MỤC TIÊU CUỘC TIẾN CÔNG QUÂN SỰ CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM NĂM 1979

Phạm Trung

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời (1-7-1921) và tiếp sau là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc về cơ bản đã có sự hợp tác, phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau một cách chặt chẽ và hiệu quả. Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Trung Quốc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Tuy nhiên, cuộc tiến công quân sự của Trung Quốc gây ra ở biên giới phía Bắc Việt Nam từ 17-2-1979 đến 18-3-1979 là một điểm đen trong mối quan hệ giữa hai nước. Để hiểu được tính chất của cuộc tiến công quân sự này cần phải nắm được các mục tiêu mà Trung Quốc muốn đạt được. 

Qua nghiên cứu của nhiều nhà khoa học cho thấy rằng cuộc tiến công quân sự quy mô lớn của Trung Quốc đã gây ra đối với Việt Nam cách đây 42 năm nhằm vào các mục tiêu sau:

Một là, cứu nguy và hỗ trợ cho tập đoàn cầm quyền Pôn Pốt-Iêng Xary-Khiêu Xămphon của Campuchia Dân chủ, bị quân và dân Việt Nam phối hợp với quân và dân Campuchia đánh đuổi. Khi đó, lực lượng này đang co cụm lực lượng ở khu vực biên giới Campuchia-Thái Lan. Trung Quốc muốn ủng hộ lực lượng này quay trở lại nắm quyền, nhằm giữ Campuchia trong quỹ đạo của họ. Trung Quốc vừa muốn chiếm một số khu vực đất đai của Việt Nam, buộc Việt Nam phải đàm phán và rút quân đội khỏi Campuchia.

Hai là, Trung Quốc muốn chứng minh với Mỹ và các nước phương Tây rằng, họ sẵn sàng bắt tay với những nước này, không phân biệt “ý thức hệ”. Trung Quốc muốn bắt tay với Mỹ và các nước tư bản phương Tây để tranh thủ tiền của và vật chất, kỹ thuật giúp Trung Quốc cải cách mở cửa, thực hiện mục tiêu 4 hiện đại hóa đã được đề ra.

Ba là, phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng của Việt Nam, làm cho Việt Nam suy yếu, tiêu diệt một bộ phận lực lượng vũ trang, kích động bạo loạn, hạ uy thế quân sự, chính trị của Việt Nam, buộc Việt Nam phải đi theo Trung Quốc.

Bốn là, răn đe các nước khác ở khu vực Đông Nam Á và các nước khác có chung đường biên giới với Trung Quốc, lôi kéo các nước này chống lại Việt Nam.

Năm là, thăm dò phản ứng và sự trợ giúp của Liên Xô cho Việt Nam sau khi Liên Xô ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác với Việt Nam (1978); thăm dò phản ứng của dư luận thế giới để chuẩn bị cho các hành động tiếp theo.

Sáu là, giải quyết mâu thuẫn nội bộ, thống nhất quan điểm đối với vấn đề Việt Nam, gây sức ép tối đa nhằm buộc Việt Nam phải đi theo Trung Quốc.

Bảy là, kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc để thực hiện hiện đại hóa quân đội. Bởi vì, quân đội Trung Quốc đã trải qua gần 30 năm không có chiến tranh, vũ khí trang bị, kỹ thuật, chiến thuật lạc hậu, hạn chế.

Hiểu rõ mục tiêu cuộc tiến công quân sự quy mô lớn của Trung Quốc đã gây ra đối với Việt Nam cách đây 42 năm là căn cứ để khẳng định tính chính nghĩa của Việt Nam khi phải tiến hành phản công quân sự bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, đồng thời có những đối sách phù hợp trong bảo vệ Tổ quốc và quan hệ quốc tế hiện nay, chống lại sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch

Nhận xét