KỲ III: TỔNG THỂ HOẠT ĐỘNG TÂM LÝ CHIẾN MANG MẬT DANH “HUMIDOR” – “ĐÀI PHÁT THANH ĐEN” VÀ NHỮNG “GÓI QUÀ TÂM LÝ CHIẾN”.



(Viết tiếp về “Nhân dân Việt Nam đã đánh bại chiến tranh tâm lý của CIA trong Kháng chiến chống Mỹ như thế nào”)
ĐẠI TÁ NGUYỄN MINH TÂM
1- Các “làn sóng đen”.
Lịch sử các “đài phát thanh đen” không phải bắt đầu từ “Chiến tranh Việt Nam”. Từ những năm sau “Chiến tranh thế giời thứ hai”, các đài phát thenh đen như “Đài Châu Âu tự do” (RFE), “Đài quốc tế Tự do” (RFI) cũng với các đài phát thanh chính thức của Mỹ (VOA), BBC (Anh), RFA (Pháp).v.v… cùng các hãng thông tin chiếm vị trí hàng đầu thế giới nhự UPI (Mỹ), Reuter (Anh). AP (Mỹ), AFP (Pháp).v.v… đã chiếm lĩnh hầu như toản bộ mặt trận truyền thông trên địa cầu.
Các tài liệu được giải mật của CIA vào năm 2002 cho thấy Cơ quan chỉ huy chiến dịch OP39 dược phép điều hành các hoạt động phát thanh đen khác. Trong số này có cả những đài phát thanh chính thức như VOA tiếng Việt, BBC tiếng Việt, Đài phát thanh Tiếng nói Tự do (VOF) tiếng Việt. v.v…bên cạnh “Đài Gươm thiêng ái quốc” và “Đài Sài Gòn”. Những thông tin chung mà các đài này đưa ra là mô tả sự hiện diện của các tổ chức chống đối chính quyền Hà Nội khác ngoài tổ chức ma “Gươm thiêng ái quốc”. Bên cạnh đó, CIA đã lập lên một đài phát thanh giả mạo “Đài Tiếng nói Việt Nam” trên làn sóng ngắn (bước sóng cm) để hỗ trợ cho việc lan truyền những tin tức giả mạo này.
Trong chiến dịch truyền thông thật giả lẫn lộn này, CIA lập ra cái gọi là “Văn phòng Truyền thông hỗn hợp Hoa Kỳ (JUSPAO) để phối hợp các hoạt động tâm lý chiến của Mỹ ở Việt Nam. Theo quy chế hoạt động của JUSPAO, giám đốc cơ quan này có nhiệm vụ vạch ra chủ trương cho một số cơ quan truyền thông quân sự, dân sự tham gia truyền thông trên cả ba thể loại “đen”, “trắng”, “xám” và giám sát việc thực hiện chủ trương đó thông qua một cơ quan kiểm soát kỹ thuật mà nói nôm na là “thu âm lại để kiểm tra”.
JUSPAO cũng có trong tay một trong năm phòng trực thuộc chuyên trách điều hành hệ thống thông tin giả hướng vào miền Bắc Việt Nam. Trong chiến dịch chiến tranh tâm lý OP39, đài “Tiếng nói của tự do” (VOF) nhận lãnh trách nhiệm lan truyền “thông tin xám”. Theo giải thích của CIA, “thông tin xám” là “thông tin không cần che đậy kỹ lưỡng”. Nói trắng ra nó có nghĩa là “nửa kín nửa hở”. Bởi lẽ “tuyên truyền xám chỉ có thể giấu nguồn thông tin đối với người ít quan tâm chứ không thể giấu nguồn đối với các chuyên gia”. Lý do là ở chỗ “tính hai mặt” của thông tin. Những thông tin đó được “chế biến” để phát ra từ một nguồn trung lập kèm theo những bình luận tỏ vẻ trung lập; nhưng thực chất đều được nhào nặn một cách có chủ đích để hướng độc giả đến những kết luận có lợi cho kẻ cung cấp thông tin đó. (trích dịch trang 1-3, Mục XI, tài liệu “Lịch sử nhiệm vụ của MACVSOG” (năm 1968).
