Nhận diện và đấu tranh phản bác một số quan điểm phủ nhận chủ trương Đại hội XIII về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN

Kỳ Anh

Những năm qua, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát huy vai trò to lớn trong phát triển kinh tế, thúc đẩy tiến bộ xã hội ở nước ta. Song những thế lực thù địch vẫn không ngừng ngụy biện, xuyên tạc, chống phá phủ nhận thể chế kinhh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói riêng. Chúng ta cần nhận diện và đấu tranh kiên quyết với một số luận điệu sau:

Thứ nhất, nhận thức sai lệch cho rằng việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sách lược trong một giai đoạn nhất định.

Thực tế có những nhận thức sai lệch cho rằng thể chế kinh tế thị trường về cơ bản và lâu dài không dung hợp với chủ nghĩa xã hội, cho nên việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã chủ nghĩa chỉ là sách lược ngắn hạn, chứ không phải là chiến lược ổn định, lâu dài.

Đó chính là cơ sở để một số thế lực thù địch lơi dụng nhằm chống phá ta. Chúng ngụy biện rằng nước ta thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước để rồi sau này sẽ tiến hành “quốc hữu hóa”, tịch thu, “rải thóc bẫy chim sẻ”, “vỗ béo để làm thịt”, làm cho một số người dân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài lo lắng, không dám mạnh dạn đầu tư tài sản, công sức của mình vào tham gia phát triển nền kinh tế đất nước.

Đảng và Nhà nước ta chủ trương nhất quán thực hiện lâu dài thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sẽ không “quốc hữu hóa” kinh tế tư bản, tư nhân như các thế lực thù địch xuyên tạc, bịa đặt.

Thứ hai, nhìn nhận, suy diễn theo kiểu cơ học về vai trò của thị trường và Nhà nước trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trong những năm qua, đã xuất hiện không ít những nhìn nhận, đánh giá phiến diện, một chiều về mối quan hệ giữa vai trò của thị trường và vai trò của Nhà nước trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là theo nguyên tắc “bập bênh”, nghĩa là bên này tăng lên thì bên kia giảm xuống và ngược lại. Không thấy được việc sử dụng đồng bộ vai trò của Nhà nước và vai trò của thị trường theo nguyên tắc bổ sung cho nhau, kết hợp mặt mạnh của Nhà nước và mặt mạnh của thị trường, đồng thời hạn chế mặt yếu của Nhà nước và mặt yếu của thị trường trong những điều kiện cụ thể.

Trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ các nguồn lực của xã hội, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế.

Thứ ba, ngộ nhận rằng tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ chủ yếu nằm ở chính sách xã hội và chính sách phân phối

Thực tế, một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng vẫn còn ngộ nhận rằng tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chủ yếu nằm ở chính sách xã hội và chính sách phân phối; Nhà nước chỉ cần tập trung vào hoàn thiện các chính sách xã hội và chính sách phân phối.

          Chúng ta cần chỉ rõ rằng, tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải chỉ thể hiện ở phương diện chính sách xã hội, lại càng không phải chỉ là sự bao cấp xã hội, mà tính định hướng xã hội chủ nghĩa phải được thể hiện đồng bộ ở ba phương diện: xây dựng cơ chế phát triển để giải phóng triệt để sức sản xuất của tất cả các thành phần kinh tế; hướng tới mục tiêu từng bước nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, dân giàu, nước mạnh; thực hiện tốt các mục tiêu về phát triển con người, các chính sách xã hội, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quan điểm nhất quán của Đảng ta; đồng thời là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị./.

Nhận xét