Nhận diện và ngăn ngừa thủ đoạn lợi dụng lòng yêu nước để kích động người dân xuống đường biểu tình, gây rối trật tự công cộng


Có thể nói, lòng yêu nước, thương nòi, ý chí độc lập và tự cường dân tộc đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn trong đời sống dân tộc Việt Nam, là nền tảng tinh thần, là giá trị đạo đức cao quý nhất trong thang bậc các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam.
Trải qua lịch sử thăng trầm của dân tộc, lòng yêu nước đã dựng nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng, triệu người như một. Trong suốt chiều dài lịch sử, từ đầu thế kỷ XX đến nay, nhân dân Việt Nam luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động; đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam làm nên những kỳ tích vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong thời đại công nghiệp thế hệ 4.0.
Thấy được sức mạnh to lớn của lòng yêu nước, các thế lực thù địch đã lợi dụng vấn đề này làm mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam dưới những phương thức, thủ đoạn khác nhau. Từ kích động lòng yêu nước cực đoan nhằm tạo ra sự đối lập giữa quần chúng nhân dân với Đảng, với chế độ XHCN và chính quyền nhân dân.
Những hoạt động của các thế lực thù địch được núp bóng dưới các nhóm, tổ chức tự xưng với danh nghĩa dân chủ, nhân quyền, yêu nước, như: “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Nhóm tuổi trẻ yêu nước”, “Hội dân oan”, “Nhóm đồng thuận”, “Hội cựu tù nhân lương tâm”, “Mạng lưới blogger Việt Nam”, “Hội ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo”, “Hội nhà báo độc lập”...  Xem bài: Cảnh giác với những kẻ lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để kích động chống phá chế độ của Phiếm Đình đăng trên Tạp chí QPTD -Thứ sáu, 29/06/2018
Duyên cớ bọn chúng kích động thường tập trung trong công tác tuyền truyền giải thích chú trương, chính sách của Đảng, Nhà nước từ các cơ quan có chức năng các cấp không đầy đủ, rõ ràng và kịp thời, hoặc khi Nhà nước đưa ra những quyết sách quan trọng mà chúng cho rằng đi ngược lại quyền lợi của dân tộc, của nhân dân; hoặc vấn đề chống tham nhũng, giải phóng mặt bằng, thu phí BOT, bảo vệ môi trường chưa được giải quyết dứt điểm.
Chúng soạn thảo, tán phát trên mạng Internet, mạng xã hội khác kêu gọi việc cùng ký tên vào các văn bản gửi đến cơ quan chức năng để phản đối, đòi yêu sách. Dựa trên những vấn đề phức tạp, mới nảy sinh, những yêu cầu phát triển của đất nước để xuyên tạc, cản trở đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, kích động, cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan phát triển. Hoặc lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền và hàng loạt vấn đề cốt lõi trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị… Các đối tượng chống phá còn tập trung lựa chọn những nhân tố “sám hối”, “trở cờ”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để tập hợp lực lượng chống đối từ bên trong, xem đây là nguồn tán phát trực tiếp thông tin xấu, độc.
Một là, thông qua ứng dụng gửi tin nhắn trên phần mềm iMessage để lan truyền tin nhắn từ những tài khoản ẩn danh với nội dung kêu gọi, kích động người dân cả nước cùng xuống đường biểu tình, gây rối trật tự công cộng. Ngoài ra, sử dụng thủ đoạn viết lời kích động, kêu gọi biểu tình, bạo loạn, phá hoại trên các tờ tiền lẻ (loại 2 ngàn, 5 ngàn) để tán phát đi nhiều nơi. Sử dụng chiêu trò xuyên tạc, thổi phồng sự việc, bóp méo bản chất vấn đề, nhất là liên quan các dự án xây dựng Luật, nghị quyết của Quốc hội, chính phủ về các chính sách kinh tế-xã hội. Bằng cách này, chúng gây sự tò mò hiếu kỳ của người dân để lôi kéo tụ tập đông người, sau đó lợi dụng đám đông để trà trộn kích động, gây rối, xúi giục tuần hành, biểu tình, bạo động đập phá trụ sở cơ quan, doanh nghiệp.
