VĂN HÓA LÀ MỤC TIÊU CỦA SỰ PHÁT TRIỂN

HH

Văn hóa là mục tiêu của sự phát triển bởi lẽ, văn hóa do con người sáng tạo ra, chi phối toàn bộ hoạt động của con người, là hoạt động sản xuất nhằm cung cấp năng lượng tinh thần cho con người, làm cho con người ngày càng hoàn thiện bản chất người. Con người tồn tại, không chỉ cần những sản phẩm vật chất mà còn có nhu cầu hưởng thụ sản phẩm văn hóa tinh thần, con người và xã hội loài người càng phát triển thì nhu cầu văn hóa tinh thần đòi hỏi ngày càng cao. Đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần đó chính là đảm bảo sự phát triển ngày càng nhiều của cải vật chất cho con người và xã hội.

Xét cho cùng, mọi sự phát triển đều do con người quyết định mà văn hóa thể hiện trình độ vun trồng ngày càng cao, càng toàn diện con người và xã hội, làm cho con người và xã hội ngày càng phát triển, tiến bộ với một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc và văn minh. Trong đó, bản chất nhân văn, nhân đạo của mỗi cá nhân cũng như của cả cộng đồng được bồi dưỡng; phát huy trở thành giá trị cao quý và chuẩn mực tốt đẹp của toàn xã hội. Mục tiêu này phù hợp với khát vọng lâu đời của nhân loại và là mục đích phát triển bền vững, tiến bộ của các quốc gia, dân tộc.

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là thực hiện sự nghiệp vì nhân dân - con người. Nói đến văn hóa là mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội cũng có nghĩa là toàn bộ sự phát triển kinh tế - xã hội phải hướng tới sự phát triển con người, phát triển xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Phải đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển, là mục tiêu của sự phát triển.

Từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, Đảng ta nhất quán tạo lập nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó phải là nền kinh tế giải quyết hài hòa các mối quan hệ lợi ích giữa cá nhân và xã hội, giữa kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo bền vững về môi trường sinh thoái, tạo cơ sở nền tảng vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Để đạt được điều đó phải cần đến văn hóa, sự tham gia của văn hóa vào trong tổ chức và hoạt động của nền kinh tế vì mục tiêu phát triển xã hội, phát triển con người, đó chính là vai trò của văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa.

Văn hóa với tư cách là đời sống tinh thần xã hội, một mục tiêu đặc biệt quan trọng, vì nó là nhu cầu phong phú, vô cùng, vô tận, tinh tế của con người, nhu cầu tinh thần còn là nhu cầu nhân văn và là cứu cánh của con người, văn hóa ấy vừa đáp ứng nhu cầu của con người, xã hội tiến bộ, vừa thúc đẩy con người đạt được niềm tin, sự khát vọng hạnh phúc.

Nhận xét