VẤN ĐỀ NGA VÀ UKRAINE PHẢI CĂN CỨ VÀO TRUYỀN THÔNG CHÍNH THỐNG

 Cương Trực

Trong những ngày qua, khi Nga tiến công Ukraine, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều kênh cá nhân, nhiều nguồn thông tin có bình luận đa chiều về cuộc chiến. Đại đa số họ đều đưa ra các quan điểm, có người ủng hộ, có người lên án, có người bày tỏ sự lo lắng đến sự an toàn về tính mạng và tài sản của người dân, nhất là các công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Ukraine. Tuy nhiên, cũng thấy rõ, đại đa số các kênh thông tin là không chính thống, thông tin chủ yếu là cắt ghép, lượm lặt, không đề cập cụ thể và đúng đắn về các vấn đề ở Ukraine.

Sự xuất hiện của các trang mạng xã hội đã thay đổi một cách căn bản dòng chảy thông tin, từ mô hình truyền thông một nguồn - nhiều người nhận đến mô hình mạng lưới nhiều nguồn - nhiều người nhận, điển hình như các trang blog. Thậm chí, thay vì tự thu thập và điều tra thông tin như trước, nhiều nhà báo chuyển sang tìm kiếm tư liệu trên mạng xã hội. Việc thu thập thông tin đôi khi chỉ đơn giản là tiếp nhận và phát tán nội dung từ những nguồn tin tự do không có chuyên môn, đôi khi thậm chí không thông qua biên tập hay kiểm chứng. Độc giả giờ đây không còn chỉ tiếp nhận thông tin, mà chính họ đang đảm nhiệm những vai trò mới: trở thành những nhà báo công dân bằng cách tự đưa tin, hay trở thành những biên tập viên bằng cách chia sẻ với bạn bè về những xu hướng tin tức trên mạng xã hội. Và tất nhiên, ở đây không có sự kiểm định chất lượng, thậm chí còn phát tán những thông tin thiếu chính xác hoặc gây nhầm lẫn. Công chúng rơi vào trạng thái hoang mang vì không biết tin vào ai, hoặc tin vào điều gì. Bằng cách lan truyền thông tin thất thiệt, các thế lực thù địch cũng có thể dễ dàng thao túng mạng xã hội.

Khác với các kênh truyền thông mạng xã hội, các kênh thông tin chính thống có biên tập viên chịu trách nhiệm sàng lọc thông tin sai lệch hoặc những nguồn tin thiếu chính xác, có hội đồng biên tập để đánh giá bài đăng. Đặc biệt, trước những thông tin mới, thông tin còn chưa rõ ràng, truyền thông chính thống sẽ có vai trò tổng hợp đánh giá, cung cấp cho độc giả thông tin bản chất và định hướng tư tưởng. Đối với Việt Nam, hệ thống thông tin truyền thông chính thống đã trở thành công cụ, phương tiện hữu ích, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc; là tiếng nói của nhân dân, là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Trong đó, chúng ta phải kể đến vai trò của Đài Phát thanh và Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Tiền Phong, các trang thông tin điện tử của Đảng Cộng sản, của Chính phủ…

Do đó, khi nhìn nhận vấn đề Nga và Ukraine, các kênh thông tin trên mạng xã hội chỉ có giá trị tham khảo. Khi cần đánh giá đúng bản chất sự việc, hãy đặt niềm tin đúng chỗ trước thế giới thông tin đầy biến động. Chỉ có theo dõi hệ thống thông tin truyền thông chính thống mới cung cấp, đem lại cho người đọc, người nghe, người xem những thông tin chính xác, có độ tin cậy cao, phản ánh đúng đắn hiện thực cuộc sống.

Nhận xét