Âm mưu, nội dung, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch can thiệp vào quá trình xử lý đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia

(LLCT) - Sự can thiệp vào quá trình xử lý đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia là hoạt động can thiệp công việc nội bộ Việt Nam của các thế lực thù địch. Đây là hoạt động nguy hiểm, được tiến hành với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, ngụy trang dưới các chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền", "dân tộc", "tôn giáo", "bảo hộ công dân",... nhằm chống phá Việt Nam. Cần nhận diện đầy đủ âm mưu, nội dung, phương thức, thủ đoạn can thiệp của các thế lực thù địch để chủ động trong công tác đấu tranh phòng, chống. 

Ở Việt Nam, mỗi khi diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, nhất là trong dịp Đại hội Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các đối tượng phản động thường gia tăng các hoạt động chống phá. Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh, tiến hành khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án và đối tượng hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, khi điều tra, xử lý các đối tượng này, ngay lập tức các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã tác động, can thiệp dưới nhiều cấp độ, phương thức và thủ đoạn khác nhau. Chúng vu cáo, xuyên tạc Đảng, Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; bắt, giam, giữ người trái pháp luật; đòi trả tự do cho các “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm”, bảo lãnh cho các đối tượng được đi định cư ở nước ngoài; phát động các chiến dịch bênh vực, hỗ trợ cho các đối tượng phạm tội... Hoạt động can thiệp của các thế lực thù địch nêu trên đã có những tác động, ảnh hưởng nhất định đến quá trình xử lý các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia.

Một số trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng đã phải vận dụng pháp luật để đình chỉ điều tra, thả tự do cho các đối tượng bị bắt giữ, khởi tố điều tra hoặc tổ chức cho thăm gặp, tiếp xúc nhân đạo trong quá trình tạm giữ, tạm giam mặc dù không có quy định bắt buộc; nhiều đối tượng được giảm án trong phiên tòa phúc thẩm hoặc áp dụng hình phạt trục xuất; với một số đối tượng, chúng ta đã phải tìm căn cứ pháp lý để tạm hoãn thi hành hình phạt tù (như đi chữa bệnh, đi học tập), sau đó cho chúng được xuất cảnh định cư ở nước ngoài.

Hoạt động can thiệp của các thế lực thù địch không chỉ gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra, xử lý các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia mà còn ảnh hưởng đến lĩnh vực hợp tác, đối ngoại, thực thi pháp luật của Việt Nam. Vì vậy, nhận diện đầy đủ về “các thế lực thù địch” và âm mưu, nội dung, phương thức, thủ đoạn can thiệp của chúng vào xử lý các đối tượng hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia nhằm nâng cao cảnh giác cách mạng cho quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước”(1) là vấn đề rất cần thiết hiện nay.

“Các thế lực thù địch” là thuật ngữ được dùng rất phổ biến trong bảo vệ an ninh quốc gia. Trước đây, “các thế lực thù địch” thường được hiểu là các nước đế quốc, tư bản chủ nghĩa và bọn tay sai, phản động ở trong nước. Tuy nhiên, với đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại”(2) hiện nay của Việt Nam thì việc xác định “các thế lực thù địch” đòi hỏi phải đặt trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể và dựa trên quan điểm biện chứng về đối tác, đối tượng của Đảng và Nhà nước ta. Đảng ta xác định: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì thế lực đó là đối tượng của chúng ta”(3). Theo đó, không phải bất kỳ lực lượng chống đối nào cũng là “các thế lực thù địch” mà lực lượng đó phải có sức mạnh nhất định; có đường hướng hoạt động trái ngược, có âm mưu, hoạt động chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc một cách quyết liệt nhằm xóa bỏ thể chế chính trị và Nhà nước. Tư duy về “các thế lực thù địch” luôn phải đặt trong mối quan hệ biện chứng giữa đối tác và đối tượng, trong một chủ thể có thể lúc này là đối tác, nhưng lúc khác lại là đối tượng, trong điều kiện nhất định chúng lại có thể chuyển hóa lẫn nhau(4).

