V.I.LÊNIN ĐẤU TRANH CHỐNG NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, PHẢN ĐỘNG VÀ NHỮNG KẺ KHOÁC ÁO, GIẢ DANH MÁC

ĐH

Đấu tranh phê phán những quan điểm công khai, trực diện chống chủ nghĩa Mác đã khó, nhưng khó khăn, phức tạp hơn là phê phán những kẻ khoác áo, đột lột Mác chống Mác. Loại quan điểm này tập trung nhiều vào nội dung giai cấp, đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội. Khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang chủ nghĩa đế quốc, có hàng loạt những quan điểm sai trái xuyên tạc, phủ nhận nội dung giá trị chủ nghĩa Mác. Họ không chịu tiếp thu định hướng của C.Mác và Ph.Ăngghen để bổ sung, phát triển, mà thể hiện thái độ phủ nhận sạch trơn, cho rằng chủ nghĩa Mác đã lỗi thời, không còn phù hợp với thời đại mới. Vì vậy, V.I.Lênin đã đấu tranh, vạch chỉ ra sự sai lầm, vô căn cứ của chúng và luận chứng một cách khoa học về bản chất đích thực của chủ nghĩa đế quốc. 

Trong tác phẩm: “Chủ nghĩa đế quốc - giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”, ông đã chứng minh bản chất chủ nghĩa đế quốc vẫn là bản chất chủ nghĩa tư bản, nhưng biểu hiện giai đoạn, trình độ cao. Mặc dù vậy, chủ nghĩa đế quốc vẫn là sự là tiếp nối quy luật phát sinh, phát triển và diệt vong của nó như C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng khái quát và chỉ ra. Qua nội dung trên, V.I.Lênin đã giáng một đòn chí mạng vào những quan điểm sai trái, phản động, đặc biệt là quan điểm của các lãnh tụ Quốc tế II.

Trong tác phẩm “Làm gì, V.I.Lênin tiến hành đấu tranh chống phái kinh tế, chỉ rõ tác hại của lý luận tự phát và việc làm “vô bổ” của những đại biểu phái kinh tế, coi họ là những kẻ thỏa hiệp, cơ hội chính trị, làm bợ đỡ và tay sai cho giai cấp tư sản. Trong đó, V.I.Lênin đã phát triển tư tưởng của chủ nghĩa Mác về các hình thức đấu tranh giai cấp trước khi có chính quyền như đấu tranh kinh tế, đấu tranh chính trị và đấu tranh tư tưởng, đặc biệt nhấn mạnh vai trò quyết định của đấu tranh chính trị. V.I.Lênin cho rằng, đấu tranh chính trị là gay go, quyết liệt nhất. Bởi mục đích của nó là lật độ chế độ xã hội cũ, xây dựng chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Mục đích ấy còn là sự hiện thực hóa tư tưởng của C.Mác về: đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản. Mặt khác, V.I.Lênin còn phân tích các hình thức đấu tranh ấy có liên hệ chặt chẽ với nhau, sử dụng hình thức đấu tranh nào là tuỳ thuộc vào điều kiện lịch sử nhất định. Trên cơ sở đó, V.I.Lênin khẳng định hệ tư tưởng của giai cấp vô sản không hình thành tự phát mà là quá trình tự giác thông qua cuộc đấu tranh chính trị và được giáo dục trong phong trào công nhân. Nhiệm vụ của các nhà dân chủ - xã hội là kiên quyết đấu tranh chống lại hệ tư tưởng tư sản, tiến hành công tác giáo dục chính trị cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động một cách toàn diện, nâng cao nhận thức, giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho họ.