Hai là, tụ tập thành từng nhóm tại nhiều địa điểm công cộng để căng băng rôn, khẩu hiệu với nội dung phản đối, đòi yêu sách trái pháp luật; quay video clip, chụp ảnh, đăng tải trên các trang mạng xã hội để truyền thông có chủ đích. Khi diễn biến tính hình trở nên phức tạp thì đập phá, đốt cháy tài sản công, tài sản tư.
Ở đây có thể nhận diện diễn biến của sự việc rằng, ban đầu hoạt động mang tính tự phát của một nhóm người có quyền và lợi mà theo họ bị xâm phạm, cơ quan có thẩm quyền chưa giải quyết dứt điểm. Chẳng hạn vụ người dân Bình Thuận phản đối mức độ ô nhiễm nghiêm trọng của Nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1, người dân ở khu vực này đã ra quốc lộ 1 chặn xe, đòi yêu sách. Sự việc đó chính quyền địa phương đã có một số phương án giải quyết, trong đó yêu cầu Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, tạm dừng việc vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường khi chưa có thông báo Kế hoạch vận hành thử nghiệm Tổ máy số 2 nhưng việc giải quyết chưa triệt để. Sau đó đã bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, hướng lái trở thành các cuộc biểu tình, tập trung đông người mang màu sắc chính trị, với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp, được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, có kịch bản cụ thể. Đáng chú ý chúng còn mua chuộc, lợi dụng số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, số có tiền án, tiền sự… làm thành phần cốt cán đi vận động, lôi kéo, kích động người dân tham gia biểu tình, gây rối an ninh trật tự. Chúng còn lợi dụng những người thiếu thông tin hay do trình độ nhận thức hạn chế, mê hoặc để mua chuộc, lôi kéo họ tham gia biểu tình. Vụ biểu tình, gây rối xảy ra từ ngày 9 đến 11-6-2018 ở Bình Thuận vừa qua, số đối tượng “cốt cán” đã ra sức tuyên truyền, xuyên tạc rằng: Cho thuê đất 99 năm là bán nước, Luật An ninh mạng bóp nghẹt tự do, dân chủ, xâm phạm quyền tự do ngôn luận,… để thu hút, lôi kéo hàng ngàn người dân tham gia biểu tình, tuần hành từ đó kích động người dân đập phá trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận, Sở PCCC, gây cản trở giao thông, đốt hàng chục xe ôtô, xe máy, làm bị thương một số chiến sỹ Công an… là minh chứng cho sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ động cơ này sang động cơ khác, nghiêm trọng hơn.
Đất nước ta đang trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực xã hội. Hơn lúc nào hết, Đảng, Nhà nước luôn mong muốn nhân dân cả trong và ngoài nước cùng đoàn kết nhất trí chung sức, chung lòng, biến lòng yêu nước thành hành động thiết thực, cụ thể đóng góp xây dựng và kiến thiết quê hương, đất nước.
Để đạt được mục tiêu đó, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó, các cơ quan chức năng cần tập trung vào một số biện pháp trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, việc xây dựng các chủ trương, chính sách lớn, nhất là các chủ trương chính sách về phát triển kinh tế xã hội, chính sách an sinh xã hội, có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân phải khoa học và nhất quán; phải thực hiện tốt việc tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, biết lắng nghe, tiếp thu những phản biện của người dân.
Đặc biệt, đối với các dự án luật trình Quốc hội xem xét thảo luận, các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin liên quan đến dự luật tới các tầng lớp nhân dân, thông qua phương tiện thông tin đại chúng chính thống để truyền tải chính thức dự thảo luật, qua đó nhằm phòng ngừa tình trạng thông tin bị suy diễn, bị kẻ địch lợi dụng, xuyên tạc.
Thứ hai, kịp thời phát hiện, giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, “điểm nóng” ngay từ cơ sở, không để kéo dài, lây lan, vượt cấp. Khi giải quyết phải mời đại diện nhân dân địa phương nơi có sự việc xảy ra, như người dân ở xung quanh các nhà máy xử lý môi trường, bãi đổ rác thải sinh hoạt, các vị trí đặt trạm thu phí của dự án BOT, các nhà máy, công trình khác đến chính kiến, trao đổi, xem xét ý kiến đề xuất của họ. Khi giải thích sự cần thiết phải có dự án như thế, người thay mặt phải biết giải thích cặn kẽ, phải lấy lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích cộng đồng để giải thích.
