CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG QUAN ĐIỂM “KINH TẾ NHÀ NƯỚC GIỮ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO”

Gió biển

Việc khẳng định thành phần KTNN giữ vai trò chủ đạo không có nghĩa là phân biệt, đối xử hay hạn chế các thành phần kinh tế khác. Ngược lại, khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước (tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài…) có tác động tích cực đến sự phát triển của KTNN, để KTNN thực hiện tốt hơn vai trò chủ đạo của mình.

Điều đó thể hiện trên những khía cạnh chủ yếu sau: Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước càng phát triển thì đóng góp vào ngân sách càng lớn, tức là làm cho một bộ phận của KTNN phát triển. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước càng phát triển sẽ góp phần thúc đẩy thành phần KTNN có cải cách, phát triển hiệu quả hơn. Bởi lẽ, trong nền kinh tế quốc dân, các thành phần đều có mối quan hệ biện chứng với nhau, đan xen, liên kết vào nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Sự phát triển năng động, hiệu quả của thành phần kinh tế ngoài nhà nước là nhân tố vừa trực tiếp, vừa gián tiếp thúc đẩy khu vực nhà nước thay đổi theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn.

Trong mối quan hệ với các thành phần kinh tế khác, Đảng ta khẳng định: KTNN không lãnh đạo các thành phần kinh tế khác, mà “bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”. Đảng cũng chỉ rõ: KTNN “là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển”. Nói đến vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của một bộ phận kinh tế nào đó tức là nói đến tầm quan trọng của nó và tính chất quyết định của nó đối với một chế độ xã hội. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước được thể hiện:

Thứ nhất, là đầu tàu, hướng dẫn, dẫn dắt các hình thức sở hữu khác trong việc phát triển các lĩnh vực đặc biệt, như các lĩnh vực cần nhiều vốn đầu tư, có hàm lượng khoa học cao, một số lĩnh vực đặc biệt mới hình thành. Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngày càng xuất hiện nhu cầu hình thành một số lĩnh vực mới đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ cao mà tự nó rất khó phát triển. Trong điều kiện các quan hệ thị trường mới được phát triển, khu vực tư nhân còn nhỏ bé, chưa có khả năng đầu tư lớn, khu vực sở hữu nhà nước tất yếu phải đảm nhận vai trò đầu tàu, dẫn dắt trong những lĩnh vực mới này. Khi thực hiện vai trò này, không có nghĩa là sở hữu nhà nước giữ vai trò thống trị độc quyền vĩnh viễn mà vai trò đầu tàu, dẫn dắt thể hiện ở chỗ, khi các hình thức sở hữu khác đủ sức tham gia và có khả năng tham gia có hiệu quả, Nhà nước kịp thời rút vốn ra khỏi lĩnh vực đã đầu tư, để tiếp tục thực hiện vai trò của mình trong việc đầu tư vào những lĩnh vực mới khác.

Thứ hai, bảo đảm phát triển năng lực cạnh tranh của quốc gia. Do lịch sử phát triển, KTNN đã đảm nhận một loạt ngành cạnh tranh. Khi khu vực tư nhân chưa kịp phát triển, Nhà nước phải trực tiếp tham gia và đầu tư phát triển, hỗ trợ các DN đầu đàn trong giai đoạn đầu. Khi khu vực tư nhân lớn mạnh dần, KTNN dần dần rút hoặc chuyển đổi sở hữu và về lâu dài, KTNN có thể không cần giữ vai trò chủ đạo ở lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh.

Thứ ba, đối với an ninh quốc gia, KTNN thể hiện vai trò chủ đạo ở hai nội dung cơ bản sau: 1- Nắm giữ những ngành đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia (sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh,...). 2- Tham gia nắm giữ một số vị trí thiết yếu, quan trọng để giữ vững định hướng xã hội, làm đối trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế (bán buôn lương thực, xăng dầu; sản xuất điện; khai thác khoáng sản quan trọng; một số sản phẩm cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin quan trọng; bảo trì đường sắt, sân bay,...).

Thứ tư, về mặt xã hội, do bản chất về mặt sở hữu và mục đích hoạt động, KTNN có vai trò quan trọng trong gánh vác chức năng xã hội. Vai trò này thể hiện ở chỗ, KTNN phải đảm nhận những ngành ở những địa bàn khó khăn có ý nghĩa chính trị - xã hội mà tư nhân không muốn đầu tư, thực hiện sự bảo đảm cân bằng về đầu tư phát triển theo vùng, miền, đảm nhận các ngành sản xuất hàng hóa công cộng thiết yếu, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, các chương trình xóa đói, giảm nghèo,...

 


Nhận xét