VOF thừa kế những thủ đoạn mà đài Châu Âu tự do (RFE) đã thực hiện ở “lục địa già” những năm 1950-1961. Trong năm 1968, năm cuối cùng của dự án “Gươm thiêng ái quốc”, VOF phát sóng 75 giờ mỗi ngày bằng 5 ngôn ngữ vào Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Myanma, Lào, Campuchia và Thái Lan. Trong đó, tiếng Việt chiếm 7.300 giờ, tiếng Hán-Triều Châu chiếm 2.190 giờ, tiếng Hán-Quan Hỏa chiếm 730 giờ, tiếng Pháp 183 giờ, tiếng Anh 183 giờ. (trích dịch trang 1-3, Mục XI, tài liệu “Lịch sử nhiệm vụ của MACVSOG” (năm 1968).
Ngoài những đài phát thanh đen yểm trợ cho chủ trương của đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam, CIA còn lập ra những đài phát thanh “giả đỏ” nhằm lung lạc tinh thần của người dân ở cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Đó là đài phát thanh “Cờ Đỏ” (Red Flag Radio-RFR) và đài phát thanh “Sao đỏ” (Red Star Radio-RSR). Trong đó, đài RSR tỏ ra thân Trung Quốc và tuyên truyền cho việc Trung Quốc chống Liên Xô. Trên làn sóng của đài này, Liên Xô được gọi là “đế quốc xã hội chủ nghĩa”. Còn đài RFR thì tuyên truyền những thông tin ca ngợi Liên Xô, lên án Trung Quốc đã phản bội lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Các đài này hoạt động đặc biệt mạnh vào đầu năm 1972, khi Trung Quốc và Mỹ ký kết “Thông cáo chung Thượng Hải”. Không những thế, đài RSR còn lấy danh nghĩa một nhóm cán bộ cộng sản cao cấp ở miền Nam Việt Nam cho rằng Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là “bù nhìn” của Hà Nội; đồng thời tung ra luận điệu “miền Nam Việt Nam là của người miền Nam” nhằm cổ xúy cho việc chia cắt Bắc-Nam như thời Trịnh-Nguyễn (Đàng trong-Đàng ngoài).
Bên cạnh hoạt động của các “đài phát thanh đen”, hoạt động “chèn sóng” cũng là một thủ đoạn phổ biến của CIA. Từ năm 1964, William Colby đã “phát minh” ra cách tạo một “Đài phát thanh Giải phóng” giả phát ngay trên tần số cận kề (trên hoặc dưới) tần số phát sóng chính thức của “Đài phát thanh Giải phóng” thật nhằm lan truyền thũng thông tin bôi nhọ Hà Nội và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Nếu thính giả không tinh ý thì chắc chắn sẽ bị “nghe nhầm đài”. Tương tự như vậy, CIA cũng tạo ra “Đài Tiếng nói Việt Nam” giả hiệu. Đài này phát đi nhạc hiệu chính thức của “Đài Tiếng nói Việt Nam” mà CIA ghi âm lại. Nó có đầy đủ các thông tin giới thiệu như: “Đây là đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”… kèm theo nhạc hiệu của đài là phần nhạc của bài “Diệt phát xít”. Đài này bắt chước mọi chi tiết của “Đài Tiếng nói Việt Nam” loại trừ một số nội dung quan trọng của chương trình truyền tin. (trích dịch trang 65, tài liệu “Nghiên cứu nhiệm vụ của MACVSOG”, phụ lục B, phần “Hoạt động chiến tranh tâm lý” của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Washington. 1970)
Plaster Godson, cựu nhân viên thuộc Phòng sản xuất tin giả của CIA cho biết: “Chúng tôi được lệnh tạo ra một bài phỏng vấn với một bác sĩ ngoại khoa giả mạo ở một bệnh viện lớn của Hà Nội (dĩ nhiên đều nói giọng Bắc). Ông này ca ngợi việc cải tiến quá trình sản xuất chân tay giả và vui mừng công bố rằng số lượng sản xuất chân tay giả sẽ tăng gấp 3 lần so với năm trước. Ngay sau đó là các thông tin về việc Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khen thưởng xứng đáng các anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ là các thương binh trong cuộc chiến giải phóng miền Nam”. Plaster Godson bình luận: “Nghe những dòng tin này, các thính giả của Đài Hà Nội giả mạo chắc chắn sẽ đi đến kết luận về “tính chất đẫm máu”, về “mức độ khủng khiếp” của cuộc chiến”. Và đó cũng là cái đích mà CIA hướng đến khi tung ra các hoạt động “tuyên truyền xám” thông qua các “đài phát thanh đen”. (trích dịch các trang 98-99, tài liệu của CIA: “Phỏng vấn lịch sử các sĩ quan đã phục vụ tại MACVSOG”, đoạn phỏng vấn đại tá Philippe Adams).