Thứ ba, chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, huyện bố trí đội ngũ cán bộ có hiểu biết, lòng nhiệt tình và dễ gần dân để thực hiện công tác dân vận theo phương châm “trọng dân, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”; tăng cường gặp gỡ, đối thoại, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân. Chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề, sự kiện mà người dân đang quan tâm, giải đáp kịp thời thắc mắc, bức xúc của người dân trên cơ sở pháp luật, chính sách của Nhà nước.
Thứ tư, các cơ quan thông tin, truyền thông cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, âm mưu, hoạt động lợi dụng tự do, dân chủ, lợi dụng quyền con người để phá hoại an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nước ta; vận động nhân dân chấp hành tốt pháp luật.
Qua phương tiện thông tin, truyền thông vận động người dân không nghe theo kẻ xấu, không bị kẻ địch lợi dụng, mua chuộc làm phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Làm cho người dân nhận thức được rằng, lòng yêu nước chân chính chỉ thực sự phát huy tác dụng khi mỗi người dân hành động trong đời sống thực tiễn theo đúng quy định pháp luật.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo kết hợp với thực hiện công bằng xã hội, nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo nhằm góp phần đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích của người dân trên cơ sở pháp luật. Đây là chiến lược lâu dài nhưng cũng cần xác định mục tiêu hằng năm để đời sống vật chất ở những vùng này trở thành hiện thực.
Thứ sáu, mỗi bộ, ngành trong phạm vi công tác của mình cần bố trí, thành lập ở cấp độ phòng hoặc ban chuyên đề nhằm theo dõi, phát hiện các trang thông tin giả tạo, sai trái, có khuynh hướng kêu gọi xuống đường biểu tình, tuần hành hoặc bêu xấu, vu khống cán bộ, công chức, đảng viên trong ngành mình để qua đó phân loại xử lý. Những trường hợp lớn lơn có khả năng lan tỏa nhanh trong phạm vi ngành, thuộc tĩnh, thành phố hoặc cả nước thì cần báo cáo cấp có thẩm quyền để phối hợp xử lý. Công an các tỉnh, thành phố, các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, cục nghiệp vụ Bộ Quốc phòng luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin, báo cáo cấp có thẩm quyền và chủ động xử lý tình hình đồng thời phối hợp chặt giữa các đơn vị, tham mưu cho lãnh đạo bộ phân tích, đánh giá tình hình một cách bài bản, khoa học để từ đó có phương án giải quyết phù hợp.
Tóm lại, việc người dân thể hiện lòng yêu nước, sự quan tâm, lo lắng cho công việc đất nước là điều rất đáng trân trọng. Nhưng mọi người cần thể hiện lòng yêu nước đúng chỗ, đúng thời điểm, trên cơ sở quy định của pháp luật. Việc thể hiện lòng yêu nước bằng cách gây rối an ninh trật tự là vi phạm pháp luật và chính là phản yêu nước.
Người yêu nước chân chính là người biết sử dụng pháp luật, đạo đức, truyền thống tốt đẹp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời phải biết tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Nhận diện được phương thức, thủ đoạn lợi dụng lòng yêu nước để kích động nhân dân làm việc xấu chính là nhằm đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời tránh được sự lợi dụng đó để gây ra rối loạn xã hội, phức tạp tình hình.
Đại tá, PGS.TS Phạm Quang Phúc (Nguyên trưởng Bộ môn Pháp luật-ĐHCS)

RSF lại giở trò hề “bảng xếp hạng tự do báo chí”

Theo công bố của RSF, Việt Nam đã bị tụt một hạng trên bảng xếp hạng tự do báo chí so với năm ngoái, đứng thứ 176/180 quốc gia được đánh giá.
Ngay sau khi công bố này được đưa ra, các trang website, tờ báo, kênh truyền thông của các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị và những người có cái nhìn không thiện cảm với Việt Nam đã nhanh chóng rêu rao, lan truyền bảng xếp hạng và thể hiện sự hả hê trước thông tin này. 