Các thế lực thù địch có thể ở trong nước và ở nước ngoài, có thể là nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân. Các thế lực thù địch có thể dưới danh nghĩa nhà nước, thông qua các cơ quan nhà nước như quốc hội, chính phủ, đại sứ quán, tổng lãnh sự quán tại Việt Nam, các đoàn ngoại giao vào Việt Nam hoặc đưa ra các phát ngôn từ góc độ chính phủ trên các diễn đàn quốc tế để can thiệp chống phá Việt Nam. Các thế lực thù địch cũng có thể là các tổ chức, như việc lợi dụng danh nghĩa Liên hợp quốc (báo cáo đối thoại nhân quyền), các tổ chức quốc tế (“Ân xá quốc tế” (IA), “Nhà báo không biên giới” (RSF) “Quan sát nhân quyền” (HRW), Cơ quan Truyền thông Toàn cầu của Mỹ (USAGM)), các tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức phản động người Việt lưu vong để công khai can thiệp, chống phá Việt Nam. Các thế lực thù địch cũng có thể là các cá nhân gồm các quan khách chính trị (đại biểu quốc hội, quan chức chính phủ), đại diện các tổ chức quốc tế, những chính khách không thân thiện hoặc có tư tưởng thù địch với Việt Nam; các cá nhân trong các tổ chức phản động lưu vong người Việt, các đối tượng chống đối ở trong nước.

Hoạt động can thiệp của các thế lực thù địch vào xử lý các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia là hoạt động can dự, tác động vào quá trình điều tra, xử lý bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau nhằm hướng lái quá trình xử lý theo ý đồ của chúng. Bản chất hoạt động can thiệp của các thế lực thù địch vào xử lý các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia chính là can dự, tác động vào việc tiến hành các hoạt động điều tra, xử lý làm cho quá trình xử lý đối tượng thiếu khách quan; đòi đình chỉ điều tra, thả tự do, thay đổi tội danh, giảm hình phạt cho các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, đòi cho các đối tượng được ra nước ngoài định cư không có căn cứ...

Hoạt động can thiệp của các thế lực thù địch thường là hành vi trái pháp luật, được tiến hành bởi những phương thức, thủ đoạn khác nhau, chúng thường tìm cách liên kết trong - ngoài để tiến hành các hoạt động can thiệp ở nhiều cấp độ khác nhau. Hoạt động can thiệp của các thế lực thù địch cũng có thể được thực hiện bằng việc đưa ra các yêu cầu hợp pháp (pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế) nhưng mục đích sâu xa vẫn là nhằm chống phá Việt Nam. Chúng triệt để lợi dụng sự khác biệt trong hệ thống pháp luật, trong quan điểm về dân chủ, nhân quyền để tạo cớ can thiệp vào quá trình xử lý các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia.

Âm mưu can thiệp của các thế lực thù địch không chỉ là gây cản trở, hướng lái quá trình xử lý các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia mà là can thiệp vào các công việc nội bộ của Việt Nam. Thông qua hoạt động can thiệp để hậu thuẫn, kích động các đối tượng chống đối, tạo dựng nhân tố chính trị đối lập trong nội bộ, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp những người bất đồng chính kiến, tập hợp lực lượng, tác động, chuyển hóa, lật đổ chính quyền Việt Nam. Thông qua hoạt động can thiệp để đạt được lợi ích trong quan hệ đối ngoại; đồng thời qua đó từng bước tác động vào thể chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Đây là mưu đồ chính trị nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với Việt Nam.

Hoạt động can thiệp của các thế lực thù địch vào điều tra, xử lý các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia được tiến hành trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và thường tập trung can thiệp vào các hoạt động mang tính chất phức tạp, nhạy cảm.

Nội dung can thiệp của các thế lực thù địch thường là:

- Yêu cầu cung cấp thông tin, đòi tiếp cận tài liệu, hồ sơ vụ án, đòi thăm gặp lãnh sự, tiếp xúc nhân đạo đối với các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia. Đây không phải là yêu cầu trong bảo hộ công dân thuần túy mà là yêu cầu can thiệp trắng trợn, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra trên cơ sở quy định của pháp luật có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn như giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người, tạm giữ, tạm giam. Đây là biện pháp ngăn chặn có tính cưỡng chế nghiêm khắc, tác động đến quyền tự do của người bị áp dụng nên các thế lực thù địch yêu cầu được thăm gặp lãnh sự hoặc tiếp xúc nhân đạo không đơn thuần để bảo hộ cho công dân của mình mà mục đích chính là nhằm gặp gỡ nắm bắt thông tin, cổ vũ, động viên đối với các đối tượng này. Trên cơ sở nội dung can thiệp này, các thế lực thù địch sẽ tiến hành thu thập thông tin, nghiên cứu tài liệu để có các nội dung can thiệp tiếp theo.

