NỘI DUNG CHỐNG PHÁ TRONG LĨNH VỰC TƯ TƯỞNG - VĂN HÓA CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 Phạm Trung

Để thực hiện mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, đưa Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, các thế lực thù địch tiến hành chống phá trên nhiều lĩnh vực. Các thế lực thù địch xác định tấn công trên mặt trận tư tưởng - văn hóa là “mũi đột phá”, trọng tâm, then chốt, nhằm làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về tư tưởng, lý luận, từng bước đưa hệ tư tưởng tư sản vào, xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Sự chống phá trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của các thế lực thù địch tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, các thế lực thù địch tìm mọi cách để phá hoại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Những người bất mãn trong nội bộ Đảng luôn là mục tiêu hướng tới của các thế lực thù địch. Chúng tìm mọi cách để lôi kéo, dụ dỗ, kích động, sử dụng những phần tử bất mãn làm nòng cốt để chuyển hóa từ bên trong. Cố tình tạo ra nhiều luồng tư tưởng trái ngược nhau để tạo tâm lý hoài nghi dẫn tới phủ định chủ nghĩa xã hội. Ra sức tung ra những bài viết, bài nói xuyên tạc, vu khống, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Lợi dụng những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ đảng viên để làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hai là, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để gây sức ép, chống phá Việt Nam.

Lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để yêu cầu “tự do hóa chính trị”, “tôn trọng quyền con người”, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, kích động dư luận thế giới cô lập Việt Nam, gieo rắc sự nghi ngờ của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp. Các thế lực thù địch còn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để kích động biểu tình, bạo loạn lật đổ, tạo cớ để can thiệp vào công việc nội bộ, thậm chí có thể tiến hành chiến tranh, tiến tới lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Ba là, các thế lực thù địch đẩy mạnh phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa cách mạng, các chuẩn mực đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa.

Truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, văn hóa cách mạng, các chuẩn mực đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do vậy, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để chống phá truyền thống văn hóa, đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa. Chúng lợi dụng những sơ hở trong việc giao lưu, hội nhập, quản lý văn hóa để truyền bá văn hóa phương Tây, lối sống thực dụng, xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc, tuyệt đối hóa lối sống hưởng thụ, “sống hôm nay, không biết ngày mai”.

Bốn là, tập trung chống phá khoa học, giáo dục - đào tạo, văn hóa - nghệ thuật.

Các thế lực thù địch thường đưa những phần tử bất mãn, hám danh, lợi đi đào tạo, huấn luyện, sau đó cài cắm vào các cơ quan của Đảng, Nhà nước. Chúng sử dụng nhiều hình thức giáo dục - đào tạo để thu hút nhiều đối tượng cán bộ đương chức, con em cán bộ cấp cao, tuyển chọn con em của chế độ ngụy quân, ngụy quyền, v.v.. Thông qua huấn luyện để chuyển hóa, trang bị kỹ năng chống phá, sau đó hỗ trợ về kinh tế cho các đối tượng này chui sâu, leo cao, giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị, trở thành lực lượng nòng cốt hòng thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.

Các thế lực thù địch còn lợi dụng đội ngũ văn nghệ sĩ và các hoạt động văn hóa - nghệ thuật để chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thủ đoạn mà chúng thường lợi dụng là đối lập văn hóa, nghệ thuật với chính trị. Thông qua văn hóa, nghệ thuật để phủ định lịch sử, thành quả cách mạng, bôi nhọ lãnh tụ, xóa nhòa ranh giới giữa chính nghĩa và phi nghĩa, tiến bộ và phản tiến bộ, giá trị và phản giá trị, v.v..

Để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần hiện thực hóa quan điểm của Đại hội XIII của Đảng: “đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị.”[1], cần nhận thức rõ nội dung chống phá trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của các thế lực thù địch đối với Việt NamNhận diện và xác định biện pháp phòng, chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân, xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa, phát triển khoa học, giáo dục - đào tạo, văn hóa, nghệ thuật, v.v. đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.



[1]Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, tr.117.

Nhận xét