, quý giá. Đó là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp chính trị - kinh tế, quốc phòng - an ninh và ngoại giao để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự, chính trị, lấy thắng lợi quân sự và chính trị là cơ sở để tiến công ngoại giao, đoàn kết quốc tế, cô lập kẻ thù. Trước những diễn biến phức tạp, khó dự báo của bối cảnh quốc tế hiện nay, cần phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động ngoại giao với đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước; kết hợp chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước với đối ngoại nhân dân; tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Đó là bài học về quán triệt sâu sắc tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Dĩ bất biến” là kiên quyết không khoan nhượng đối với những vấn đề có tính nguyên tắc về: giữ vững độc lập, tự chủ; tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, Mỹ cùng quân đội nước ngoài phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, v.v.. “Ứng vạn biến” là tích cực, linh hoạt, chủ động, khôn khéo trong lựa chọn hình thức, phương pháp đấu tranh ngoại giao, trong nhân nhượng về những vấn đề thứ yếu, biết giành thắng lợi từng bước trong đàm phán tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn. Điều đó làm nên đặc trưng của nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao Cây tre Việt Nam(6).

Đó còn là bài học sâu sắc về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa, các nước không liên kết, nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ, hình thành “Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược”(7). Kế thừa và phát huy bài học quan trọng đó, trong sự nghiệp đổi mới, chúng ta đã đề ra chủ trương coi phát huy nội lực là yếu tố quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng; xử lý đúng đắn, hài hòa giữa độc lập, tự chủ và đoàn kết, hợp tác quốc tế, giữa lợi ích quốc gia dân tộc và trách nhiệm quốc tế; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, văn hóa; ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân; bảo đảm giữa đa phương và song phương, v.v.. tỉnh táo, ứng phó chủ động và kịp thời trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới.

Đặc biệt, đó là bài học về giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ quá trình đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Càng trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, chúng ta càng cần tăng cường và giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đối ngoại và hoạt động ngoại giao để thực hiện thành công, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại... Việt Nam là bạn, là đối tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế(8).

Nhờ đó, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 191 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, với mạng lưới các mối quan hệ đặc biệt, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện rộng lớn; là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế; ngoại giao Việt Nam đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Ôn lại tầm vóc, ý nghĩa của Hiệp định Paris 50 năm về trước để định hướng tương lai, chúng ta tiếp tục kế thừa, phát huy và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của cuộc đàm phán lịch sử, phục vụ sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột gồm đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và đối ngoại nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

...

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 539 (tháng 01-2023)

 

(1) Hiệp định Paris - 40 năm nhìn lại, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2013, tr.42.

(2) Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước, Tập 2 (1965-1970), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr.38.

(3) Vũ Dương Huân: Kết quả nghiên cứu, tổng kết đàm phán Paris về Việt Nam, trong sách Cuộc đàm phán lịch sử. Kỷ niệm 35 năm Hiệp định Paris 1973-2008, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.33.

(4) “Lời kêu gọi” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ngày 28-1-1973. ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.34, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.11.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.471.

(6) Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 14-12-2021.

(7) Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.267.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.161-162.

BBT

Nhận xét