NHẬN DIỆN THÊM VỀ CÁC GỌI LÀ “TỔ CHỨC NHÂN QUYỀN”

 Văn Hóa

Một điệp khúc lặp lại thường niên không mới, đó là vào dịp cuối năm, một số lự lượng như: Tổ chức Theo dõi nhân quyền có trụ sở tại New York (Hoa Kỳ) lại phát đi thông cáo kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ “cần sử dụng vòng đối thoại nhân quyền để thúc ép Việt Nam trả tự do cho những “tiếng nói bất đồng” đang bị giam giữ và có những cải thiện về nhân quyền”. Tiếp đó, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Việt với mục đích hướng dẫn áp dụng Luật Magnitsky của Hoa Kỳ để “trừng phạt vi phạm nhân quyền ở Việt Nam”. Các tổ chức này luôn lợi dụng chiêu bài nhân quyền để thúc đẩy các quốc gia, tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ, hướng lái theo ý đồ của họ; nhằm gây khó khăn cho Việt Nam trong hội nhập và tham gia vào các hoạt động quốc tế.

Thực tế cho thấy, tổ chức nhân danh bảo vệ nhân quyền nói trên liên tục vi phạm các quy định của quốc tế về nhân quyền. Bởi lẽ, theo những nội dung được ghi trong Hiến chương Liên Hợp quốc năm 1945 và Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc thì hoạt động của lực lượng này đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc đó là không can thiệp các vấn đề thuộc thẩm quyền của quốc gia khác. Mặc dù lấy danh nghĩa bảo vệ nhân quyền nhưng việc làm của tổ chức trên lại không tuân theo nguyên tắc điều chỉnh của pháp luật nhân quyền quốc tế đối với chủ quyền quốc gia và trách nhiệm quốc gia. Theo Tuyên bố về các nguyên tắc của luật quốc tế, điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc ban hành kèm theo Nghị quyết 2625 năm 1970, nêu rõ: Tôn trọng chủ quyền quốc gia về lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế, xã hội và chính sách đối ngoại; sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia; bình đẳng chủ quyền của các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc; không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác; giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình...

Quy định đã rõ như ban ngày, nhưng tổ chức trên dường như cố tình làm ngơ, hoặc tự cho mình cái quyền bất chấp những quy định của luật pháp quốc tế để mang danh nhân quyền, lấy cớ can thiệp, cáo buộc bằng cách làm sai lệch bản chất các vụ việc diễn ra trên thực tế để quy chụp, bôi lem tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Việc vi phạm các quy định luật pháp quốc tế về nhân quyền, hoạt động với mục đích, động cơ xấu, chống phá, can thiệp vào nội bộ nước khác bằng thủ đoạn bóp méo, xuyên tạc sự thật về nhân quyền, rõ ràng những tổ chức này không có tư cách để nói về nhân quyền, đánh giá về nhân quyền. Thực tế cho thấy, Việt Nam luôn nỗ lực chung trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người ở phạm vi quốc gia và khu vực; vì thế các nước thành viên ASEAN chính thức đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025. Vì vậy, những luận điệu của tổ chức thù địch, thiếu thiện chí lấy cớ nhân quyền để quy chụp, chống phá Việt Nam chỉ là hoàn toàn sai trái cần bác bỏ./.

Nhận xét