Vẫn là tư duy cũ, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam



Theo thông lệ hằng năm, ngày 13-3-2019, tại Washington, D.C, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố “Phúc trình về tình hình nhân quyền trên thế giới năm 2018”. Ngày 14-3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - Bà Lê Thị Thu Hằng nói: “Tuy đã ghi nhận những thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam, nhưng Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2018 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn chứa đựng những nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác, không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam”.
Đúng như người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Phúc trình về tình hình nhân quyền năm 2018 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều nhận định, đánh giá không chính xác tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Hơn nữa, báo cáo này đã lấy thông tin từ những phần tử vi phạm pháp luật làm chứng cứ. Chẳng hạn, Phúc trình viết: “Chính phủ Việt Nam tiếp tục duy trì chế độ “công an trị” để điều hành quốc gia… nhân quyền ở nước này bị vi phạm… như tra tấn người dân; bắt bớ dân chúng tùy tiện, bắt giữ và kết án một cách vô pháp những cá nhân lên tiếng đòi hỏi các quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận và tự do thông tin; tự do tôn giáo… cấm đoán người dân hoạt động cho phong trào tự do dân chủ hay tham gia các tổ chức chính trị…”. Thiết nghĩ, Báo cáo nhân quyền năm 2018 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói chung, về Việt Nam nói riêng vẫn mang dấu ấn của tư duy chính trị lạc hậu từ thời kỳ “Chiến tranh lạnh”: kỳ thị đối với chế độ xã hội, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; làm tổn thương đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ - hiện là đối tác toàn diện của nhau.
Phúc trình về tình hình nhân quyền thế giới ra đời dưới thời Tổng thống J. Carter (1977 - 1981). Thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây đã không thể chiến thắng các nước xã hội chủ nghĩa bằng sức mạnh vũ lực. Điều này khiến cho J. Carter phải thay đổi chiến lược của mình: muốn chiến thắng các nước xã hội chủ nghĩa, Hoa Kỳ cần dùng một chiến lược khác - chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Mục tiêu của chiến lược này là sử dụng vũ khí “mềm - phi vũ trang” để làm sụp đổ chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Với chiến lược đó, trong nhiệm kỳ của mình, J. Carter đã quyết định thành lập “Cục nhân quyền trực thuộc Bộ Ngoại giao”, có nhiệm vụ hằng năm ra 3 báo cáo, gồm: “Báo cáo về tình hình quyền con người các nước”; “Báo cáo tự do tôn giáo thế giới” và “Báo cáo về nạn buôn người”. Có thể nói, đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ xác định chiến lược mới, dùng vấn đề dân chủ và quyền con người để chống phá các quốc gia xã hội chủ nghĩa và những quốc gia không đi theo quỹ đạo của họ.
Còn nhớ, vào thời kỳ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu “cải tổ” (1985 - 1991), lợi dụng “tư duy chính trị mới” - “cải tổ để có nhiều dân chủ hơn, có nhiều chủ nghĩa xã hội hơn”, Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã dùng vũ khí dân chủ, quyền con người với quan điểm “dân chủ - công khai”, “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” để “thẩm thấu” các giá trị của Hoa Kỳ, phương Tây vào “chế độ cộng sản”; ủng hộ các lực lượng chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Liên Xô, v.v. Rút cuộc, Nhà nước Liên bang Xô viết tan rã, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Cho đến nay, không ít đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô, người dân Xô viết đã hối tiếc về sự sụp đổ một chế độ lẽ ra vẫn có thể đổi mới, phát triển; hối tiếc về một nhà nước siêu cường với những giá trị cao đẹp không còn nữa.
Trở lại Phúc trình quyền con người năm 2018 của Hoa Kỳ, ngay sau khi nó được công bố, nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ sự bất bình, cho rằng “Hoa Kỳ không có tư cách để phê phán tình hình nhân quyền của các nước, Hoa Kỳ hãy “sờ lên gáy” (về tình hình nhân quyền - an ninh) của mình, trước khi đánh giá về quyền con người nước khác”. Nhiều chính khách, nhà khoa học cho rằng, Hoa Kỳ đã dùng vấn đề quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.