Khó khăn lớn nhất mà CIA gặp phải trong việc tuyên truyền bằng phát thanh đen là hầu hết cư dân miền Bắc không có đài thu thanh cá nhân. Vì vậy, hoạt động phụ trợ mang tên “Soap Chips” (Xà bông) được khởi động. Theo đó, các máy thu thanh được ngụy trang như những bánh xà phòng thơm, được cài đặt tụ xoay sao cho chỉ bắt được một hoặc một số tần số của các “đài phát thanh đen” đã được đặt hàng chế tạo tại Nhật Bản với số lượng lớn, kích thước nhỏ gọn, mẫu mã ưa nhìn, màu sắc bắt mắt và đặc biệt là nguồn điện pin có chất lượng cao, có thể sử dụng tới trên 40 giờ với âm lượng nhỏ đủ nghe. Những “món hàng tâm lý chiến” này được tung vào miền Bắc Việt Nam bằng nhiều con đường: thả trôi từ biển vào bằng tàu thủy, thả trôi trên sông từ thượng nguồn xuống bằng máy bay, thông qua các nhóm biệt kích xâm nhập qua giới tuyến, qua biên giới hoặc bằng cách tình cờ như một toán thám báo “bỏ quên” chúng trong những điệp vụ trinh sát dọc “Đường mòn Hồ Chí Minh” .v.v… (trích dịch các trang 98-99, tài liệu của CIA: “Phỏng vấn lịch sử các sĩ quan đã phục vụ tại MACVSOG”, đoạn phỏng vấn đại tá Harbert Weirssart).
Kỹ thuật “át sóng” cũng được CIA phát huy tối đa tác dụng trong “cuộc chiến trên làn sóng”. Đó là việc bắt đúng làn song phát thanh của Đài Tiếng nói Việt nam, Đài phát thanh Giải phóng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam rồi dùng hệ thống phát thanh có công suất lớn gấp bội “đè sóng” đối phương và thay thế bằng chương trình phát thanh khác. CIA hy vọng sẽ “phá hoại niềm tin” của người dân miền Bắc Việt Nam thông qua những thứ đó. Theo thống kê của CIA, chỉ trong năm 1968, đã có tới trên 10.000 đài thu thanh tâm lý chiến các loại đã được tung vào miền Bắc Việt Nam và tuyến “Đường mòn Hồ Chí Minh” bằng các cách thức kể trên (trích dịch trang 13-14, Phụ lục B, tài liệu “Lịch sử nhiệm vụ của MACVSOG” (1964-1972).
2- Truyền đơn và các “món quà tâm lý chiến”
Truyền đơn là thứ “xưa như trái đất” trong tâm lý chiến. Trong thời Xuân thu-Chiến quốc ở Trung Quốc, truyền đơn là phương tiện lan truyền những thông tin bất lợi cho đối phương bao gồm cả thông tin “trắng”, “đen” và “xám”. Trong Chiến tranh Việt Nam, để yểm trợ cho hoạt động “Gươm thiêng ái quốc” và hoạt động của các “đài phát thanh đen”, hàng chục triệu tờ truyền đơn các loại, nhằm vào các đối tượng khác nhau đã được soạn thảo, in ấn công phu để tung vào miền Bắc Việt Nam bằng đường không, đường biển, đường thủy và qua tay các điệp báo viên mà CIA tuyển mộ. Khác với những tờ truyền đơn được rải xuống miền Nam Việt Nam với những lời kêu gọi “các cán binh cộng sản” hãy từ bỏ “cuộc chiến vô nghĩa” để “hồi chánh”, để về với cái gọi là “chánh nghĩa quốc gia”, những tờ truyền đơn được tung ra miền bắc Việt Nam có nội dung khuếch trương cho các “tổ chức chống đối ma” (như Gươm thiêng ái quốc), khuếch trương cho các “đài phát thanh đen” (như Đài Tiếng nói tự do, Đài Sao Đỏ, Đài Cờ đỏ).v.v… với mục đích chung là gây hoang mang trong tâm lý xã hội miền Bắc Việt Nam.