- Đòi trả tự do cho các đối tượng bị bắt giữ, xử lý; cải thiện chế độ giam giữ; đòi luật sư nước ngoài vào bào chữa; yêu cầu cho đối tượng, thân nhân của đối tượng được xuất cảnh ra nước ngoài. Các thế lực thù địch thường lợi dụng các quy định của pháp luật quốc tế và trong nước, viện dẫn một cách máy móc, cắt xén để can thiệp đòi trả tự do vô điều kiện, đòi cải thiện chế độ giam giữ, đòi luật sư nước ngoài vào bào chữa cho các đối tượng mà Cơ quan điều tra đang điều tra, xử lý. Điển hình như khi chúng ta điều tra, xử lý các đối tượng Cấn Thị Thêu, Nguyễn Tường Thụy, Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Thúy Hạnh, ngay lập tức một số tổ chức quốc tế hoạt động trên lĩnh vực nhân quyền như HRW, AI, RSF đã lên tiếng đòi trả tự do cho các “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” này, thậm chí trao các giải thưởng về nhân quyền cho các đối tượng. Các thế lực thù địch cũng thường lấy các lý do nhân đạo để yêu cầu cho đối tượng và thân nhân được xuất cảnh, định cư ở nước ngoài như đi chữa bệnh, thăm thân, mà điển hình như các đối tượng Nguyễn Văn Đài, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Lê Thu Hà...

- Vu cáo cơ quan tiến hành tố tụng bắt giữ, xử lý trái quy định của pháp luật, làm oan sai, vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền. Nhiều trường hợp, các thế lực thù địch không đưa ra yêu cầu, nội dung can thiệp trực tiếp, cụ thể đối với Cơ quan điều tra hoặc Nhà nước Việt Nam mà chủ động đăng tải, đưa ra các diễn đàn quốc tế những thông tin xuyên tạc, sai sự thật với nội dung vu cáo Cơ quan điều tra bắt, giữ, điều tra trái quy định của pháp luật, làm oan sai, vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền, đàn áp những người bất đồng chính kiến. Chúng vu cáo rằng: Chính quyền Việt Nam đưa ra những tội danh được miêu tả một cách mơ hồ và diễn giải tùy tiện nhằm biện minh cho việc trấn áp những người bất đồng chính kiến.

Phương thức can thiệp của các thế lực thù địch vào xử lý đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia rất đa dạng, phong phú. Có thể nhận diện qua các phương thức, thủ đoạn can thiệp phổ biến sau:

- Ban hành các luật, nghị quyết, báo cáo để can thiệp. Các thế lực thù địch nước ngoài ở cấp độ nhà nước hoặc tổ chức thường tổ chức các cuộc điều trần trước quốc hội, các buổi đối thoại nhân quyền, qua đó ban hành các luật, nghị quyết, báo cáo sai lệch về tình hình Việt Nam, trong đó có tình hình xử lý các đối tượng hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia để can thiệp vào quá trình xử lý. Trong các báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới hàng năm của Mỹ, EU hay một số tổ chức như: Quan sát nhân quyền (HRW), Ân xá quốc tế (IA), nội dung về Việt Nam luôn thiếu chính xác, xuyên tạc. Các số liệu, thông tin trong các báo cáo này đều do bọn phản động lưu vong người Việt, các đối tượng chống phá trong nước cung cấp.

- Gửi đơn, thư, công hàm để can thiệp. Các thế lực thù địch thông qua các hoạt động đối ngoại để gửi đơn, thư cho các đồng chí lãnh đạo, gửi công hàm cho các cơ quan nhà nước Việt Nam. Đơn thư, công hàm can thiệp thường được gửi thông qua đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam, Bộ Công an, Cơ quan điều tra, các cơ quan nhà nước khác của Việt Nam để đưa ra các yêu cầu cụ thể can thiệp vào quá trình xử lý các đối tượng. Đây là phương thức can thiệp trực tiếp, chính thức, dưới danh nghĩa nhà nước hoặc các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.