Có thể nói, quyền con người không có gì xa lạ trên đất nước Việt Nam. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, quyền con người luôn là mục tiêu nhất quán, xuyên suốt. Các Cương lĩnh của Đảng, từ Chánh cương vắn tắt (năm 1930) cho đến Cương lĩnh được thông qua tại Đại hội XI (năm 2011) đều xem quyền con người là một mục tiêu phấn đấu của Đảng. Hiến pháp nước ta, từ Hiến pháp đầu tiên - năm 1946, đến Hiến pháp năm 2013, quyền con người và quyền công dân đều được tôn trọng và bảo đảm. Hiến pháp năm 2013 dành cả một chương quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Theo đó, tất cả quyền con người, từ quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đều được hiến định minh bạch và tương thích với Công ước quốc tế về quyền con người. Ngày 25-01-2019, Nhóm làm việc về Rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ III, cơ quan Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo về kết quả rà soát của Việt Nam về tình hình nhân quyền.
Ở nước ta, quyền con người đã được luật hóa trong Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật. Trên lĩnh vực thông tin truyền thông, Quốc hội nước ta đã sửa chữa, ban hành nhiều bộ luật, như: Luật Báo chí sửa đổi (2016); Luật Tiếp cận thông tin (2013); Luật An ninh mạng (2018); Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (2018), v.v. Những quy định của các văn kiện pháp luật này, một mặt, bảo đảm quyền cho người sử dụng thông tin, mạng xã hội và trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan; mặt khác, nhằm ngăn chặn những kẻ xấu lợi dụng môi trường thông tin trên mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích của người khác. Không có chuyện Luật An ninh mạng kiếm cớ “bôi nhọ người khác” để bóp nghẹt quyền con người, “quyền tự do biểu đạt”; chế tài của luật này chỉ áp dụng đối với những hành vi phạm tội (thông qua lợi dụng internet, mạng xã hội - Điều 8); đồng thời, cho phép cơ quan chức năng điều tra, làm rõ chủ thể nguồn thông tin xấu độc khi cần thiết mà thôi. Tuy nhiên, đối với những kẻ đã và đang có những âm mưu, kế hoạch lợi dụng internet, mạng xã hội để chống lại Đảng, Nhà nước ta hoặc làm tổn thương đến quyền và lợi ích của công dân thì Luật An ninh mạng là một chế tài nghiêm khắc.
Về việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam cho thấy, internet, mạng điện tử nói chung, mạng xã hội nói riêng đã phát triển rất nhanh chóng, bất cứ ai nếu có kiến thức và kỹ năng nhất định đều có thể trở thành “cư dân” thế giới ảo - hệ sinh thái số. Ở đó, người ta có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin mình cần (cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt) trên các ứng dụng. Được biết hiện nay, ở nước ta, gần 70% dân số sử dụng internet trung bình 7 tiếng truy cập mỗi ngày/người với giá dịch vụ rẻ nhất thế giới. Không ít không gian cộng cộng ở Việt Nam khi có sự kiện chính trị, lịch sử lớn còn được cung cấp Wifi miễn phí. Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến năm 2018, đã có 58 triệu người dùng mạng Facebook, tăng 5% trong quý đầu năm 2018 và 16% so với cùng kỳ năm 2017. Cho đến nay, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 7 trên thế giới, thành phố Hồ Chí Minh cũng nằm trong tốp 6 thành phố có người dùng Facebook đông nhất. Các thế lực thù địch với chế độ ta cũng lợi dụng điều này để đưa thông tin can thiệp, chống phá Đảng, chế độ, Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Hằng năm, Hoa Kỳ công bố hai bản phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền và tình hình tôn giáo trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Văn bản được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao và sứ quán Hoa Kỳ, sau đó được các cơ quan báo chí, hãng thông tấn phương Tây, như: BBC, RFA, VOA, RFI tiếp tục phát tán. Bản Phúc trình về tình hình nhân quyền thế giới năm 2018 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa qua cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, Luật Tôn giáo năm 2016 đã có những quy định cởi mở hơn. Chẳng hạn, Luật quy định quyền này không chỉ đối với người có quốc tịch Việt Nam mà cả người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Quyền này còn quy định cho phép người đang thi hành án phạt tù, ở các trại tạm giam, tạm giữ được sử dụng kinh thánh. Hiện nay, hằng năm, Việt Nam có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo được tổ chức. Được biết, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14-5-2019 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam). Ngoài 10.000 phật tử và người dân Việt Nam, Đại lễ dự kiến sẽ đón hơn 1.500 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu, học giả,... đến từ gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là lần thứ 3 Đại lễ Vesak tổ chức tại Việt Nam, sau hai lần đăng cai vào năm 2008 và 2014.