Một trong những đối tượng “quan trọng bậc nhất” được CIA nhắm tới qua hoạt động rải truyền đơn là những người dân theo Thiên chúa giáo ở miền Bắc Việt Nam. Khác với những tờ truyền đơn được tung ra vào những năm 1954-1956 có nội dung cơ bản rằng ‘Chúa đã vào Nam”, kêu gọi cộng đồng giáo dân miền Bắc hãy “theo Chúa vào Nam”; những tờ truyền dơn của CIA thả xuống miền Bắc Việt Nam trong những năm 1965-1972 đã trực tiếp kêu gọi giáo dân hãy “phản kháng chế độ cộng sản miền Bắc”. (trích dịch trang 155. Plaster Godson. “Thủ đoạn bẩn thỉu hay con át chủ bài”. New York. 1987).
Kèm theo những bó truyền đơn được máy bay Mỹ rải xuống miền Bắc thời kỳ 1965-1972 thường là các “món quà tâm lý chiến”. Chúng thường được ghi địa chỉ phát đi (From) là địa chỉ giả hoặc không có địa chỉ. Trong các gói quà ấy là giấy viết, xà phòng, bút chì, nến, khăn tắm, vải vóc, sách vở .v.v… Nội dung những sách vở đó có đề cập đến sự tồn tại của cái gọi là “Mặt trận Gươm thiêng ái quốc” hoặc một “cái tên ma” nào đó nhằm dẫn dụ những người nhận món quà ấy đến sự nhận thức về một “phong trào ảo” chống lại chính quyền Hà Nội. (trích dịch trang 19, tài liệu của CIA: “Phỏng vấn lịch sử các sĩ quan đã phục vụ tại MACVSOG”, đoạn phỏng vấn đại tá Harbert Weirssart). Cho dù Harbert Weissart có biện bạch rằng món quà ấy không bao gồm thực phẩm vì CIA sợ rằng “Việt Cộng sẽ dùng thực phẩm đó chống lại người Mỹ” thì sự thật vẫn khác hẳn. Bởi chính thứ thực phẩm ấy sẽ vạch trần kẻ đứng sau “món quà tâm lý chiến” ấy chính là CIA, chính là Mỹ.
3- Các tài liệu đen, thư từ đen.
Thủ đoạn ngụy tạo thư giả cũng như các tài liệu giả cũng được CIA sử dụng để tung vào cuộc chiến tranh tâm lý chống miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn 1965-1972. Theo đại tá Harbert Weissart, cựu sĩ quan cao cấp về tâm lý chiến của CIA, thì ở phạm vi hẹp, thư giả, tài liệu giả nhằm đến một con người cụ thể; nhưng ở phạm vi đại chúng, “người làm thư giả, tài liệu giả sẽ gán một nội dung không có thật cho một người khác hoặc tự mình tạo ra thông tin giả”. CIA đã phân loại hoạt động “thư từ đen, tài liệu đen” thành mấy kiểu loại, tác động đến từng đối tượng hoặc từng nhóm đối tượng khác nhau và phù hợp với từng hoàn cảnh khác nhau.
Loại ‘bút độc” gồm các thư từ, tài liệu được gửi đến các cán bộ cao cấp của bộ máy lãnh đạo Việt Nam từ một người Việt nào đó ở Paris, Hongkong, Tokyo, Bangkok .v.v… Những tài liệu này sẽ tạo nên một “độ nghi ngờ nhất định” từ cơ quan an ninh Việt Nam với đối tượng được gửi tài liệu đến. Loại “bút độc đen” còn ghê gớm hơn. Cũng bằng phương thức như trên nhưng nội dung các tài liệu đó đề cập thẳng thừng đến một lời khuyên, lời kêu gọi rằng đối tượng nhận được thư này cần có hành động chống đối cụ thể và tiến tới lật đổ “chế độ cộng sản”. Khỏi phải nói rằng những người nhận được các “tài liệu đen” này sẽ khốn khổ đến mức nào để chứng minh rằng mình không liên quan đến những thứ đó.
Loại “thư thông điệp” là loại “thư đen” được CIA sử dụng phổ biến nhất, nó bao gồm nhiều nội dung từ “tâm sự tình cảm” đến “cứng rắn chính trị”. Loại “thư thông điệp” này vừa có thể là thư cá nhân gửi cho một ai đó hoặc thư ngỏ gửi cho nhiều người. Nội dung của nó có thể là tâm sự tình cảm về việc so sánh đời sống sung sướng ở “thế giới tự do” của Mỹ hay phương Tây với đời sống vật chất còn nghèo khó ở Việt Nam cho đến việc đề cập trực diện vào các vấn đề chính trị ở Việt Nam theo định hướng của Mỹ và phương Tây. Loại “thư thông điệp” này thường nhằm đến cộng đồng trí thức, sinh viên, những người có học vấn trung-cao cấp hoặc có mức sống trung lưu so với mặt bằng thu nhập của xã hội miền Bắc Việt Nam khi đó. (trích dịch trang 17, Phụ lục B, tài liệu “Lịch sử nhiệm vụ của MACVSOG” (1964-1972).
