Từ Nam Bộ kháng chiến 76 năm trước đến cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hôm nay - Tiếp nối tinh thần “Thành đồng Tổ quốc”

 TCCS - “Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng ca sơn hà nguy biến”. Lời ca hào sảng, khí phách ấy 76 năm qua đã in dấu sâu đậm trong tâm trí bao thế hệ người dân Nam Bộ và cả nước mỗi dịp kỷ niệm Ngày Nam Bộ kháng chiến; càng thôi thúc tất cả chúng ta khi Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam Bộ đang gặp thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19.

76 năm trước (23-9-1945), cả Nam Bộ sục sôi tiến hành cuộc kháng chiến hào hùng chống thực dân Pháp xâm lược, tạo dựng một “Thành đồng Tổ quốc”.

“Thành đồng Tổ quốc”, trước hết chính là tinh thần chủ động, sẵn sàng tiến lên phía trước, xác định và lĩnh trọng trách ngăn địch - bảo vệ Tổ quốc nơi tuyến đầu miền Nam của Xứ uỷ, quân và dân Nam Bộ. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ phải “chiến đấu trong vòng vây”, vật lộn chống chọi với thù trong, giặc ngoài, tình cảnh chẳng khác nào “ngàn cân treo sợi tóc”. Quân đội Pháp núp bóng quân đội Anh tiến hành gây hấn đánh chiếm Sài Gòn - Chợ Lớn và toàn Nam Bộ, hòng thực hiện âm mưu quay trở lại thống trị Việt Nam. Đối diện với vận nước lâm nguy, cả Nam Bộ rền “nhịp chân tiến lên trận tiền”, chủ động tiến hành kháng chiến, bảo vệ giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do, kiên quyết kìm chân địch, không để chiến tranh loang nhanh ra cả nước.

“Thành đồng Tổ quốc” chính là thành đồng của lòng dân, sức mạnh quật khởi của tinh thần yêu nước, của ý chí cách mạng tiến công, của khát vọng độc lập, tự do mà Nam Bộ và Sài Gòn khi đó vừa được hưởng, dù không trọn vẹn, trong vòng đúng ba tuần lễ. “Thành đồng Tổ quốc” chính là biểu tượng của tinh thần không chịu khuất phục trước mọi khó khăn, thách thức của Xứ uỷ, chính quyền, quân và dân Nam Bộ.

Nam Bộ kháng chiến ghi dấu ấn lịch sử hào hùng. Toàn thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn tổng đình công, bất hợp tác với địch, phá hoại đường tiến quân của địch, phong toả đường tiếp tế lương thực, thực phẩm. Mọi đồ vật cồng kềnh được chuyển ra đường phố biến thành chướng ngại vật cản bước tiến của quân thù. Sinh hoạt trong thành phố bị ngưng trệ…

Lực lượng kháng chiến được tập hợp ngày càng đông, khí thế chiến đấu ngày càng hăng say, quyết liệt. Lời hiệu triệu của Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ đã được sự đồng lòng ủng hộ của mọi người dân, từ người già đến trẻ nhỏ; tất cả đều sẵn sàng bước vào cuộc chiến sinh tử với kẻ thù. 350 đội tự vệ được thành lập với 8.000 đội viên. Cho dù trong tay chỉ với ít ỏi vũ khí thô sơ, các chiến sĩ đã giáng cho thực dân Pháp và tay sai những đòn chí mạng. Ngay từ trận đánh đầu tiên tại Tân Định, quân và dân Nam Bộ đã tiêu diệt được 200 tên giặc. Trong một tháng, với chiến thuật “trong đánh ngoài vây”, lực lượng kháng chiến đã tiến lên giành các vị trí chiến đấu, chặn đứng hàng loạt mũi tiến công của địch, tiêu diệt hàng ngàn tên, phá huỷ nhiều kho tàng hậu cần, công sở, phương tiện chiến tranh của địch, vây địch khốn đốn ở nội thành Sài Gòn, làm thất bại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của chúng. Quân giặc bị giam chân trong thành phố hàng tháng trời, không thể thực hiện được âm mưu bình định Nam Bộ trong vòng 3 tuần như toan tính.

“Thành đồng Tổ quốc” được hun đúc bởi chân lý không gì thay đổi: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đanh thép trước nhân dân Nam Bộ, nhân dân cả nước và thế giới. Dù mong muốn hòa bình, nhưng cả nước Việt Nam luôn sẵn sàng chiến tranh nếu thực dân, đế quốc còn thực hiện ý đồ chia cắt Nam Bộ ra khỏi nước Việt Nam thống nhất.

