VOA, RFA cần xem xét lại những việc làm của mình


TƯ NGUYÊN
Ngày 20-3-2019, VOA đăng bản tin “TT Trump đề xuất đóng cửa ba ban Đài Âu châu tự do/Radio Liberty”, với nội dung cho biết: Chính quyền của Tổng thống Donald Trump vừa đệ trình dự thảo xin cấp ngân sách năm 2020 đề xuất cắt giảm 22% mức chi cho các chương trình phát thanh và truyền hình ra nước ngoài, đồng thời dự tính đóng cửa ba ban ngôn ngữ của RFE/RL (Radio Free Europe/Radio Liberty).
Theo dự thảo, ngân quỹ dành cho RFE/RL sẽ bị cắt giảm từ 124 triệu USD vào năm 2019 xuống còn 87 triệu USD vào năm 2020. Dự kiến quyết định này sẽ kéo theo các biện pháp giảm chi sâu rộng, gồm đề xuất đóng cửa các ban tiếng Georgia, Tatar-Bashkir, Bắc Kavkaz trong năm tài chính tới. RFE/RL cũng sẽ đóng cửa ban tiếng Balkan khi đình chỉ hoạt động của các ban ngôn ngữ Montenegro, Macedonia. VOARFA và các đài khác nằm dưới sự quản lý của Cơ quan Truyền thông toàn cầu Mỹ (USAGM) cũng bị đề xuất cắt giảm ngân quỹ đáng kể trong dự thảo ngân sách năm 2020!
Dù dự thảo trên bị phản đối và có thể không được Quốc hội Mỹ thông qua thì cũng là dấu hiệu cho thấy, Chính phủ Mỹ đương nhiệm đã nhận ra hoạt động không bình thường, gây tốn kém ngân sách của VOA (Đài tiếng nói Mỹ), RFA (Đài châu Á tự do), RFE/RL (Đài châu Âu tự do/Đài tự do), và đề xuất cắt giảm ngân sách hoạt động. Thí dụ với Việt Nam, trong khi năm 2016 Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Mỹ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống B. Obama khẳng định việc “tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước”, và Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện giữa Việt Nam - Mỹ nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định việc “tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của nhau”, thì VOA, RFA lại là hai địa chỉ rất nhiều năm nay đứng đầu danh sách các cơ quan truyền thông liên tục xuyên tạc, vu cáo, vu khống Việt Nam. Có thể nói chưa bao giờ VOARFA đề cập các thành tựu kinh tế, xã hội, văn hóa của Việt Nam, hầu như không thể tìm thấy trên VOA, RFA thông tin, nhận định tích cực về Việt Nam; ngay cả sự kiện, vấn đề được nhân dân Việt Nam ủng hộ, được dư luận thế giới đánh giá cao thì hai cơ quan truyền thông này cũng tiếp cận từ góc độ tiêu cực và thiên kiến để bịa đặt, vu khống, tạo diễn đàn để một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam lu loa, xuyên tạc bản chất sự kiện, vấn đề.
Thế nên, đã đến lúc VOA, RFA cần xem xét việc làm của họ đối với Việt Nam để điều chỉnh cách thức truyền thông phù hợp quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam, phù hợp đạo đức người làm báo. Bởi, dẫu thiếu thiện chí với Việt Nam, ngay cả BBC vẫn phải đề cập thông tin tích cực về nhân quyền, như ngày 21-3-2019 vừa qua, BBC công bố điều Đại sứ B. Angelet, Trưởng Đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn của BBC đã nhận xét ở Việt Nam: “Con người có nhiều tự do hơn và có điều kiện vật chất hơn để tính cho tương lai. Con người cũng có tổ chức hơn, có kinh nghiệm bên ngoài hơn và biết đòi hỏi các dịch vụ tốt hơn từ nhà nước. Đây là những thay đổi lớn chúng ta có thể nhìn thấy ở Việt Nam hiện nay, và tôi rất ấn tượng với sự phát triển này”.

Nhận xét