Chủ động đấu tranh, nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục trong đấu tranh lý luận hiện nay là một trong những yêu vầu của đấu tranh lý luận




Tác giả: Vĩnh Chân
Đấu tranh lý luận là một nội dung, một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, chịu sự quy định và phải phục tùng cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc ấy; đồng thời đấu tranh giai cấp, dân tộc còn đặt ra cho cuộc đấu tranh lý luận những yêu cầu, nội dung mới. Đấu tranh lý luận luôn là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình phát triển của cách mạng nước ta. Đó là hoạt động có tổ chức, mang tính tích cực, chủ động. Một trong những yêu cầu của đấu tranh lý luận là chủ động đấu tranh, nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục trong đấu tranh lý luận hiện nay.
Thực tiễn thời gian qua, chúng ta có lúc còn chưa phê phán mạnh và chưa đấu tranh kiên quyết chống những quan điểm lý luận mơ hồ, sai trái. Trong bối cảnh mới của sự mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, vấn đề đấu tranh chống các quan điểm lý luận sai trái, thù địch càng trở nên hết sức phức tạp. Tính phức tạp của vấn đề phản ánh cụ thể ở những nội dung của các quan điểm lý luận sai trái, thù địch, ở thái độ của chúng ta đối với cuộc đấu tranh. Trong khi đó, công tác lý luận của chúng ta còn có những bất cập, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao, phương pháp chưa linh hoạt, chưa tạo được sự thống nhất cao và thông suốt …
Cần tỉnh táo, phân biệt rõ đâu là những nhận thức không đúng, không đầy đủ mà sinh ra các quan điểm lý luận sai trái, đâu là sự cố tình chống phá, là thủ đoạn của bọn cơ hội chính trị; đâu là sự thiếu hụt về lý luận, là yếu kém, khuyết điểm và hạn chế của chúng ta. Tuy đây là vấn đề rất phức tạp, nhưng nếu không phân định rõ, chúng ta khó có thể có biện pháp “đánh đúng”, “đánh trúng” đối tượng, và cuộc Đấu tranh lý luận của chúng ta không thể đạt được hiệu quả thực tế. Phát huy vai trò của các cơ quan nghiên cứu, các học viện, nhà trường, các cơ quan báo chí trong nghiên cứu, tuyên truyền khẳng định tính cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chú trọng vào những vấn đề lý luận nguyên tắc, nhạy cảm; đấu tranh sắc bén phê phán, bác bỏ những quan điểm lý luận sai trái, thù địch, vạch rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng và công tác lý luận, “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận”[1]. Cần làm cho tư tưởng mang tính lý luận hơn nữa; lý luận phải thể hiện rõ hơn nữa tính tư tưởng. Công tác tư tưởng sẽ kém hiệu quả, tính chiến đấu sẽ không cao, nếu như những nội dung mà công tác này đấu tranh, truyền tải đến con người lại không được luận giải một cách thuyết phục, có cơ sở khoa học. Công tác lý luận sẽ kém giá trị, thậm chí có hại nếu như nó không rõ phương hướng tư tưởng. Công tác lý luận trong bất kỳ trường hợp nào cũng đều là sự phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc và là một lĩnh vực của cuộc đấu tranh ấy. Sự gắn kết giữa tư tưởng và lý luận trong cùng một công tác, cùng một mặt trận là sự gắn kết hai mặt của một vấn đề trong đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, trong đấu tranh lý luận, cần phải được nhận thức đúng và thực hiện tốt trong quá trình đấu tranh.



[1] Đảng Cộng sản Việt NamVăn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 255

Nhận xét