“Thành đồng Tổ quốc” Nam Bộ được hun đúc bởi ý chí, khát vọng và sức mạnh của cả đất nước Việt Nam vừa giành lại nền độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ đánh giá cao, ủng hộ quyết định kháng chiến của Xứ uỷ Nam Kỳ. Tiếng súng kháng chiến ở Nam Bộ đã gây chấn động trong cả nước, cuộc kháng chiến nhanh chóng được tiếp sức bởi đồng bào từ Bắc chí Nam. Quỹ Nam Bộ kháng chiến ra đời. Từng đoàn quân Nam tiến tiếp nối nhau lên đường với khí thế hăng say chưa từng có, các chi đội Giải phóng quân hình thành, sát cánh cùng cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ.

Cuộc kháng chiến ở Nam Bộ đã tiêu hao, kìm chân đội quân xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp; hậu thuẫn cho công cuộc kiến quốc, củng cố chính quyền cách mạng và đấu tranh với quân đội Trung hoa Dân quốc ở miền Bắc; tăng thêm thực lực cho cuộc đấu tranh hoà hoãn có điều kiện với thực dân Pháp sau đó; tích luỹ nhiều kinh nghiệm quý cho Toàn quốc kháng chiến. Thay mặt Chính phủ, tháng 2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.

Ý nghĩa thiêng liêng của danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” đã được các thế hệ cán bộ, quân và dân các tỉnh Nam Bộ trân trọng giữ gìn, tiếp tục làm sáng ngời giá trị qua các thời kỳ cách mạng.

Từ niềm vinh dự, tự hào, “Thành đồng Tổ quốc” đã trở thành khí phách của “Nam Bộ Thành đồng”.

Nam Bộ vừa trải qua những ngày tháng hiểm nghèo, nhiều đau thương, mất mát ngoài sự tưởng tượng, không gì bù đắp được.

Đại dịch COVID-19 đã làm tổn thương Nam Bộ của chúng ta!

Làn sóng dịch COVID-19 ồ ạt lan rộng trên toàn thế giới, không bỏ qua bất cứ quốc gia nào. Những cường quốc trên thế giới cũng đều lao đao. Nhiều nền tảng, hệ thống rất vững chắc mà có những lúc đã dường như sụp đổ. Những con số đau thương không ngừng tăng lên. Toàn nhân loại trải qua một thách thức nghiêm trọng và hậu quả khủng khiếp.

Sau khi “rình rập”, “thăm dò” ở nhiều vùng trong cả nước, đại dịch đã thực sự bùng phát và tấn công Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ.

Trong lịch sử, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ nhất, lần thứ hai, tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nam Bộ luôn ở vị trí tuyến đầu. Những thời khắc khó khăn nhất, những tình thế hiểm nguy nhất, những trận đánh quyết định nhất để định đoạt cục diện, lịch sử thường giao trọng trách cho Nam Bộ. Và lần này cũng vậy.

76 năm trước, cuộc chiến bắt đầu bằng tổng đình công tại Sài Gòn. Nhà máy đóng cửa, chợ không họp, trường không học, xe không chạy. Nay, trong đại dịch, Thành phố Hồ Chí Minh đã giãn cách hơn 100 ngày. Đây chính là biện pháp hữu hiệu nhất để làm chậm bước tiến của dịch bệnh. Thực hiện bất hợp tác với giặc từ 76 năm về trước, nay là thực hiện giãn cách, một hình thức “bất hợp tác” với vi rút độc đang lan tràn.

76 năm trước, quân và dân Sài Gòn kiên quyết thực hiện phương châm “trong đánh, ngoài vây”. Trong đại dịch, Thành phố đang phong toả nhiều tuyến đường, ngăn chặn COVID-19 tràn sang các địa bàn khác; truy lùng COVID-19 ở từng gia đình, hẻm, phố; giữ vững và mở rộng những “vùng xanh”.

76 năm trước, tất cả các lực lượng và toàn dân tiến hành kháng chiến với mọi vũ khí có trong tay. Nay, trong đại dịch, cùng với các lực lượng chuyên trách là cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn thể nhân dân đồng lòng, chung sức chống chọi với dịch bệnh, bảo vệ tính mạng người dân; các phương tiện hiện đại và các phương tiện tiện lợi nhất cho phòng, chống dịch đều được huy động; sử dụng mọi phương thức để đến được với bệnh nhân và người dân đang giãn cách. Gia đình cũng trở thành vị trí tác chiến vô cùng quyết liệt để giành giật sự sống với dịch bệnh. Mỗi khu phố là một “pháo đài” chống dịch. Mỗi “vùng xanh” thực sự là một vùng giải phóng.

Trong đại địch, đã sống động một “Thành đồng Tổ quốc”!

