Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - giá trị dân tộc và thời đại

QPTD-Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” – chiến thắng của tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, chiến thắng của ý chí sắt đá độc lập dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến thắng khẳng định lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” trở thành hiện thực, góp phần tô thắm trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng âm hưởng hào hùng của Chiến thắng vẫn còn vang vọng, có giá trị dân tộc và thời đại sâu sắc.

Nguồn: anninhthudo.vn

Ngược thời gian, chúng ta nhớ lại, vào những ngày cuối tháng 12/1972, đế quốc Mỹ đã huy động 193/tổng số 400 chiếc máy bay B-52 hiện có; hơn một nghìn chiếc máy bay không quân chiến thuật (có 01 liên đội máy bay F-111 khoảng 50 chiếc)1 mở cuộc tập kích chiến lược đường không vào Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số mục tiêu ở miền Bắc. Đây là cuộc không kích quy mô lớn chưa từng thấy với sự tàn bạo nhất trong lịch sử chiến tranh, gây ra những thảm họa nhân đạo thảm khốc đối với Hà Nội và một số địa phương khác. Với ý chí quật cường, dũng cảm, hiệp đồng chiến đấu hết sức chặt chẽ, hiệu quả, trong 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc đã đánh bại bọn “giặc trời”, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52. Việc bắn tan xác những máy bay được gọi là “thần sấm”, “con ma”, “thanh bảo kiếm”, “giặc nhà trời” và đặc biệt là “siêu pháo đài bay” B-52 được coi là bất khả xâm phạm thời đó, là một kỳ tích vô cùng hiển hách, mãi mãi là bản hùng ca có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc và mang tầm thời đại. Giá trị dân tộc và thời đại của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” thể hiện rõ nét trên các nội dung chính yếu sau:

Thứ nhất, Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” tô đậm thêm những trang vàng lịch sử dân tộc Việt Nam và Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, ông cha ta vừa mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vừa kiên quyết đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chiến thắng những đế quốc hung hãn, bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc. Lịch sử còn ghi danh tướng vĩ đại Lý Thường Kiệt phá tan quân Tống cùng bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử nước ta với bài thơ “Nam quốc sơn hà”: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. Trong Thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi khẳng định đanh thép: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác”. Thái sư Trần Quang Khải để lại muôn đời công trạng hiển hách cùng những câu thơ nổi tiếng: “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu”. Chống giặc Thanh, Quang Trung – Nguyễn Huệ chiêu dụ: “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Trong những năm đầu chống thực dân Pháp xâm lược nước ta, các tổng đốc: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu “Treo mình tử thủ giữ thành” để lại những tấm gương lẫm liệt. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Rồi lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của những chiến sĩ cảm tử quân Trung đoàn bảo vệ Thủ đô mùa Đông năm 1946 mãi là những tiếng vọng hào hùng hồn thiêng sông núi.

Những trang sử vàng oanh liệt của ông cha ta đã dày và rất đáng tự hào đều là những chiến công hiển hách trên mặt đất. Còn Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” lại là chiến thắng lũ giặc trên không hùng mạnh bậc nhất thế giới. Vậy nên, chúng ta đã có Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thì chiến thắng của Hà Nội và một số địa phương ở miền Bắc trước cuộc không kích quy mô lớn nhất, điên cuồng nhất của đế quốc Mỹ phải là kỳ tích hào hùng của “12 ngày đêm làm rung chuyển thế giới”.

Thứ haibản lĩnh, trí tuệ Việt Nam ngời sáng trong cuộc chiến đấu sinh tử với “lũ giặc trời”. Thời gian là đá thử vàng. Hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là giai đoạn đặc biệt của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, là thời gian đất nước ta phải vượt qua những thách thức to lớn, có lúc hiểm nguy. Nhưng mỗi lần vượt qua những thách thức đó là một lần dân tộc Việt Nam lại dựng những mốc son lịch sử bằng những thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm chiến đấu với không lực Hoa Kỳ trên bầu trời miền Bắc, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội vào cuối năm 1972 là sự kiện hào hùng được kết tinh bởi bản lĩnh kiên cường của quân, dân ta và sáng ngời trí tuệ của Đảng ta. Với tầm nhìn chiến lược “biết mình, biết người” của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong khi ra sức đẩy mạnh chi viện mọi điều kiện cho tiền tuyến lớn miền Nam, hậu phương lớn miền Bắc không chỉ trụ vững trước nhiều cuộc mưa bom, bão đạn của địch, vẫn chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng chống lại cuộc chiến tranh tổng lực trên không của đế quốc Mỹ. Với nhãn quan chiến lược nhạy bén, ngay từ cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định và chỉ đạo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị,… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”2.