Đi liền với đó, không ít người đã lồng ghép các thông tin, tư tưởng sai lệch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Họ cho rằng tình hình báo chí của chúng ta trở nên ngày càng u ám, họ vu khống “hận thù đối với các nhà báo nay đã biến thành bạo lực” v.v…
Vậy trong số những thông tin về tự do báo chí của Việt Nam được RSF công bố, có bao nhiêu phần trăm là sự thật? 
RSF là tổ chức phi chính phủ, được thành lập năm 1985 do Robert Ménard – một nhà báo người Pháp. Hiện nay, trụ sở chính của RSF đặt tại Paris, Pháp. Ngoài ra, tổ chức này còn có văn phòng đại diện tại một số quốc gia trên thế giới. 
Theo tuyên bố, mục đích hoạt động của RSF là nhằm thúc đẩy tự do báo chí, tự do ngôn luận và bảo vệ nhà báo trên toàn cầu. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, RSF thường xuyên đưa ra những thông tin, đánh giá, bình luận sai lệch, vu khống, đánh giá không đúng bản chất vấn đề của Việt Nam.
Về bảng đánh giá tự do báo chí World Press Freedom Index 2019 được RSF đưa ra, không khó để thấy căn cứ đánh giá, xếp hạng của RSF không thuyết phục. Riêng đối với Việt Nam, RSF không có một nghiên cứu chuyên sâu, cụ thể nào về tình hình báo chí. 
Đồng thời, tổ chức này cũng không sử dụng bất kì báo cáo nào của Chính phủ Việt Nam để đưa ra đánh giá. Chỉ dựa trên một số khảo sát “như có như không” được cóp nhặt một cách phiến diện, một chiều và một số bài phỏng vấn với các “nhà báo” tự phong, các nhà “dân chủ mạng”, RSF vội vã kết luận Việt Nam về tình hình báo chí của Việt Nam. 
Thực tế, cách đánh giá của tổ chức này là thiếu khách quan, không trung thực và không thể hiện được bản chất vấn đề. Chính vì vậy, mức độ tin cậy trong bảng đánh giá tự do báo chí được RSF đưa ra hầu như không có.
Bảng xếp hạng tự do báo chí: Khi những người không hiểu luật đi đánh giá vấn đề!
Qua cách làm việc của RSF, có thể thấy hoạt động của tổ chức này không có tính khách quan. Dường như những người đi đánh giá tự do báo chí của các quốc gia trên thế giới lại đang bị thiếu hụt nghiêm trọng hiểu biết về pháp luật liên quan đến báo chí. 
Để đánh giá, xếp hạng về một vấn đề nhất định, cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ “cầm cân nảy mực” cần có hiểu biết toàn diện về vấn đề mà mình đang làm. Chỉ có như vậy, kết quả đánh giá mới đảm bảo tính chuẩn xác và phát huy giá trị trên thực tế.
Đối với việc đánh giá tự do báo chí của các quốc gia trên thế giới, trước hết cần phải nắm chắc quy định trong luật pháp quốc tế để từ đó nghiên cứu, so sánh, đối chiếu vào thực tiễn của từng nước. Thực tế, quyền tự do báo chí là khía cạnh cụ thể của quyền tự do ngôn luận.
Tại khoản 2 Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 (Việt Nam đã tham gia công ước này từ năm 1982) quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. 
Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tự do báo chí một cách thái quá. Tự do nhưng vẫn phải trong khuôn khổ của pháp luật. Khi thực hiện các quyền tự do ngôn luận nói chung và tự do báo chí nói riêng, các cá nhân, tổ chức cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định liên quan. Và đặc biệt, việc tự do ngôn luận, tự do báo chí này không được xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm lợi ích của cộng đồng. 
Ngay tại khoản 3 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 cũng đã nhấn mạnh: “3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. 
Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội”.
Như vậy, để biết một quốc gia nào có tự do ngôn luận hay không có tự do ngôn luận cần phải có nghiên cứu chuyên sâu không những về quy định của pháp luật quốc tế mà còn phải nắm bắt toàn diện các quy định liên quan của mỗi quốc gia. 
Chỉ có vậy, mới có thể biết những “những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt” cũng như “một số hạn chế nhất định” khi thực hiện quyền tự do báo chí để từ đó đánh giá đúng bản chất của vấn đề.
