PHÂN BIỆT RÕ GIỮA PHÁT TRIỂN CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN CHÂN CHÍNH VỚI PHÁT TRIỂN GIẢ HIỆU

      Niềm Tin

 Các nhà kinh điển đã chỉ ra: ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội, tồn tại xã hội thay đổi thì sớm hay muộn ý thức xã hội cũng phải thay đổi theo; và mỗi khi trong khoa học tự nhiên có những phát minh mang tính chất vạch thời đại, buộc triết học phải thay đổi hình thức của nó. Theo đó, việc bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh của từng quốc gia, dân tộc thực hiện cuộc cách mạng vô sản và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan; là nhiệm vụ của bất kỳ một người mácxít chân chính nào, đó là một sự thật hiển nhiên không ai có thể chối cãi được.

Ngay C.Mác và Ph.Ăngghen lúc đương thời các Ông còn sống, các Ông cũng đã nhiều lần khuyến cáo các nhà cách mạng, các đồng chí của mình và ngay chính bản thân các Ông đã trực tiếp bổ sung, phát triển những quan điểm, tư tưởng của mình trên tất cả các lĩnh vực cho phù hợp với thực tiễn sự phát triển của phong trào công nhân và đòi hỏi của Quốc tế Cộng sản.

Tiếp nối C.Mác và Ph.Ăngghen. V.I.Lênin cũng đã chỉ rõ: Chủ nghĩa Mác không phải là đã xong xuôi hoàn chỉnh, nếu những người cộng sản không muốn mình lạc hậu, thì phải thường xuyên phát triển chủ nghĩa Mác. Vì vậy, V.I.Lênin đã nêu tấm gương sáng ngời về bảo vệ, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác lên một tầm cao mới đáp ứng sự đòi hỏi của thực tiễn cách mạng vô sản ở nước Nga, cũng như phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc bấy giờ. Thực tế đã cho thấy, nhiều vấn đề lý luận quan trọng như: chủ nghĩa duy vật biện chứng; lý luận về chủ nghĩa tư bản chuyển sang chủ nghĩa đế quốc; các hình thức kinh tế quá độ của những nước chưa qua chế độ tư bản chủ nghĩa v.v.. đã được V.I.Lênin phát triển một cách toàn diện và sâu sắc. Một trong những minh chứng về việc bảo vệ, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác được thể hiện ở lĩnh vực triết học phản ánh trong tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”, hết sức sinh động. Cụ thể là: V.I.Lênin đã đưa ra định nghĩa vật chất nổi tiếng, khắc phục cuộc khủng hoảng trong khoa học tự nhiên, đưa chủ nghĩa duy vật phát triển lên một trình độ mới; đặc biệt, trong tác phẩm này V.I.Lênin đã làm rõ tính đảng của triết học và phê phán thái độ không đảng phái trong triết học. V. I. Lênin phê phán những nhà triết học dùng “những lời bậy bạ, rắc rối, huênh hoang và kiêu căng, và vô số những mưu toan “phát hiện ra” một đường lối “mới” trong triết học và tìm ra một phương hướng mới” (1), muốn vượt tất cả mọi khuynh hướng triết học trước kia. Những nhà triết học đó “bịa ra những chủ nghĩa triết học mới, cái lối dùng những lời xảo trá cầu kỳ rắc rối để xoá mờ thực chất của vấn đề”(2) và thể hiện thái độ không đảng phái trong triết học như E. Makhơ và Avênariút. V. I. Lênin cho rằng “cái tham vọng ngu dại muốn “vượt lên trên” chủ nghĩa  duy vật và chủ nghĩa duy tâm, muốn khắc phục sự đối lập “cũ kỹ” ấy, nhưng kỳ thật, thì cả đám người đó cứ mỗi lúc một sa vào chủ nghĩa duy tâm và kiên quyết tiến hành đến cùng một cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa  duy vật” (3).

Trong quá trình bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin vẫn kiên định và bảo vệ đến cùng những nguyên lý căn bản trong học thuyết của chủ nghĩa Mác. Trên cơ sở những nguyên lý căn bản, V.I.Lênin đã vận dụng cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, làm cho những nguyên lý đó có sức sống mới. Đó là sự vận dụng sáng tạo. Sự sáng tạo đó phù hợp với bản chất cách mạng của chủ nghĩa Mác. Còn sự phát triển sáng tạo đi đến sự bóp méo, làm mờ bản chất, xa rời những nguyên lý căn bản, về thực chất là biểu hiện rõ nét của chủ nghĩa cơ hội, xét lại; giả danh chủ nghĩa Mác để chống lại chủ nghĩa Mác (những kẻ giả hiệu Chủ nghĩa Mác). Từ đây, chúng ta có cơ sở để dễ dàng phân biệt những nhà mácxít chân chính và những phần tử cơ hội chủ nghĩa trong phong trào công nhân, khoác áo, nhân danh chủ nghĩa Mác để làm tổn lại cho phong trào, cho cách mạng.

  Hiện nay, sự phát triển của thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp với điều kiện mới như: thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội; về mô hình chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ mới; về vai trò của nhà nước trong điều kiện toàn cầu hoá và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; về sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản và tổng kết những thành tựu trong khoa học tự nhiên để phát triển quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng; và đặc biệt sự phát triển của các khoa học liên ngành đòi hỏi phải mở rộng chủ nghĩa Mác - Lênin như triết học chính trị, triết học giới... Tuy nhiên, dù phát triển ở những nội dung nào thì những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin phải được lấy làm xuất phát điểm. Xa rời những nguyên lý này chắc chắn những nguyên lý lý luận sẽ bị lệch lạc, mất định hướng, bị sa vào chủ nghĩa cơ hội, xét lại. Để làm được điều này đòi hỏi những nhà lý luận, đảng viên đảng cộng sản phải có bản lĩnh chính trị, dám đấu tranh không khoan nhượng bảo vệ những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, không được dao động, mất lập trường, yếu đuối, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá từ bên trong. Đồng thời, các nhà lý luận, đảng viên đảng cộng sản phải có khả năng nhận thức đúng những thay đổi của thời đại, những thay đổi trong sách lược của các đảng cộng sản. Nếu không có khả năng nhận thức đúng sự thay đổi của thời đại sẽ dẫn đến những nhận định, đánh giá sai lầm, điều này dễ rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa cơ hội, xét lại, vô hình dung đi chệch hướng, lạc đường, quay lại bác bỏ những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, cần có sự nhận diện đúng đắn và phân biệt rõ ràng giữa việc bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin chân chính với những thế lực lấy danh nghĩa là phát triển sáng tạo cho phù hợp với điều kiện mới để lợi dụng bóp méo, xuyên tạc làm mất đi bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin. Bởi thực chất các thế lực này là các thế lực phản động, phản cách mạng ngoài hình thức chúng đòi xét lại, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng còn trắng trợn giả danh khoác áo chủ nghĩa Mác - Lênin để chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì vậy, đòi hỏi mỗi chúng ta cần có sự nhận diện cho đúng đâu là sự phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin chân chính với phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin giả hiệu hiện nay./.

 



(1) V. I. Lênin toàn tập, tập 18, Nxb Tiến bộ Mátxcơva 1910, tr. 416.

(2) V. I. Lênin toàn tập, tập 18, Nxb Tiến bộ Mátxcơva 1910, tr. 416.

(3) V. I. Lênin toàn tập, tập 18, Nxb Tiến bộ Mátxcơva 1910, tr. 423.

Nhận xét