Tình hình đúng là như vậy và chính vì thế, việc chuẩn bị mọi mặt về tư tưởng, tổ chức lực lượng, thế trận chiến đấu được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kiên quyết và khẩn trương thực hiện. Để giành và giữ thế chủ động trong cuộc đối đầu với không quân Mỹ, lực lượng chủ công là Quân chủng Phòng không - Không quân được bổ sung tăng cường các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên nghiệp kết hợp với lực lượng tại chỗ là các đơn vị, tổ dân quân, tự vệ tại khu phố, phường, xã, quận, huyện, nhà máy, xí nghiệp,… tổ chức thế trận hiệp đồng chiến đấu nhiều tầng, nhiều lớp sẵn sàng đánh địch. Với sự chuẩn bị chu đáo, bố trí lực lượng khoa học, hợp lý, lưới lửa của lực lượng ba thứ quân và thế trận phòng không nhân dân “thiên la địa võng” tạo thành sức mạnh tổng hợp bách chiến, bách thắng. Cuộc chiến đấu vô cùng cam go ác liệt với “giặc trời” Mỹ trong 12 ngày đêm với thắng lợi vang dội được thế giới ngợi ca là “Điện Biên Phủ trên không” đã chứng minh sự lãnh đạo tài tình của Đảng với sự sáng tạo, trí thông minh và bản lĩnh con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Với sự nhạy bén học hỏi, vận dụng sáng tạo khoa học công nghệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo, “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ đánh lớn” và thắng địch bằng “mưu, kế, thế, thời”, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ; máy bay tiêm kích MIG bé nhỏ bắn rơi B-52, tên lửa SAM2 và cả súng trường cũng bắn rơi những “con ma”, “thần sấm”. Đặc biệt là, bộ đội Ra đa đã rất sáng tạo, phát huy cao độ trí tuệ, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật để “vạch nhiễu tìm thù”, chỉ thị đúng mục tiêu B-52 để các lực lượng ta tiêu diệt, làm cho kẻ thù khiếp sợ, nể phục.

Quân đội ta do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện, là Quân đội anh hùng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, trung thành tuyệt đối với Đảng với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với nhân dân. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là biểu hiện sinh động của ý chí quật cường và nghị lực phi thường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới.

Thứ baChiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” tạo tiền đề quan trọng cho việc đập tan chủ nghĩa thực dân mới, cổ vũ phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Chúng ta nhớ lại bối cảnh trước khi cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội, Hải phòng và một số mục tiêu trên miền Bắc của đế quốc Mỹ diễn ra, chúng đã rất cay cú nhưng lại huênh hoang tuyên bố “đưa miền Bắc Việt Nam về thời đồ đá”. Sở dĩ như vậy, bởi lẽ ở khắp các tỉnh miền Bắc nước ta đã mấy năm chịu sự bắn phá tàn ác nhưng chúng ta vẫn đứng vững, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa chi viện cho chiến trường miền Nam. Ở miền Nam, quân và dân ta liên tục giành được thắng lợi lớn trên khắp các mặt trận. Diễn biến thuận lợi của ta trên chiến trường đã tác động trực tiếp đến bàn đàm phán bốn bên ở Paris, buộc chính quyền Mỹ chấp thuận thông qua Dự thảo hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” do ta soạn thảo. Tuy nhiên, sau khi trúng cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2, chính quyền Nixon lật lọng đòi sửa đổi Hiệp định dẫn tới đàm phán bế tắc. Muốn thay đổi tình thế, Mỹ tiến hành cuộc tập kích chiến lược này nhằm tàn phá và hủy diệt tại Hà Nội, Hải Phòng hòng gây tâm lý hoang mang, rối loạn xã hội, phá hoại tiềm lực kinh tế và quốc phòng của ta, ngăn chặn nguồn tiếp tế của hậu phương cho tiền tuyến. Với cuộc tập kích đó, Mỹ mong muốn làm cho lực lượng ta ở miền Nam suy yếu, hỗ trợ cho quân đội và chính quyền Sài Gòn tăng cường lực lượng, tạo thế mạnh cho các giải pháp chính trị sau đó. Và qua cuộc tập kích này, Mỹ muốn phô trương sức mạnh răn đe các nước đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Cuộc chiến đấu dũng cảm vô song của quân và dân ta bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B-52 - con “át chủ bài” bất khả chiến bại của không quân Mỹ là thắng lợi lẫy lừng. Nếu như chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là xung lực dẫn tới sự diệt vong của chủ nghĩa thực dân cũ, thì với “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, ta đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và rút hết quân Mỹ cùng đội quân chư hầu về nước. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam kiên cường; Thủ đô Hà Nội trở thành Thủ đô của lẽ phải, của lương tri và phẩm giá con người. Chiến thắng lịch sử hào hùng này “đánh cho Mỹ cút”, tạo tiền đề quan trọng để quân và dân ta “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; là chiếc đinh định mệnh đóng vào quan tài chôn vùi chủ nghĩa thực dân kiểu mới, cổ vũ phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

GS, TS. VŨ VĂN HIỀN
______________

1 - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam – “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” – Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, Nxb QĐND, H. 2012, tr. 15.

2 - Hồ Chí Minh – Biên niên sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb QĐND, H. 1990, tr. 203.

Nhận xét