Đoàn kết thống nhất trong Đảng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh


Trong di sản của Bác, vấn đề xây dựng và giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng cho mọi thành công. Đoàn kết thống nhất là sinh mệnh của Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng. Do đó, việc khai thác di sản quý báu của Bác chính là việc tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng là nhân lên sức mạnh của Đảng. 

1.Trong Di chúc, Bác chỉ rõ: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Đoàn kết thống nhất trong Đảng không chỉ là mối quan tâm hàng đầu mà còn là trăn trở khi Bác dự liệu về mai sau.
Trong nhiều kỳ đại hội Đảng, vấn đề đoàn kết thống nhất đều được đặt ra xem xét nghiêm túc, đánh giá toàn diện, sâu sắc. Tại Đại hội VI của Đảng, một trong 4 bài học về xây dựng Đảng mà Đại hội rút ra là: Tăng cường sự đoàn kết nhất trí, sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng. Đại hội VIII của Đảng chỉ rõ: Đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết là ở cơ quan lãnh đạo, có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng. Cán bộ, đảng viên giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức và tình yêu thương đồng chí. Đại hội IX của Đảng nêu yêu cầu cụ thể: Từng đảng bộ giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong tập thể lãnh đạo. Đối với những cấp ủy, tổ chức đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, cán bộ lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, kéo bè kéo cánh gây mất đoàn kết nội bộ, cấp ủy cấp trên phải chỉ đạo kiểm điểm làm rõ đúng sai, xử lý nghiêm những người có khuyết điểm.
Hiện nay không ít cán bộ, đảng viên nói nhưng không làm. Miệng nói dân chủ nhưng làm thì quan chủ. Miệng nói phục vụ lợi ích Tổ quốc, lợi ích của nhân dân, nhưng lại vun vén cá nhân. Kết bè kéo cánh chia sẻ tài nguyên, tài sản của đất nước, của nhân dân gây mất đoàn kết trong Đảng, bất bình trong nhân dân.
2. Nhận diện những nhân tố gây mất đoàn kết thống nhất trong Đảng
Một là, xuyên tạc, bóp méo Chủ nghĩa Mác-Lênin, cho rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời. Khi Liên Xô sụp đổ các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thừa cơ dấn tới xuyên tạc, chống phá bằng nhiều thủ đoạn: tuyên truyền quan điểm sai trái trên hệ thống truyền thông, mạng xã hội,  văn hóa phẩm, lan truyền rỉ tai lung lạc ý chí của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tổ chức lực lượng chống Đảng… Trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên không ít người bi quan, dao động, nghi ngờ, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu là do sai lầm của Chủ nghĩa Mác-Lênin và CNXH là viển vông, không tưởng. Thậm chí có người còn hối tiếc về một thời đã tin theo Chủ nghĩa Mác-Lênin. Họ cho rằng chúng ta đã chọn sai đường, cần phải đi con đường khác. Sự phai nhạt lý tưởng dẫn đến “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” có nguy cơ đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Hai là, phá hoại nguyên tắc tổ chức của Đảng, họ cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ là độc đoán, chuyên quyền, gây phe phái tranh giành quyền lực. Trước, trong mỗi kỳ đại hội của Đảng, các thế lực thù địch tận dụng mọi khả năng, điều kiện, hình thức để công kích các hoạt động của các tổ chức và xuyên tạc văn kiện của các đại hội… Họ không từ mọi thủ đoạn bôi nhọ, nói xấu, chỉ trích cán bộ của Đảng, Nhà nước gây hoài nghi, thiếu tin tưởng, chia rẽ đội ngũ cán bộ, tổ chức đảng với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.
Ba là, khai thác, lợi dụng những người bất mãn, thoái hóa biến chất để tuyên truyền, kích động tâm lý, khuyếch trương những khuyết điểm trong quá trình hoạt động của Đảng. Tôn sùng những người bị khai trừ ra khỏi Đảng vì không còn tư cách đảng viên. Đặc biệt tác hại khi những đảng viên bị khai trừ là những người đã giữ các trọng trách trong Đảng, Nhà nước. Một số người khi được các trang mạng tán dương dưới những mỹ danh “nhà yêu nước”, “nhà dân chủ ” không biết mình đang bị lợi dụng.
Bốn là, trong nội bộ Đảng, một số nơi không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, buông lỏng việc tổ chức sinh họat, buông lỏng quản lý đảng viên. Không tự phê bình và phê bình nghiêm túc, bình xét phân loại đảng viên qua loa, đại khái, dễ người, dễ ta. Ý thức chấp hành kỷ luật thấp nên có nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật dẫn đến nguy cơ mất đoàn kết trong Đảng, vi phạm kỷ cương phép nước.
Năm là, việc tổ chức học tập các nội dung về xây dựng Đảng, học tập nghị quyết chưa được chú trọng. Việc học nghị quyết ở cấp cơ sở đã chậm lại đại khái qua loa, không tập trung những vấn đề đường lối, chủ trương, quan điểm và những nhiệm vụ cụ thể của các cấp, của từng đảng viên, ảnh hưởng đến sự nhận thức, thống nhất hành động.
Sáu là, chủ nghĩa cá nhân phá hoại đoàn kết trong Đảng. Bác Hồ khẳng định do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm như ngại khó, ngại khổ, tham ô, tham nhũng, kết bè kéo cánh, lợi ích nhóm, lãng phí xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, chạy chức, chạy quyền, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xa rời nhân dân, độc đoán chuyên quyền. Không chịu học tập, thiếu ý chí vươn lên. Thiếu tính tổ chức kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đó là những nguyên nhân gây mất đoàn kết thống nhất trong Đảng, làm mất uy tín, làm hại lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

3. Tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng. Trước lúc đi xa, Bác mong muốn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới cần tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bằng những giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, đấu tranh bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, quan điểm, Điều lệ của Đảng. Đây là cơ sở tạo sự thống nhất về tư tưởng, tổ chức, từ đó thống nhất về hành động của toàn Đảng. Do sự chuyển biến nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghệ trong xã hội thông tin, mọi đảng viên phải tích cực học tập, cập nhật thông tin, nắm vững đường lối của Đảng.
Hai là, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Dân chủ là một điều kiện quan trọng để có đường lối, nghị quyết đúng. Đó là phương pháp căn bản khắc phục những bất đồng về tư tưởng. Dân chủ rộng rãi không tách rời tập trung nghiêm ngặt. Tập trung bảo đảm thống nhất về ý chí và hành động, bảo đảm cho kỷ luật Đảng được chấp hành triệt để.
Ba là, để giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, theo Bác Hồ “…Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Sau nhiều lần bổ sung Bác đã viết thêm 9 âm tiết này vào Di chúc làm sáng rõ tâm trong sáng, bao dung của Bác đối với mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên. Bác phê phán thái độ lệch lạc, sai trái, thường xảy ra trong tự phê bình và phê bình như thiếu trung thực, che giấu khuyết điểm, sợ phê bình, không dám phê bình, nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý hoặc ngược lại, lợi dụng phê bình để nói xấu, bôi nhọ, vùi dập, đả kích người khác. Người cán bộ đảng viên trước hết phải có tâm trong sáng, có văn hóa, khiêm tốn, cầu thị, khoan dung, độ lượng, bình tĩnh trong xử sự công việc, ân tình trong ứng xử, vì sự tiến bộ của mỗi người và cộng đồng. Tình thương yêu, tôn trọng nhau, tôn vinh những thành công, những mặt tích cực của người khác là chìa khóa để phát huy dân chủ rộng rãi, nguyên tắc tập trung dân chủ được đề cao, kỷ cương, kỷ luật được thực hiện tốt nhất.

Bốn là, thường xuyên thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Cán bộ càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật do quần chúng nhân dân và truyền thông phát hiện không phải do tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng. Điều đó cho thấy tinh thần đấu tranh, thái độ phê bình tự phê bình của cán bộ, đảng viên chưa cao. Cần nhận thức đúng đắn, thực hành quyết liệt, nâng cao hiệu quả phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm, rà soát sàng lọc đảng viên theo Chỉ thị 28 ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Đồng thời nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Năm là, kiên quyết chống bệnh quan liêu, độc đoán, chuyên quyền. Cần thật sự sát dân, gần dân, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đảng cầm quyền nhưng nhân dân là chủ. Đảng lấy dân làm gốc. Chính gốc này đem lại nguồn sinh lực vô tận cho Đảng. Đảng phải thường xuyên chăm lo, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Mọi biểu hiện của bênh quan liêu, xa dân đều làm suy yếu Đảng, không còn là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thực hiện Di chúc của Bác:“Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” là trách nhiệm của mỗi đảng viên và cơ quan lãnh đạo của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay chúng ta cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng, xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường, nhân dân ấm no, hạnh phúc. 

Trần Công Huyền

Nhận xét