Đặc biệt, khi tiến trình cách mạng phát triển đến sự cận kề của đấu tranh giành chính quyền về tay giai cấp công nhân; khi điều kiện cách mạng vô sản đã trở lên chín muồi, vấn đề giành chính quyền về tay giai cấp công nhân đã cận kề, tinh thần của Đảng Bônsêvích và quần chúng đang dâng lên, thì những kẻ đột lốt Mác chống Mác quyết liệt hơn. Loại quan điểm này tập trung vào phủ nhận phương pháp giành chính quyền bằng cách mạng bạo lực; phủ nhận quan điểm của chủ nghĩa Mác về bản chất giai cấp của nhà nước, phủ nhận chuyên chính vô sản. Trước tình hình đó, V.I.Lênin đã viết tác phẩm “Nhà nước và cách mạng”. Trong tác phẩm này, V.I.Lênin đã kế thừa tư tưởng của Ph.Ăngghen trong “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và chủ nhà nước”, khẳng định lại những luận điểm và bổ sung, phát triển nhiều nội dung mới cho phù hợp với tình hình gấp rút. Trong quá trình ấy V.I.Lênin đã thể hiện một phương pháp đấu tranh mới với những quan điểm sái trái, bằng cách trích dẫn Ph.Ăngghen và trích dẫn quan điểm xuyên tạc để so sánh và chỉ ra sự cắt xén, bớt hay thêm một từ làm cho nội dung tư tưởng các luận điểm không còn đúng nghĩa của nó. Qua đó khôi phục lại bản chất cách mạng, khoa học và dẫn dắt, định hướng tư tưởng cho trận quyết chiến giành chính quyền nhà nước.

Trong tác phẩm: “Cách mạng vô sản và tên phản bội Cauxky”, V.I.Lênin vạch trần sự phản bội lợi ích đối với giai cấp công nhân của Cauxky, phê phán ông ta đã phủ nhận chuyên chính vô sản, bóp méo học thuyết Mác về cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nếu như Cauxky coi nền dân chủ tư sản là “trong sạch và không có tính giai cấp”, thì trong tác phẩm này, V.I.Lênin đã phê phán và khẳng định: Chừng nào còn các giai cấp khác nhau thì chỉ có thể nói đến nền dân chủ có tính giai cấp mà thôi” và sự khác biệt căn bản giữa nền dân chủ tư sản và nền dân chủ vô sản ở: Nền dân chủ tư sản thể hiện lợi ích của một thiểu số bóc lột, còn nền dân chủ vô sản - dân chủ hơn gấp triệu lần, có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của tuyệt đại bộ phận nhân dân là những người lao động.

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công đánh dấu bước ngoặt cách mạng trong đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, phản động, bảo vệ, phát triển và hiện thực hóa chủ nghĩa Mác. Mục đích của những quan điểm sai trái là xuyên tạc, phủ nhận nội dung, giá trị và cản trở tiến trình hiện thực hóa chủ nghĩa Mác. Trái lại, thành công của cách mạng tháng Mười Nga đã chứng minh hiệu quả của cuộc đấu tranh phê phán các quan điểm, luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch và đưa lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen thành hiện thực ở nước Nga.

Tuy nhiên, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 lại mở ra điều kiện, hoàn cảnh và nội dung đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái với tính chất phức tạp, quyết liệt hơn. Điều đó có nghĩa, đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin là một chuỗi lôgíc không lúc nào ngừng trong quá trình phát triển học thuyết mới. Nó là một đặc trưng, vấn đề có tính quy luật xuyên suốt tiếp nối lẫn nhau. Đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái còn được hiểu là một động lực cho phát triển lý luận cách mạng. Vì thế, trong lịch sử phát triển, bổ sung, hoàn thiện lý luận cách mạng của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, không thể sao nhãng, xem nhẹ vấn đề này. V.I.Lênin là tấm gương sáng ngời về đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái trong bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác. Điều này vừa định hướng, vừa đặt ra cho các thế hệ sau phải tiếp nối sự nghiệp đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, phản động phải sát thực với từng điều kiện cụ thể.