- Thông qua đàm phán, ký kết, đối thoại và việc thực hiện các điều ước quốc tế để đưa ra yêu cầu can thiệp. Các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng đàm phán viện trợ, ký kết hợp tác phát triển, đối thoại nhân quyền để đặt điều kiện, gây sức ép, can thiệp vào điều tra, xử lý các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia. Các thế lực thù địch cũng tăng cường liên kết với nhau, lợi dụng việc thực hiện các điều ước quốc tế để vận động sự ủng hộ, tài trợ, kêu gọi sự can thiệp của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế như: vận động Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách “các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo - CPC”, vận động các nước thành viên EU đưa vấn đề “nhân quyền”, “tự do” vào các cam kết, hiệp định đối tác với Việt Nam; vận động trả tự do cho các đối tượng đang bị bắt giữ, điều tra ở Việt Nam mà chúng gọi là “tù nhân chính trị”.

- Gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đưa ra yêu cầu can thiệp. Một số chính khách, đại diện tổ chức nước ngoài hoặc cá nhân thường tranh thủ các cuộc gặp gỡ trực tiếp với lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đưa ra các yêu cầu can thiệp dưới dạng các kiến nghị, đề xuất bày tỏ sự “quan ngại” với việc Việt Nam khởi tố, điều tra, xử lý các đối tượng hoạt động trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền.

- Thông qua thân nhân của các đối tượng đang bị điều tra và các đối tượng chống đối khác trong nước để can thiệp. Ngay khi hoạt động phạm tội của các đối tượng bị phát hiện, các thế lực thù địch bên ngoài đã tìm hiểu thông tin về nhân thân, hành vi phạm tội của đối tượng để tuyên truyền ủng hộ, công khai thể hiện quan điểm bảo vệ đối tượng dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, can thiệp, gây áp lực với Cơ quan an ninh điều tra trong điều tra, xử lý vụ án. Các thế lực thù địch thường gián tiếp hoặc trực tiếp cử người vào trong nước gặp gỡ, thăm hỏi, kích động người thân của các đối tượng bị bắt, giữ trả lời phỏng vấn, viết đơn thư khiếu nại, vu cáo Cơ quan điều tra, đòi thả người; kích động các đối tượng chống đối trong nước tụ tập đông người, gây áp lực trong quá trình xử lý các đối tượng. Các thế lực thù địch nước ngoài còn tổ chức vận động trao giải thưởng nhân quyền hằng năm cho các đối tượng chống đối trong nước bị Cơ quan an ninh điều tra bắt giữ, xử lý nhằm hợp pháp hóa việc tài trợ, khích lệ, động viên, kích động thân nhân các đối tượng.

- Dùng dư luận, truyền thông gây áp lực để can thiệp. Để tạo dư luận gây áp lực với cơ quan chức năng trong quá trình xử lý, các thế lực thù địch thường lợi dụng các kênh thông tin, truyền thông, mạng internet, các diễn đàn quốc tế, gửi đơn thư đi nhiều nơi để bảo vệ các đối tượng phạm tội, cho rằng đó chỉ là việc bày tỏ chính kiến hợp pháp, tuyên truyền, vu cáo cơ quan tố tụng vi phạm pháp luật. Đây là phương thức rất nguy hiểm bởi thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông, các thế lực thù địch có thể tác động một cách nhanh chóng, toàn diện đến rất đông quần chúng trong cùng một thời điểm, tạo thành dư luận, phong trào ủng hộ quan điểm của chúng, gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra, xử lý đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia.

­Việc can thiệp vào quá trình xử lý các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia là một hướng can thiệp công việc nội bộ hết sức nguy hiểm không những gây ra những hậu quả trước mắt mà còn có những tác động, ảnh hưởng lâu dài, cần được nhận diện đầy đủ để cơ quan chuyên trách và cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động trong công tác phòng ngừa và đấu tranh.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2021

(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biều toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.163, 161.

(3) ĐCSVN: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25-10-2013 tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

(4) Nguyễn Nhâm, Lê Thị Trang: Quan điểm của Đảng về “đối tác, đối tượng” và ý nghĩa thực tiễn hiện nay, http://lyluanchinhtri.vn/.

TS LÊ THÁI SƠN

Học viện An ninh nhân dân


Nhận xét