“TAM QUYỀN PHÂN LẬP” CÓ TỒN TẠI TUYỆT ĐỐI VÀ THỰC SỰ KHẢ THI?

Cương Trực

Có thể nói, học thuyết “tam quyền phân lập” của Ch. Montesquieu mang ý nghĩa khai sáng về tư tưởng lý luận. Tuy nhiên, trong thực tế, tính khả thi của nó là không nhiều, ngay cả trong nhà nước tư sản, trong chủ nghĩa tư bản. Trong khi, có nhiều người đang cổ súy, ca tụng “Tam quyền phân lập” nhưng lại chưa hiểu rõ bản chất của nó.

Khi còn là một giai cấp đang lên, giai cấp tư sản tiến hành cách mạng tư sản, tấn công vào quyền lực của giai cấp phong kiến chuyên chế độc tài, “phá hủy không thương tiếc trật tự cổ truyền” để mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, thì rất cần tới lý luận về xây dựng thể chế pháp quyền. Lý luận đó đáp ứng được yêu cầu giải phóng, thực hiện lý tưởng tự do mà giai cấp tư sản cần để giải phóng sức sản xuất tư bản chủ nghĩa, khẳng định địa vị thống trị trong xã hội. Đó còn là hậu thuẫn về tư tưởng lý luận cho giai cấp tư sản tập hợp lực lượng trong xã hội chống phong kiến chuyên chế và chế độ quân chủ, xác lập nền cộng hòa tư sản.

Song, khi đã nắm được quyền lực, giai cấp tư sản tất yếu phải nắm lấy toàn bộ quyền lực nhà nước. Phân quyền và phân lập các quyền trên thực tế chỉ dừng lại như một tuyên bố pháp lý, bị hình thức hóa bởi chính tham vọng quyền lực của giai cấp tư sản đang nắm quyền thống trị. Phân chia quyền lực, kiểm soát quyền lực, dùng quyền lực để đối trọng và kiềm chế quyền lực không dễ gì thực hiện được; hơn nữa, do những mâu thuẫn về lợi ích và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế mà giai cấp tư sản càng phải tập trung sức mạnh để củng cố quyền lực. Đấu tranh quyền lực với những xung đột giữa các nhóm lợi ích trong giai cấp tư sản là minh chứng thực tế về bản chất giai cấp tư sản trong nhà nước pháp quyền tư sản.

Mô hình nhà nước Mỹ có Quốc hội gồm hai viện là Thượng viện và Hạ viện nắm quyền lập pháp, có Tòa án tối cao, hệ thống tòa án Liên bang và toà án các bang nắm giữ quyền tư pháp nhưng Tổng thống lại có quyền lực rất lớn, đặc biệt là quyền phủ quyết. Ở các quốc gia khác, tổng thống, thủ tướng và quốc hội có quyền bổ nhiệm các thẩm phán của tòa án tối cao nhưng họ lại là người thuộc “liên minh chính trị” hoặc thành viên của đảng mà họ thuộc về. Họ không thể làm trái các ràng buộc, quy định của tổ chức họ tham gia. Điều này làm cho tam quyền phân lập giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp, sự kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan này, giữa các nhánh quyền lực nhà nước ở các nước tư bản phát triển không thể tuyệt đối bởi các nhóm lợi ích đan cài trong liên minh chính trị. Thực chất “tam quyền phân lập” ở các nước tư bản cũng chỉ là “cái vỏ” bên ngoài và không ở đâu có thể “tam quyền phân lập” một cách tuyệt đối như lý thuyết phân quyền của J.Locke, Ch.Montesquieu.

Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền lực nhà nước là do nhân dân ủy quyền, thay mặt nhân dân quản lý đất nước; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo. Giữa các cơ quan lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ), tư pháp (Tòa án) có sự kiểm soát lẫn nhau, nhưng không phải là sự kiểm soát của những lực lượng đối lập nhau, mà quyền lực của các cơ quan này đều do nhân dân ủy quyền, phân công để thực hiện các chức năng khác nhau, đều do cùng một đảng cầm quyền lãnh đạo, nên còn có trách nhiệm phối hợp với nhau để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Cùng với sự kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực nhà nước, Nhà nước còn chịu sự giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội của nhân dân theo quy định của pháp luật…

Như vậy, thay vì một sự phân quyền thiếu rạch ròi, một sự “phân lập” không tuyệt đối, cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực Nhà nước ở Việt Nam hiện nay với tất cả sự ưu việt của nó đã khẳng định tính hợp lý, tính khoa học. Do đó, việc cần làm là chúng ta thực hiện cơ chế một cách khách quan, minh bạch và hiệu quả chứ không cần để ý đến những rêu rao của những người thiển cận hoặc vì mục đích đen tối mà tung hô, cổ súy cho “tam quyền phân lập”.

 


Nhận xét