Thực tiễn tự do báo chí ở Việt Nam?
Thực tế cho thấy Việt Nam đang thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình về vấn đề tự do báo chí. Đời sống báo chí của Việt Nam đang phát triển một cách hết sức sôi nổi, đảm bảo mọi công dân đều có thể thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí một cách thuận lợi nhất.
Về mặt pháp lý, quyền tự do ngôn luận nói chung và tự do báo chí nói riêng đang được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. 
Tại Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. 
Tại Luật Báo chí hiện hành, chúng ta cũng đã có hẳn một chương với 4 điều (từ Điều 10 đến Điều 13, Chương II) quy định về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.
Về mặt thực tiễn, đời sống báo chí của nước ta đang rất sôi động. Chúng ta phát triển đầy đủ các loại hình báo chí từ báo in, báo nói, báo truyền hình, báo điện tử. Cùng với các hãng thông tấn báo chí trong nước, các hãng truyền thông báo chí nước ngoài cũng đang hoạt động tích cưc tại Việt Nam. Với sự phát triển nhanh chóng của Internet, mạng xã hội, các hoạt động báo chí ngày càng trở nên đa dạng. 
Có thể thấy mỗi người dân đều đang trở thành một phần của đời sống báo chí. Họ không chỉ hưởng thụ các sản phẩm báo chí mà còn tham gia vào quá trình cung cấp, sản xuất tin, bài cho các cơ quan, đơn vị truyền thông. Thông qua đây, người dân được nói lên tiếng nói, nguyện vọng của bản thân mình, đồng thời thực hiện quyền lực chính trị của bản thân.
Động cơ xuyên tạc tình hình báo chí ở Việt Nam của RSF là gì?
RSF đã rất nhiều lần đưa ra các thông tin sai lệch, xuyên tạc trắng trợn tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam. 
Bên cạnh việc thường xuyên đưa Việt Nam vào nhóm “chót bảng” trong bảng xếp hạng tự do báo chí, tổ chức này còn liên tục cổ suý, tung hô các đối tượng phản động, cơ hội chính trị có hành vi chống phá Việt Nam.
Các đối tượng nổi bật trong giới “dân chủ” như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hữu Vinh, Trương Duy Nhất v.v… có mối quan hệ khá thân thiết với RSF. Bất chấp việc các đối tượng trên có hành vi chống phá Việt Nam, xâm phạm đến an ninh quốc gia, an toàn xã hội của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, RSF vẫn ca ngợi những người này như những “anh hùng”. 
Thậm chí, RSF còn trao giải “Tự do báo chí” cho các đối tượng trên. Đồng thời, khi chính quyền Việt Nam xét xử các đối tượng có hành vi phạm tội, RSF cũng liên tục vu khống, công kích Đảng, Nhà nước ta. Các đối tượng này còn tự cho mình quyền phán xét hệ thống pháp luật của Việt Nam, cho mình quyền coi thường, bất chấp pháp luật của Việt Nam. Đây là điều không thể chấp nhận.
Qua cách hành động của mình, RSF đang bộc lộ bản chất thù hằn, thiếu thiện cảm với Việt Nam. Dù tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức này là tốt đẹp, chính đáng nhưng khi hoạt động lại có rất nhiều lệch lạc, biến tướng. 
Một mặt, RSF câu móc, tập hợp, nuôi dưỡng, huấn luyện các đối tượng chống đối, đào tạo thành những “nhà báo tự do” để tuyên truyền tư tưởng tự do tư bản chủ nghĩa vào Việt Nam, chống phá hệ tư tưởng cộng sản. Mặt khác, RSF cố tình xuyên tạc tình hình, lợi dụng chiêu bài tự do ngôn luận, tự do báo chí để gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Suy cho cùng RSF cũng chỉ là một quân cờ được sử dụng trong chiến lược “diễn biến hào bình” để chống phá, tiến tới lật đổ chế độ, lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản ở Việt Nam nói riêng và ở các nước theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa nói chung. 
Thẳng thắn đánh giá, đây chính là một tổ chức lợi dụng vỏ bọc tự do báo chí để xâm phạm an ninh của quốc gia khác. 
Trần Anh Tú

Nhận xét