Vẫn còn đó, nguyên giá trị lời kêu gọi của Bác Hồ: “Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình”(1)“Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân”(2). Đất nước luôn đặt trọn niềm tin vào thắng lợi ở tuyến đầu chống dịch miền Nam. Hình ảnh những đoàn quân Nam tiến năm xưa như đang sống lại, từ Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước; từ những địa phương cũng vừa trải qua dịch bệnh; từ những tỉnh miền núi phía Bắc xa xôi còn nhiều vất vả; từ “khúc ruột miền Trung” vẫn oằn mình bởi hậu quả thiên tai… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời hiệu triệu, truyền đến nhân dân cả nước tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Với Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư căn dặn: Đã cố gắng phải cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết thì đoàn kết hơn và đã quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa để kiểm soát dịch bệnh. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đến tuyến đầu chỉ đạo. Người đứng đầu cùng đội ngũ tinh nhuệ nhất ở nhiều bộ, ngành Trung ương đã vào Nam chống dịch. Người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đã chia sẻ, ủng hộ. Họ mang đến Nam Bộ không chỉ là lực lượng và “vũ khí” chống dịch mà còn là tình cảm đồng bào sâu nặng, là niềm tin và ý chí quyết thắng dịch bệnh tại tuyến đầu. Nhiều người đến với Nam Bộ là đến với chiến trường nơi mà cha anh họ đã từng chiến đấu, hy sinh, thậm chí vẫn còn đang nằm lại với đất mẹ Nam Bộ. Sẵn sàng chi viện, chiến đấu, hy sinh và kiên quyết giành chiến thắng tại miền Nam ruột thịt luôn là mệnh lệnh từ trái tim của nhân dân cả nước. Nam Bộ đón nhận, kết nối sự sẻ chia ấy để nhân lên nguồn sức mạnh, vững vàng hơn trong đại dịch.

Vẫn còn nguyên giá trị bản Huấn lệnh của Chính phủ ngày 24-9-1945: “Trong giờ phút nghiêm trọng này, Chính phủ kêu gọi đồng bào yêu quý Nam Bộ phải đoàn kết chặt chẽ muôn người như một, dũng cảm và thận trọng cho thật kiên quyết và trầm tĩnh, nghe theo lời Chính phủ để đưa cuộc giải phóng của chúng ta đến thắng lợi cuối cùng” (3).

Như một định mệnh, mỗi khi đất nước chuyển mình vào một thời kỳ phát triển mới thì đều phải đương đầu với thách thức to lớn. Đảng mới ra đời, ngay trận chiến đầu tiên với thực dân, đế quốc trong Cao trào cách mạng 1930 - 1931, cách mạng đã chịu nhiều tổn thất. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải chống chọi với thù trong, giặc ngoài, ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”… Đất nước hoà bình, thống nhất, vừa ra khỏi chiến tranh “mang trong mình còn lắm vết thương” lại tiếp tục ra chiến trường để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biên giới. Những năm đầu đất nước bước vào thời kỳ đổi mới đồng bộ, toàn diện, thì khủng hoảng kinh tế - xã hội gia tăng ở mức độ cao nhất, chủ nghĩa xã hội hiện thực sụp đổ ở Liên Xô, Đông Âu…

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước để đến năm 2030 nước ta trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đại dịch COVID -19 phải chăng chính là thử thách to lớn đầu tiên của chúng ta trên hành trình hiện thực hoá khát vọng phát triển.

Song, đã là quy luật. Mỗi khi Tổ quốc lâm nguy là khi chủ nghĩa yêu nước được phát huy cao độ, tinh thần đoàn kết được củng cố keo sơn, ý chí và khát vọng, tinh thần và sức mạnh Việt Nam càng quật khởi để vượt lên mọi khó khăn, thách thức, bước vững chắc đến đài vinh quang.

Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai!

Thêm một lần vượt qua thách thức là thêm một lần trưởng thành, vững chãi. Những người dân Nam Bộ qua cơn hoạn nạn được trở về cuộc sống “bình thường mới” sẽ thêm yêu, thêm niềm tin vào cuộc sống.

76 năm trước, trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai, Nam Bộ là “Thành đồng Tổ quốc” - hình ảnh chói ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hình ảnh bất tử của cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

76 năm sau, trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, Nam Bộ tiếp tục là “Thành đồng Tổ quốc”, nơi kết thúc thắng lợi trận chiến quyết định với đại dịch, nơi sẽ mở đầu và đi đầu khôi phục và phát triển, với khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao lập nên những thành tựu mới vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Nam Bộ mãi mãi là Thành Đồng của Niềm tin và Ý chí Việt Nam!

PGS, TS. NGUYỄN NGỌC HÀ

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

-------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 154
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 29
(3) Phan Xuân Biên: “Nam Bộ kháng chiến – Một quyết định mang tính lịch sử”, ngày 23-9-2016, Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, https://www.hcmcpv.org.vn/

Nhận xét