Sau khi V.I.Lênin qua đời, những người mácxít trên toàn thế giới, trong đó Stalin và những người cộng sản Xô Viết là những người đóng góp to lớn, trực tiếp, thiết thực nhất vào việc thừa kế, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác. Đáng chú ý, cuộc đấu tranh thời kỳ này tập trung vào phản bác các quan điểm của chủ nghĩa cơ hội, xét lại và cải lương, nhất là sự câu kết giữa chủ nghĩa xét lại với chủ nghĩa cải lương xã hội trong việc chống lại lý luận mácxít. Về mặt lý luận, nó thể hiện trong những quan điểm thống nhất về cái gọi là chủ nghĩa xã hội - dân chủ. Từ đầu những năm 50 của thế kỷ XX, họ đã ra sức tấn công chủ nghĩa xã hội hiện thực, xuyên tạc tính ưu việt của nó bằng một lý thuyết trừu tượng về con người và xã hội. Tuy nhiên, đi theo tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản cũng như những kinh nghiệm có tính chất phổ biến của Đảng Cộng sản Liên Xô, các đảng cộng sản và công nhân đã tiến hành một cuộc đấu tranh quyết liệt chống chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh. Một loạt các nhà mácxít có tên tuổi như: Phrunde, Kilinin, Kirốp, Cơrúpxkaia, A.Ôrátxki, Phôgavsi, Mitin, Đungke và những người khác đã viết hàng loạt tác phẩm lý luận để đấu tranh phê phán. Trong thời gian này, Đảng công nhân thống nhất Ba Lan cũng đã tiến hành một cuộc đấu tranh tích cực chống chủ nghĩa xét lại đang lan rộng dưới mặt nạ chống chủ nghĩa giáo điều. Bọn xét lại ở Ba Lan nắm trong tay mấy tờ tạp chí (như Po Prostu, Nowa Kultura,…) trong một thời gian dài đã tiến hành một chiến dịch chống đảng, chống lại những thành quả của chủ nghĩa xã hội, chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin và làm rối loạn tư tưởng trong hàng ngũ những người xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Song, cuộc đấu tranh kiên quyết của các đảng mácxít nhằm bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin đã làm cho chủ nghĩa xét lại phải chịu thất bại. Trong tuyên bố năm 1960, đại biểu các đảng cộng sản và công nhân đã nhận định: Các đảng cộng sản đã đập tan về mặt tư tưởng bọn xét lại trong hàng ngũ của mình - những kẻ mưu toan lái họ đi chệch con đường cách mạng vô sản. Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại, chống chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, các đảng cộng sản riêng lẻ cũng như toàn bộ phong trào cộng sản quốc tế đã được củng cố thêm về mặt tư tưởng và tổ chức.

Mặc dù chủ nghĩa xét lại vào cuối những năm 50 của thế kỷ XX đã phải chịu một đòn thất bại nặng nề, nhưng những nguồn gốc xã hội và nhận thức luận của nó vẫn còn tồn tại trong các nước tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, cuộc đấu tranh của nó chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn tiếp tục và chuyển sang một dạng thức khác. Vào những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ XX, ở một loạt nước xã hội chủ nghĩa, bọn xét lại cố gắng tìm hiểu, lượm gặt những vấn đề mới về mặt lý luận, những vấn đề nảy sinh từ trong công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa cũng như những hiện tượng mới về chất trong sự phát triển xã hội ở các nước tư bản chủ nghĩa để vạch ra những “lý lẽ mới” và những phương pháp mới cho cuộc đấu tranh chống lại lư luận mácxít và chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, cũng trong thời gian này mối quan hệ giữa chủ nghĩa cơ hội “tả khuynh” và “hữu khuynh” ðã có những hình thức gắn bó hơn, thể hiện đặc biệt trong lập trường chung chống Liên Xô và thù địch với học thuyết Mác - Lênin. Trong đó, các nhóm cực tả khác nhau và bọn Tơrốtkít đã mở một chiến dịch vu khống chống Liên Xô trên quy mô lớn, tiến hành hoạt động chia rẽ rộng khắp trong phong trào cộng sản, trong các phong trào và tổ chức quốc tế tiến bộ khác.

Dựa chắc vào di huấn của V.I.Lênin về những nguyên tắc đấu tranh không khoan nhượng chống lại mọi biến tướng của tư tưởng tư sản, những người cộng sản chân chính và các đảng cộng sản đã tập trung phê phán, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của chủ nghĩa cơ hội, xét lại dưới mọi hình thức. Hội nghị quốc tế của các đảng cộng sản và công nhân năm 1969, Đại hội lần thứ XXIV, XXV của Đảng Cộng sản Liên Xô và các đại hội của các đảng cộng sản khác đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh với những quan điểm xét lại, cơ hội chủ nghĩa và đạt được những thắng lợi rất thiết thực. Những thắng lợi này trở thành cơ sở, động lực cho cuộc đấu tranh phê phán các trào lưu, quan điểm phủ nhận chủ nghĩa Mác nói riêng, học thuyết mácxít nói chung trong các giai đoạn tiếp theo.

 

Nhận xét