Loại “thư giả danh tù binh” cũng là một thủ đoạn chiến tranh tâm lý của CIA do MACVSOG thực hiện trong những năm 1964-1972. Đề án này mang mật danh “Peanuts” (Hột lạc). Đây là những lá thư giả mạo nhân danh những tù binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam hoặc Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam bị quân đội Mỹ-ngụy bắt được trong chiến đấu. Nội dung những là thư này mô tả sự “nhân đạo” của trại tù binh, thông báo quyết định của người viết thư rằng đã “”hồi chánh” để trở về với cái gọi là “chánh nghĩa quốc gia”, thậm chí là đã gia nhập cái gọi là “Quân lực Việt Nam Cộng hòa”. Cuối thư thường là một lời khuyên rằng không nên chống lại người Mỹ và ngụy quân Sài Gòn mà “hãy kêu gọi Hà Nội chấm dứt chiến tranh để tránh đổ máu nhiều hơn nữa”. Trong giai đoạn 1965-1972, CIA cho “sản xuất” mỗi năm trên 70.000 “thư đen” để tung vào miền Bắc Việt Nam qua con đường bưu chính quốc tế. Những tài liệu giả mạo này được “chế tác” tại một văn phòng của CIA ở Okinawa (Nhật Bản), được đưa về Bangkok (Thái Lan) rồi từ đó tung về miền Bắc Việt Nam. (trích dịch các trang 121, tài liệu của CIA: “Phỏng vấn lịch sử các sĩ quan đã phục vụ tại OP39 của MACVSOG”, đoạn phỏng vấn trung tá William Andrews).
Thông qua các toán biệt kích, các nhóm đặc nhiệm hải quân SEAL, các toán biệt động của quân đội ngụy Sài Gòn, CIA còn cho các nhóm này “đánh rơi” một số giấy báo tử giả mạo báo tin tử trận của không ít cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam tại chiến trường miền Nam. Tài liệu sơ đẳng nhất về những “liệt sĩ” này được CIA thu thập qua khai thác tù binh hoặc qua các tài liệu thu được trong các trận càn của quân đội Mỹ và ngụy quân Sài Gòn vào các khu căn cứ kháng chiến ở miền Nam. (trích dịch trang 23, Phụ lục B, tài liệu “Lịch sử nhiệm vụ của MACVSOG” (1964-1972).
4- Hoạt động tâm lý chiến chia rẽ Việt Nam với các đồng minh.
Một trong những đề án điển hình của loại hoạt động này liên quan đến khẩu tiểu liên AK-47, loại vũ khí được coi là đã làm nên chiến thắng của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ và là biểu tượng trên quốc kỳ của một số quốc gia mới giành được độc lập. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là đề án “Eldest Son” nhắm đến không nhằm vào tất cả các loại súng AK-47 mà chỉ nhằm vào một loại: Đó là K-56, một biến thể của AK-47 do Trung Quốc sản xuất. Loại súng K-56 này được Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam nhiều nhất trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ với số lượng lên đến hơn 200.000 khẩu.
Bất kỳ ai cũng biết rằng khẩu súng và những viên đạn chính là “thần cứu mạng” của những người lính trên chiến trường. Vì vậy, viên trung tá CIA William Andrews đặt câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu như AK-47 do Trung Quốc sản xuất bị nghi ngờ về hiệu năng tác xạ trên chiến trường ?” William Colby chấp nhận ý tưởng này. Thế là đề án “Eldest Son” thuộc OP39 ra đời.
Thông qua “bên thứ ba”, CIA mua được một số vũ khí bộ binh cùng chủng loại với những vũ khí mà Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong đó, có K-56 (một bến thể của AK-47 do Trung Quốc sản xuất) và những vũ khí hỏa lực cơ bản cấp đại đội và tiểu đoàn như trung liên, B-40, các loại súng cối 61 mm và 82 mm kèm theo nhiều cơ số đạn đúng chủng loại. Tất cả đều có nhãn hiệu “Made in China”.