Về việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2018, tổng thu nhập quốc nội (GDP) bình quân đầu người/năm tiếp tục tăng; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,35% (giảm 1,35% so với năm 2017); 87,7% người dân được bảo hiểm y tế (tăng 2,31% so với năm 2017); năm học 2018 - 2019, cả nước có hơn 23,5 triệu học sinh, sinh viên, tăng hơn 1 triệu so với năm học trước, v.v.
Đến nay, Việt Nam đã gia nhập đầy đủ và nội luật hóa các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người vào hệ thống pháp luật quốc gia. Đó là “Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc” (năm 1981); “Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” (năm 1982); “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội” (năm 1982); “Công ước quốc tề về các quyền dân sự chính trị” (năm 1982) ; “Công ước về quyền trẻ em” (năm 1990); “Công ước về chống tra tấn” và “Công ước về quyền của người khuyết tật” (năm 2015), v.v. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã ký kết, gia nhập nhiều công ước quốc tế về quyền con người mà những quốc gia phát triển cao hơn chưa ký hoặc ký nhưng chưa phê chuẩn.
Trong quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, Phúc trình về tình hình nhân quyền trên thế giới năm 2018 đã làm tổn thương đến mối quan hệ giữa hai quốc gia - dân tộc. Ngày nay, cả hai quốc gia đã vượt qua thời kỳ khó khăn, từ “cựu thù” đã trở thành “đối tác toàn diện”. Những khác biệt nào đó về chính trị, tư tưởng, chế độ xã hội, kể cả quyền con người, hai bên đều có thể đối thoại cởi mở. Việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dùng hình thức tán phát văn bản Phúc trình trên internet, mạng điện tử là không phù hợp với văn hóa chính trị và quan hệ giữa hai quốc gia ngày nay. Sự kiện Tổng thống Đô-nan Trăm lựa chọn Hà Nội, Việt Nam làm địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai vừa qua để tiếp tục chủ đề hóa giải mâu thuẫn hai quốc gia về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là một ví dụ về quyền con người được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm như thế nào. Mặc dù chỉ trong 2 ngày ở Hà Nội, cả hai nguyên thủ Mỹ - Triều đều được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp đón nồng hậu. Về an ninh, có lẽ chưa ở đâu, sự kiện chính trị nào mà công tác an ninh lại được tổ chức hoàn hảo đến từng chi tiết. Về dịch vụ kỹ thuật, tại Trung tâm Báo chí, các nhà mạng Việt Nam đã lắp đặt thiết bị phát sóng wifi tại tất cả các khu vực cần phủ sóng, với 115 thiết bị và 1.299 đầu chờ internet có dây đã được triển khai. Ngoài ra, các nhà mạng còn lắp đặt thêm thiết bị tăng cường thu phát sóng chất lượng 2G, 3G, 4G trên toàn địa bàn thủ đô Hà Nội để nhân dân Việt Nam và người ở nước ngoài có thể trực tiếp theo dõi sự kiện chính trị này.
Về văn hóa, cũng tại sự kiện trên, không chỉ hai nguyên thủ hài lòng về cách ứng xử của lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, mà khách quốc tế đến Việt Nam đều ngạc nhiên về vẻ đẹp thiên nhiên trên từng đường phố và những cảnh quan ở nhiều khu du lịch, như: Tràng An (Ninh Bình), Hạ Long (Quảng Ninh), v.v. Đặc biệt là sự thân thiện, vui vẻ, tự tin, hào phóng và niềm tự hào của người Việt Nam đối với dân tộc, chế độ xã hội và nhà nước của mình.
Có thể nói, lịch sử cách mạng Việt Nam trên 70 năm qua, Hiến pháp, hệ thống chính sách, pháp luật và cuộc sống thực tại của nhân dân Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn những nhận định, đánh giá sai trái về tình hình quyền con người trong bản Phúc trình (năm 2018) của Hoa Kỳ
BẮC HÀ

Nhận xét