HÃY GIỮ VỮNG VÀ PHÁT HUY PHẨM CHẤT “BỘ ĐỘI CỤ HỒ”


Phạm Trung
     Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) là dịp để mọi người dân Việt Nam tưởng nhớ về công ơn trời, biển của Người. Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành một sự quan tâm đặc biệt. Người đã ân cần chỉ bảo, dạy dỗ cán bộ, chiến sĩ từ việc nhỏ đến việc lớn, giáo dục, rèn luyện để quân đội thực sự trở thành Quân đội nhân dân, là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Chính vì vậy, tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” đã được nhân dân trao tặng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam để thể hiện tình cảm yêu mến, kính trọng, tin tưởng. Tên gọi này gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta. Đã từ lâu, danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ còn là tên gọi nữa mà đã trở thành một giá trị truyền thống quý báu của quân đội, chuyển hóa thành phẩm chất của người quân nhân cách mạng.
Ảnh sưu tầm
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đặc trưng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã được biểu hiện ở những giá trị rất cụ thể: Tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như ruột thịt; tinh thần tự lực, tự cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, ham học hỏi, cầu tiến bộ, lạc quan; dân chủ, tự giác, nghiêm minh, nêu cao tinh thần quốc tế vô sản. Những giá trị truyền thống quý báu này là sức mạnh tinh thần to lớn để Quân đội nhân dân Việt Nam trở thành một đội quân “bách chiến, bách thắng”, “quyết chiến, quyết thắng”, “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang tiến hành sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc ngày càng cao. Để Quân đội nhân dân Việt Nam xứng đáng trở thành lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới cần thiết phải giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” với những đặc trưng tiêu biểu phù hợp. Cán bộ, chiến sĩ trong quân đội cần phải tự giác, tích cực phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện để có bản lĩnh chính trị vững vàng, động cơ trong sáng, trách nhiệm cao; phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh; có văn hóa tri thức khoa học, trình độ quân sự, năng lực, phương pháp, tác phong công tác và sức khỏe tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hành dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; xây dựng đoàn kết nội bộ tốt, tôn trọng, giúp đỡ, gắn bó máu thịt với nhân dân; có tinh thần quốc tế trong sáng.
Giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cần kết hợp chặt chẽ với đẩy mạnh đấu tranh chống quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch thời kỳ mới. Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang ra sức chống phá sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Chúng dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn rất thâm độc, xảo quyệt. Trong đó, âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội, xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đã được chúng sử dụng từ lâu và sẽ không bao giờ từ bỏ. Hiện nay, không khó để tìm trên internet và các trang mạng xã hội những bài viết, bài nói, hình ảnh, clip có nội dung xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của quân đội ta. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị nhằm giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình, âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch để chủ động có kế hoạch, phương án đấu tranh hiệu quả. Kết hợp giữa đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch từ bên ngoài với đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong.


Nhận xét