NỘI DUNG CHỐNG PHÁ TRÊN LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Phạm Trung

Đại hội XIII của Đảng đưa ra dự báo: “Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta.”[1]. Theo đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta không được lơ là, mất cảnh giác trước sự chống phá của các thế lực thù địch. Để thực hiện mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, đưa Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, các thế lực thù địch tiến hành chống phá trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, chống phá trên lĩnh vực chính trị là một trong những trọng tâm, then chốt. Trên lĩnh vực chính trị, các thế lực thù địch tập trung chống phá những nội dung chủ yếu sau:

Một là, chống phá sự lãnh đạo của Đảng.

Chống phá sự lãnh đạo của Đảng là nội dung hàng đầu của các thế lực thù địch. Chúng thường núp bóng dưới chiêu bài đấu tranh chống độc tài, quan liêu, tham nhũng để phủ nhận vai trò lãnh đạo, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xuyên tạc nội dung cương lĩnh, chiến lược, đường lối, quan điểm của Đảng. Ra sức tuyên truyền và cổ súy cho tư tưởng đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”.

Hai là, chống phá mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Để vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng, Nhà nước luôn phải gắn bó mật thiết với nhân dân, nhân dân phải tin tưởng, tự giác đi theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Hiểu được điều này, các thế lực thù địch tìm mọi cách phá hoại mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Phủ nhận, xuyên tạc lịch sử, thành quả cách mạng, làm lẫn lộn giữa công và tội, giữa người cách mạng và những kẻ bán nước, hại dân là một trong những thủ đoạn dễ làm cho nhân dân mất niềm tin, quay lại chống đối Đảng, Nhà nước. Kích động mâu thuẫn trong nội bộ Đảng, các cơ quan nhà nước, mâu thuẫn giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Ba là, xây dựng lực lượng đối lập trong và ngoài nước.

Đây là thủ đoạn mà chủ nghĩa đế quốc thường sử dụng đối với nhiều quốc gia dân tộc, trong đó có Việt Nam. Việc phát hiện, tìm kiếm những phần tử cơ hội, bất mãn trong và ngoài nước để đào tạo, nuôi dưỡng, sử dụng để tăng cường chống phá Việt Nam về chính trị luôn được quan tâm và tiến hành thường xuyên.

Để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị. Quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng, củng cố và phát triển mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, kiểm soát, ngăn ngừa việc hình thành và hoạt động chống phá của các lực lượng đối lập trong và ngoài nước là biện pháp cần thiết, phải tiến hành thường xuyên, hiện thực hóa quan điểm của Đại hội XIII của Đảng: “đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị.”[2].

 

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, tr.108.

[2]Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, tr.117.

Nhận xét