Những vũ khí này đều được các chuyên gia kỹ thuật của CIA làm hỏng rồi đem ra chiến trường của một trận đánh trên thục tế để “xếp đặt” chúng sao cho đúng như thật. Các quả đạn cối 61 mm và 82 mm được thiết đặt lại ngòi nỏ tức thì. Nghĩa là chúng sẽ nổ ngay trong nòng khẩu súng cối khi được nạp đạn. Đối với K-56 thì các cơ cấu bắn liên thanh đều bị đánh hỏng và nhiều băng đạn được làm vô hiệu hóa hạt nổ. CIA cho rằng những hư hỏng nói trên sẽ làm cho “Việt Cộng” nghi ngờ tính năng của vũ khí Trung Quốc. Thậm chí, một số biệt đội thám báo thuộc OP39 đã tạo nên những kho nhỏ cất giữ những loại súng đạn đã bị đánh hỏng rồi lừa bẫy để các đơn vị Quân giải phóng của địa phương “chiếm” được những kho hàng đó.
CIA tính toán rằng nếu sự vụ được lan truyền và khuếch trương trong nội bộ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam nói riêng và Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, nó sẽ tạo ra sự nghi ngờ không chỉ đối với các vũ khí mà Trung Quốc đã trợ giúp Việt Nam mà còn cả sự nghi ngờ đối với các loại vũ khí khác hiện đại hơn mà Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã trợ giúp cho Việt nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc kháng chiến.
Để làm cho “Việt Cộng” thêm tin tưởng vào những thông tin giả về tình trạng kém chất lượng của vũ khí bộ binh Trung Quốc, trung tá William Andrews còn phịa ra hẳn một cuộc kiểm tra giám định đối với những khẩu K-56 (AK-47 Trung Quốc) được cho là thu giữ tại thực địa tác chiến, lập biên bản kiểm nghiệm, đích thân đóng dấu mật của CIA lên các văn bản đó rồi cho lính biệt kích Mỹ giả vờ “đánh rơi” trên chiến trường.
CIA cũng không từ một thủ đoạn nào để nhằm lung lạc ý chí của nhân dân miền Bắc Việt Nam, gây mâu thuẫn và chia rẽ trong nội bộ lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam từ những sự kiện thường niên. Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Từ năm 1970, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tôn Đức Thắng là người gửi thư chúc Tết đến đồng bào và chiến sĩ cả nước. Tuy nhiên, thông qua cái gọi là “Đài phát thanh Hà Nội” (giả mạo), vào dịp Tết Nguyên đán Tân Hợi năm 1971, chuyên gia chiến tranh tâm lý của CIA là William Rydell đã soạn thảo và cho tung ra một “Thư chúc Tết” giả mạo đứng tên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trường Chinh (người mà CIA cho rằng thân Trung Quốc). Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Hợi 1971, bằng các máy bay trinh sát cánh quạt và trực thăng, CIA đã cho rải xuống các khu vực của “Đường mòn Hồ Chí Minh” hơn 22.000 tấm thiếp chúc mừng năm mới đứng tên Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh được làm giống hệt các tấm thiếp chúc mừng năm mới trước đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thế nhưng, những thủ đoạn chiến tranh tâm lý trong điệp vụ OP39 cũng như các điệp vụ chiến tranh tâm lý khác chống lại Đảng Lao động Việt Nam, chống lại quân và dân miền Bắc Việt Nam đều thất bại !
Tại sao vậy ? Xin đọc kỳ cuối sẽ rõ !
KỲ IV: CHIẾN DỊCH OP39 CỦA CIA ĐÃ THẤT BẠI THẢM HẠI NHƯ THẾ NÀO VÀ BÀI HỌC CHO HÔM NAY.
Ảnh 1: William Colby, chỉ huy Phòng Viễn Đông của CIA (sau này trở thành Giám đốc CIA) kiểm tra việc chuẩn bị dự án “Paradise Island” thuộc kế hoạch OP39.
Ảnh 2: Máy thu thanh tâm lý chiến (đời đầu-1965) của CIA tung vào miền bắc Việt Nam.
Ảnh 3: Truyền đơn gửi kèm theo máy thu thanh tâm lý chiến hướng dẫn cách sử dụng.
Ảnh 4: Các đài thu thanh tâm lý chiến được ngụy trang giống như những hộp đựng xà phòng thơm.
Ảnh 5: Xuồng cao tốc PTF-4 được biệt kích Mỹ-ngụy sử dụng để bắt cóc cán bộ và ngư dân miền Bắc.
Ảnh 6: Giấy thông hành giành cho các phần tử “Hồi chánh chính quyền Việt Nam Cộng hòa”

Nhận xét