VĂN HÓA LÀ NỀN TẢNG TINH THẦN CỦA XÃ HỘI

HH

Quan điểm khẳng định vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc là chăm lo nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh thì không có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng Cộng sản Việt Nam về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, một trong những mục tiêu quan trọng mà Đảng ta nhấn mạnh là: xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Do vậy, phát triển bền vững phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế, là sức mạnh nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa cũng là một mục tiêu quan trọng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Các giá trị văn hóa góp phần tạo thành nền tảng tinh thần của xã hội vì nó được thấm nhuần trong mỗi con người và cả dân tộc. Các giá trị văn hóa được nối tiếp, trao truyền và phát huy qua các thế hệ người Việt Nam, đó là tất yếu của dòng chảy lịch sử từ quá khứ đến hiện tại và hướng đến tương lai, tương lai của những giá trị phổ quát chân - thiện - mỹ. Vì vậy, chúng ta phải làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội để các giá trị văn hóa trở thành nền tảng tinh thần bền vững của xã hội.

Mặt khác, để phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, chúng ta cần phải mở rộng giao lưu quốc tế và khu vực, tiếp thu có chọn lọc cái hay, cái tiến bộ trong tinh hoa văn hóa các dân tộc khác để làm giàu thêm cho nền văn hóa dân tộc, tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, làm cho văn hóa Việt Nam bắt kịp sự phát triển của văn hóa nhân loại trong thời đại ngày nay và chống lại cái đã trở nên lạc hậu, lỗi thời, xa lạ với văn hóa.

Đảng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, nghĩa là đề cao, coi trọng nguồn lực văn hóa của sự phát triển bền vững đất nước. Hệ thống di sản văn hóa, các giá trị văn hóa là “tài sản” vô giá, vô tận cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đó còn là cơ sở tinh thần cho sự ổn định xã hội và sự bền vững của chế độ ta.

Nhận xét