TIÊU CHUẨN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

 

Phạm Trung

Những dấu ấn lịch sử 75 năm qua đã chứng minh rằng: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Hiện nay, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021) sắp kết thúc. Để chuẩn bị cho Quốc hội khóa XV sắp tới, Hội đồng Bầu cử quốc gia để tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV đã được thành lập tại Kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV. Tại Kỳ họp thứ mười vừa qua, Quốc hội đã ấn định tổ chức ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội vào ngày 23-5-2021. Từ đó đến nay, các cơ quan chức năng của Nhà nước đang khẩn trương chuẩn bị cho công tác lựa chọn, giới thiệu nhân sự ứng cử Đại biểu Quốc hội.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được Kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 đã quy định cụ thể tiêu chuẩn của Đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội phải bảo đảm đủ các điều kiện, tiêu chuẩn sau:

(1) Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”;

(2) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;

(3) Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật;

(4) Có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

(5) Có trình độ học vấn, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội;

(6) Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;

(7) Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội. 

Đây là những điều kiện, tiêu chuẩn rất cụ thể, là căn cứ pháp lý để mọi tầng lớp nhân dân và các cơ quan chức năng của Quốc hội làm tốt công tác đề cử, ứng cử, tổ chức bầu cử chặt chẽ, chu đáo, lựa chọn được những đại biểu Quốc hội khóa XV có tâm, có tầm, có đủ phẩm chất, năng lực để quyền lực của nhân dân được tổ chức thực hiện trên thực tế, hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Nhận xét