Cương Trực
Dân chủ là một phạm trù lịch sử. Theo C. Mác và Ph.Ăngghen, dân chủ là phương tiện tất yếu để con người đạt tới tự do, giải phóng toàn diện những năng lực vốn có của mỗi cá nhân, tức quyền con người được bảo đảm và thực hiện đầy đủ. Đặc trưng cơ bản của dân chủ là tất cả các công dân đều có quyền tham dự đời sống chính trị, quyền lực cao nhất của đất nước thuộc về đại diện của nhân dân; mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật.
Dưới
chế độ nô lệ và phong kiến, tư tưởng thần quyền và phân biệt đẳng cấp hà khắc
đã tước bỏ tự do, dân chủ của nhân dân. Giai cấp tư sản đã lật đổ chế độ chuyên
chế quân chủ, xác lập chế độ nghị viện, phổ thông đầu phiếu, hai đảng (hoặc chế
độ đa đảng), phân quyền, bình quyền..., đây là những nội dung chủ yếu của chế độ
dân chủ tư sản. Dân chủ tư sản được xây dựng trên cơ sở phủ định chế độ chuyên
quyền phong kiến, vì thế, trong sự phát triển chung của lịch sử, nó có những
đóng góp tích cực, thể hiện sự tiến bộ nhất định. Nhưng dân chủ tư sản xây dựng
trên cơ sở chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, chỉ những nhà tư bản lớn mới
là những người nắm giữ vai trò quyết định, cũng có nghĩa dân chủ không bao giờ
thuộc về quảng đại nhân dân. Do đó, dân chủ xã hội chủ nghĩa mới thực sự là nền
dân chủ ưu việt, phát triển cao hơn dân chủ tư sản.
Một trong những đặc trưng của nền
dân chủ ở Việt Nam là chế độ dân chủ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cầm
quyền. Tuy nhiên, vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam phải tuân thủ nguyên
tắc: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng
thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu
trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân
tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là
lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; 2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật
thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách
nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; 3. Các tổ chức của Đảng và
đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp
luật” (Điều 4, Hiến pháp 2013).
Cần nhận thức đúng, về mặt nguyên tắc, nền dân chủ của
Việt Nam là một nền dân chủ có kỷ cương, có tổ chức, có hệ thống. Trong xã hội
Việt Nam, bảo đảm quyền dân chủ, nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật và giữ vững
sự ổn định xã hội. Bảo đảm dân chủ vừa là quyền, vừa là mục tiêu hướng đến của
chế độ ta. Do vậy, không thể nói ở Việt Nam không có hoặc thiếu dân chủ.
Nhận xét
Đăng nhận xét