KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ PHÁT HUY KHỐI LIÊN MINH CÔNG – NÔNG – TRÍ TRONG SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG


Kiên Định
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã vận dụng đúng đắn và sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về liên minh giai cấp. Hiện nay, vấn đề liên minh công nông đã được mở rộng thành liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và trở thành nòng cốt của khối đại đoàn kết dân tộc. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định phải “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”[1], để lực lượng này thực sự trở thành nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc.

Vậy mà, có những người lại luôn tì cách xuyên tạc quan điểm của Đảng về xây dựng khối liên minh công – nông. Họ lợi dụng những vướng mắc nhỏ trong giải quyết các mâu thuẫn xã hội của các cơ quan hành chính để bóp méo nó, xuyên tạc bản chất sự việc như quan điểm cho rằng: “liên minh công-nông đã bị phản bội, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam khi xưa đã bị đánh tráo mục đích. Khi Đảng ta lên cầm quyền đã phản bội lại khối liên minh Công-nông….”. Với luận điệu như vậy, các cá nhân có dã tâm xấu đã cố tình bóc tách khối đại đoàn kết toàn dân tộc khi họ đã bỏ đi vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức, mục tiêu của họ là đánh vào tư tưởng của hai giai cấp chiếm số đông trong kết cấu xã hội nước ta. Bởi lẽ, suy yếu sức mạnh sự liên minh công-nông thì tất yếu khối liên minh công-nông-trí cũng tự động bị phá vỡ. Có thể thấy rằng, những lời lẽ vô căn cứ đó chính là nhằm mục đích chia rẽ sự khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm suy yếu nòng cốt, động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với liên minh công nông là nòng cốt của cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng, đánh giá cao vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng cũng như trong quá trình đổi mới, xây dựng đất nước. Sức mạnh của khối liên minh giai cấp trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức không thể tách rời vai trò của đội ngũ trí thức.
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đến hiện tại, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã chứng minh quan điểm của Đảng ta về liên minh giai cấp công nhân với nông dân và trí thức là đúng đắn, khẳng định tư tưởng của Lênin về liên minh giai cấp, tầng lớp vẫn còn nguyên giá trị. Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của của Lênin về liên minh giai cấp, tầng lớp. Sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức được phát huy, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua gần 35 năm đổi mới.
Để tiếp tục đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta phải tiếp tục vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của V.I.Lênin về liên minh giai cấp, tầng lớp trong điều kiện mới, nhất là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của nền kinh tế số... Đồng thời, Đảng phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức./.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 158

Nhận xét