Tiên Phong
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của một người cộng sản mẫu mực, kiên định trên lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa quốc tế chân chính của giai cấp công nhân cách mạng. Đó là đạo đức của người chiến sĩ suốt đời đấu tranh, dâng hiến cả cuộc đời và sự nghiệp của mình cho lý tưởng và mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Do đó, đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, đạo đức hành động vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Khi trả lời một nhà báo nước ngoài về điều quan tâm lớn nhất của mình trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Hồ Chí Minh đã nói: độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho đồng bào. Đó là tất cả những gì Người mong muốn và hiểu biết. Với Hồ Chí Minh, đó chính là điều ham muốn, ham muốn tột bậc của mình, sao cho nước nhà được độc lập, nhân dân có tự do, có cơm ăn, áo mặc, được học hành, được sống một cuộc sống hạnh phúc. Ở đây, cái cụ thể, thiết thực và giản dị nhất mang hình ảnh biểu đạt cái lớn lao, cái vô giá, sâu xa nhất của cuộc sống con người, của sự phát triển và hoàn thiện nhân tính trong đời sống dân tộc và xã hội. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, đó là hệ giá trị chủ đạo của mục tiêu Giải phóng và Phát triển. Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội là con đường lớn lao của lịch sử mà thời đại mới đã vạch ra, là quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam mà Hồ Chí Minh đã nhận thức được và dẫn dắt toàn dân tộc đi tới. Với hệ giá trị mục tiêu và phương thức thực hiện mục tiêu đó, Hồ Chí Minh đã đưa cách mạng Việt Nam đi vào quỹ đạo cách mạng của thời đại và sự phát triển của dân tộc Việt Nam hợp với trào lưu, xu thế của thế giới hiện đại. Thực hiện một đường lối chính trị lớn như vậy đòi hỏi Đảng cách mạng, người cách mạng phải có trí tuệ lớn và đạo đức lớn. "Đường Cách mệnh"(1927) của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ngay từ khi Đảng chưa ra đời đã nói tới hai điều hệ trọng: "phải giữ chủ nghĩa cho vững'' và "ít lòng ham muốn về vật chất''. Suy đến cùng, đây là chỗ cao sâu nhất mà cũng là thử thách khó khăn nhất của đời người. Thời gian càng lùi xa, lịch sử càng chất chứa những biến cố thăng trầm, phong trào Cách mạng càng phát triển thì dự cảm nêu trên của Người chứng tỏ rõ tính đúng đắn và sáng suốt biết bao. Đó là tính đúng đắn của chân lý và sự sáng suốt của lịch sử.
Đạo đức cách mạng, đạo đức hành động Hồ Chí Minh là cả một hệ thống lý thuyết tư tưởng phong phú và tinh tế, nổi bật các đức tính, chuẩn mực, các nguyên tắc ứng xử, lại được diễn tả cô đọng hàm xúc trong hình thức tối thiểu của ngôn từ. Đó là "Cần, kiệm, liêm, chính" - bốn đức tính để làm người mà thiếu một đức thì không thành người, có đủ cả bốn đức mới là người hoàn toàn. Trong thời kỳ phát triển mới hiện nay của cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã xác định: Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho văn hoá trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Bất cứ một lĩnh vực nào của đời sống xã hội, bất cứ một hoạt động nào của tổ chức và cá nhân một người, đạo đức cũng thể hiện vai trò quan trọng của nó.Thiếu vắng hoặc yếu kém về đạo đức, con người không có nhân tính đầy đủ, không phát triển được nhân tính để thành người và làm người.
Nhận xét
Đăng nhận xét