VĂN HÓA NGÀY CÀNG ĐƯỢC ĐỀ CAO TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ XÃ HỘI

HH

Đối với kinh tế - xã hội: Văn hóa được xem là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Văn hóa không nằm ngoài kinh tế, các giá trị văn hóa chuẩn mực luôn ẩn chứa trong kinh tế. Đối với doanh nghiệp, đó là văn hóa doanh nghiệp với những mục tiêu hướng tới lợi ích kinh tế song hành với thực hành các giá trị văn hóa, xã hội, thực hiện quản trị doanh nghiệp. Đối với doanh nhân, đó là văn hóa doanh nhân là sự tự trau dồi kiến thức, kĩ năng, trình độ về mọi mặt để đủ tài, đủ đức dẫn dắt doanh nghiệp, từng bước tiến ra thị trường quốc tế. Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, văn hóa càng phải thẩm thấu sâu hơn vào kinh tế. Văn hóa phải thực sự trở thành bản chất nội tại của nền kinh tế, là yếu tố tự thân của nền kinh tế. Phát triển kinh tế gắn với văn hóa phải vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đối với chính trị: Văn hóa không thể tách rời chính trị, được xem là yếu tố cố kết chặt chẽ với chính trị. Mục tiêu chính trị mà Đảng ta phấn đấu là vì dân, vì nước, vì sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia - dân tộc, được thể hiện rõ trong mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - đó cũng chính là sự hướng tới các giá trị chân - thiện - mĩ vốn là nội hàm đặc trưng của văn hóa. Chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng không nằm ngoài mục tiêu hướng tới thực hiện một nhà nước có văn hóa pháp quyền. Văn hóa chính trị cần có trong ứng xử của tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Đối với việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa: Văn hóa bồi đắp và khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thành văn hóa vươn lên, văn hóa khát vọng làm giàu, khát vọng sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Mối quan hệ giữa văn hóa với con người là sự tương tác hai chiều. Văn hóa là môi trường sản sinh ra những phẩm chất của con người, có tác động đến sự hình thành nhân cách con người và con người lại là chủ thể tác động trở lại văn hóa. Dưới tác động của con người, môi trường văn hóa có thể thay đổi và ngược lại. Chính vì vậy, trong mối quan hệ này phải đặc biệt chú ý làm sao để các giá trị văn hóa dân tộc luôn có tác động tích cực đến sự phát triển con người, hướng con người đến tự nhận thức các chân giá trị thực sự, từ đó hướng con người đến hành động có trách nhiệm với xã hội, với môi trường văn hóa để đóng góp vào sự phát triển lành mạnh của môi trường văn hóa.

 

Nhận xét