MỐC SON CHÓI LỌI CỦA LỊCH SỬ NHÂN LOẠI



Phạm Trung
      Cách đây tròn 75 năm, 0 giờ 43 phút ngày 09/5/1945 (theo giờ Mátxcơva), đại diện nước Đức quốc xã đã ký thỏa thuận đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và các nước đồng minh. Thời khắc ấy mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại, trở thành Ngày Chiến thắng chung của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với chủ nghĩa phátxít, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ II, đồng thời cũng là Ngày Chiến thắng vinh quang của nhân dân và quân đội Xô Viết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945).
     Ngày 09/5/2020, mặc dù cả thế giới và nước Nga đang phải gồng mình chống lại đại dịch Covid-19, không thể tổ chức được những cuộc diễu hành hoành tráng để kỷ niệm Ngày Chiến thắng, nhưng nhân loại luôn giành một sự quan tâm đặc biệt để biểu thị lòng tự hào về chiến thắng, tưởng nhớ, tri ân những người đã không quản hy sinh xương, máu và tính mạng để mang lại nền hòa bình cho thế giới. Đồng thời, không quên nhắc nhở nhân loại về tội ác của chủ nghĩa phátxít, kêu gọi cảnh giác, loại trừ nguồn gốc làm nảy sinh và dung dưỡng sự phát triển của tư tưởng phátxít trên thế giới hiện nay.
       Chiến tranh Thế giới thứ II do liên minh phátxít Đức, Ý, Nhật Bản phát động nhằm xâm lược, chiếm đóng lãnh thổ các nước, phân chia lại thị trường tiêu thụ sản phẩm và đầu tư cũng như khai thác tài nguyên thiên nhiên của các nước bị xâm chiến. Ngày 01/9/1939, phátxít Đức tiến công xâm lược Ba Lan, chính thức mở đầu Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Năm 1940, quân Đức đánh chiếm hàng loạt nước châu Âu, gồm: Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Hungari, Rumani, Bungari. Tháng 6/1941, sau khi đánh chiếm 16 nước châu Âu, phátxít Đức tập trung lượng lớn nhất để tiến công Liên Xô bằng chiến dịch chiến tranh chớp nhoáng mang tên “Barbarossa”, mở đầu cuộc chiến tranh Xô-Đức (1941-1945). Quân và dân Liên Xô đã chống trả quyết liệt. Trong vòng 2 năm, từ 1941-1943, hàng chục sư đoàn và lữ đoàn phátxít Đức đã bị tiêu diệt. Hồng quân Liên Xô đã nhanh chóng chuyển sang chiến lược phản công, giải phóng Tổ quốc, rồi lần lượt giải phóng Nam Tư, Albania, Ba Lan, Romania, Hungary và Tiệp Khắc. Quân đội Anh, Mỹ đã mở mặt trận Tây Âu. Với sự giúp đỡ to lớn của lực lượng kháng chiến, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Ý lần lượt được giải phóng. Ngày 30/4/1945, lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô bay phấp phới trên tòa nhà quốc hội Đức. Đúng 0 giờ 43 phút ngày 9/5/1945 theo giờ Mátxcơva, phátxít Đức đã đầu hàng vô điều kiện Liên Xô. Liên Xô tiếp tục tuyên chiến với phátxít Nhật và đã đánh bại đội quân Quan Đông tinh nhuệ nhất của Nhật, buộc Nhật phải đầu hàng, kết thúc Cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II.
Chiến thắng vinh quang này mãi mãi là mốc son chói ngời trong lịch sử nhân loại, làm thay đổi cục diện thế giới, tạo tiền đề quan trọng để đưa thế giới bước sang thời kỳ phát triển mới; tạo ra dòng thác thác cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng đấu tranh vì dân sinh, dân chủ. Chiến thắng này là thời cơ, điều kiện thuận lợi, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để nhiều nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam đấu tranh đánh đuổi phátxít, đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc.
Chiến tranh Thế giới lần thứ II là cuộc chiến  bao trùm trên hầu hết các châu lục, đại dương, liên quan đến hơn 70 nước với 1,7 tỉ người, trong đó có tới 110 triệu quân tham chiến. Liên Xô là nước chịu thiệt hại lớn nhất về người và vật chất. Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 27 triệu người Liên Xô, trong đó gần 9 triệu chiến sỹ Hồng quân đã hy sinh. Hậu quả của chiến tranh luôn nhắc nhở nhân dân thế giới ngày nay cần phải trân trọng và giữ gìn nền hòa bình thế giới để không tái diễn thảm họa phátxít dưới bất kỳ hình thức nào.
Kỷ niệm Chiến thắng vinh quang này cũng là lời cảnh tỉnh đối với các dân tộc yêu chuộng hòa bình và nhân loại tiến bộ hiện nay hãy cảnh giác với tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc cùng với sản phẩm của nó là chủ nghĩa phátxít mới vẫn đang hiện hữu như: chiến tranh, chạy đua vũ trang, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, v.v.. Hãy giữ vững và giương cao ngọn cờ đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
 

x

Nhận xét