“TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN” - MỘT GIÁ TRỊ VĂN HÓA CẦN PHẢI ĐƯỢC GÌN GIỮ VÀ PHÁT HUY

  Gió biển

          Trong thời gian vừa qua, dư luận lại nóng nên với đề xuất của Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Cần chấm dứt câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Quan điểm này đã thu hút sự chú ý và có rất nhiều các quan điểm đưa ra, trong đó có quan điểm đồng tình, ủng hộ và cũng có quan điểm không đồng tình, cho rằng cần phải tiếp tục giữ gìn và phát huy hơn nữa.

          Xã hội ngày nay đã tạo ra không gian cởi mở hơn trước rất nhiều. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra đó là tư duy phản biện của trẻ cần được khơi thông. Mảnh đất màu mỡ cho trẻ sáng tạo cần được vun xới nhiều hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà lại gạt bỏ, phủ nhận câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” - Một giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã tạo ra lớp lớp các thế hệ người Việt Nam đóng góp tích cực vào sự trường tồn, lớn mạnh của đất nước như ngày hôm nay.

Chúng ta rất thông cảm và chia sẻ với tấm lòng nhiệt huyết của một người thầy luôn đau đáu việc gìn giữ các giá trị văn hóa và vun bồi những năng lực cần thiết để người trẻ có thể hội nhập một cách toàn diện vào nền kinh tế tri thức - công nghệ đang phát triển như vũ bão. Tuy nhiên, tôi chưa đồng tình với quan niệm cho rằng “tiên học lễ” sẽ khiến người học mang tính phục tùng theo mệnh lệnh, đánh mất dần năng lực tư duy, sáng tạo. “Lễ” nếu chỉ hiểu đơn thuần là phép tắc, lễ nghĩa thì tự thân chữ “lễ” đã là mối quan hệ hai chiều: Người dưới kính trọng người trên, người trên đối xử phải phép với người có vị trí xã hội thấp hơn. Hơn nữa, chữ “lễ” theo cách hiểu từ xưa đến nay chính là đạo đức, nhân cách, những nét đẹp ngời sáng đạo lý của dân tộc: Hiếu học, thuận hòa, lễ phép, trung thực, nhân nghĩa… Đối với mỗi người và đối với mỗi dân tộc, đạo đức chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào dù phát triển vượt bậc về kinh tế thì cũng vẫn cần và gìn giữ những giá trị tạo nên văn hóa truyền thống của dân tộc. Chỉ có làm được như vậy thì mới có thể giữ được văn hóa và giữ được dân tộc. Đúng như tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”.

 

Nhận xét