CHỦ NGHĨA XÉT LẠI TRONG LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ

HP

Chủ nghĩa xét lại chống phá và đòi xét lại trên tất cả các nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác. Trong lĩnh vực chính trị, Chủ nghĩa xét lại tập trung bác bỏ lý luận của C. Mác về đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Họ cho rằng, tự do chính trị, dân chủ, quyền công dân trong chủ nghĩa tư bản sẽ phá hủy cơ sở đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân; coi mục tiêu cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân là thiết lập dân chủ tư sản, cải cách chủ nghĩa tư bản, điều hòa xung đột giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân.

Theo chủ nghĩa xét lại, C. Mác và Ph. Ăng-ghen chỉ lấy thời kỳ rối loạn trong cách mạng Pháp làm ví dụ điển hình về chuyên chính vô sản là thiếu tính phổ biến, và sự phát triển của nền “dân chủ” (ở đây là dân chủ trong xã hội tư bản) đã cho phép những đại biểu của Đảng Dân chủ - Xã hội Đức tham gia nghị viện, tham gia chế độ đại biểu nhân dân (những chủ trương này đều mâu thuẫn với lý luận về chuyên chính của chủ nghĩa Mác). Trong điều kiện như vậy, không cần bám giữ chuyên chính vô sản, chuyên chính vô sản đã trở nên lỗi thời, nên vứt bỏ nó đi. Sự nhạo báng và phủ định như vậy về lý luận cũng như thực tiễn chuyên chính vô sản cho thấy, chủ nghĩa xét lại đã ngang nhiên chống lại chủ nghĩa Mác. Do vậy, sau này V.I. Lê-nin khẳng định: “Chỉ người nào mở rộng việc thừa nhận đấu tranh giai cấp đến mức thừa nhận chuyên chính vô sản thì mới là người mác-xít”.

Quan niệm của chủ nghĩa xét lại về chính trị theo V.I. Lê-nin, là hết sức hoang đường. Vì, cùng với sự tự do theo “chế độ dân chủ” của chủ nghĩa tư bản, sự chênh lệch về kinh tế không hề thu hẹp mà ngày càng tăng thêm. Chế độ đại nghị không hề xóa bỏ bản chất của nhà nước. Chế độ cộng hòa tư sản dân chủ nhất vẫn là bộ máy áp bức giai cấp và ngày càng bộc lộ rõ bản chất ấy. Chế độ đại nghị có lợi cho việc giáo dục và tổ chức đông đảo quần chúng nhân dân, nhưng không thể xóa bỏ được khủng hoảng và cách mạng chính trị, chỉ làm cho nội chiến lên tới mức kịch liệt nhất. Những biến cố ở Pa-ri vào mùa xuân năm 1871 và ở Nga vào mùa đông năm 1905 đã minh chứng cho điều đó và là “kinh nghiệm lớn nhất về mặt áp dụng sách lược chính trị xét lại trong một phạm vi rộng lớn”.

V.I. Lê-nin vạch trần những mưu toan xét lại trên lĩnh vực chính trị, đồng thời nêu rõ cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại là vô cùng nan giải và phức tạp, cần có sự kiên trì và bền bỉ của những người cộng sản: “Cuộc đấu tranh tư tưởng của chủ nghĩa Mác cách mạng chống chủ nghĩa xét lại hồi cuối thế kỷ XIX chỉ là bước đầu của những cuộc chiến đấu cách mạng lớn lao của giai cấp vô sản đang tiến tới thắng lợi hoàn toàn”. Khẳng định trên của V.I. Lê-nin cũng cho thấy, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, chắc chắn có rất nhiều thế lực phản động, thù địch luôn tìm cách chống phá, xuyên tạc chủ nghĩa Mác với nhiều hình thức khác nhau, có lúc công khai, có lúc ngấm ngầm, có lúc bôi nhọ, xuyên tạc, có lúc mỉa mai, thách thức... Nhiệm vụ của những người cộng sản là phải thường xuyên đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên cơ sở khoa học, đồng thời, tiếp tục bổ sung, phát triển và vận dụng chủ nghĩa Mác một cách khoa học, sáng tạo./.


Nhận xét