PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM “Ở VIỆT NAM KHÔNG CÓ CƠ CHẾ ĐỂ DÂN BIẾT, DÂN BÀN, DÂN LÀM VÀ DÂN KIỂM TRA”




                               HB   
Có thể khẳng định ở Việt Nam, trong mỗi cơ quan, tổ chức đều xác định, xác lập cơ chế cho mọi thành viên đều có thể “biết”, “bàn”, “làm”, “kiểm tra” các hoạt động của tổ chức mình và hoạt động chung của Nhà nước. Cụ thể:
Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và các văn bản khác đã có những quy định để Nhân dân tham gia vào các công việc của Đảng như:
- Đảng viên và các tổ chức đảng phải liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân; dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng.
- Nhân dân có thể gia nhập tổ chức Đảng: công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn theo quy định, trong đó có tiêu chuẩn được quần chúng tín nhiệm đều có thể được kết nạp vào Đảng. Các tổ chức đoàn thanh niên, công đoàn có quyền giới thiệu đoàn viên của mình vào Đảng. Các tổ chức đoàn thể khác nơi người vào Đảng sinh hoạt được có ý kiến nhận xét về họ trước khi chi bộ xét và đề nghị kết nạp. Một trong các tiêu chuẩn của cấp ủy viên là phải được quần chúng tín nhiệm.
- Luật Khiếu nại, tố cáo quy định cho phép Nhân dân có quyền tố cáo những tổ chức Đảng, đảng viên có sai phạm…
Hai là, Nhân dân thực sự có quyền quyết định mọi vấn đề quan trọng của đất nước thông qua Nhà nước, thể hiện qua các hoạt động cơ bản sau:
-  Điều 6, Hiến pháp nước ta quy định: “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, do Nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”. Điều đó cho thấy Nhân dân là người trực tiếp được bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân; cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và địa phương, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước.
- Điều 8, Hiến pháp quy định: “Cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng”. Theo đó, Nhân dân có quyền giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thậm chí có thể khiếu nại, tố cáo, hay kiện một hành vi vi phạm nào đó của cán bộ Nhà nước khi vi phạm, như tố cáo cán bộ tham ô, khiếu nại việc bị trù dập, v.v..
Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ của công dân, tăng cường mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Cụ thể
- Điều 9 Hiến pháp quy định “…tham gia xây dựng và củng cố chính quyền Nhân dân, cùng Nhân dân chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân…, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ viên chức Nhà nước”.
- Điều 11, Hiến pháp quy định: “Công dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở bằng cách tham gia công việc của Nhà nước và xã hội…”. Có nghĩa là, công dân dù không có trong tổ chức nào cũng có thể có ý kiến tác động vào Nhà nước.
Những phân tích trên cho thấy, Nhà nước ta đã tạo ra những cơ sở, điều kiện để Nhân dân nước ta được hoàn toàn làm chủ và kiểm soát mọi quyền lực trong Nhà nước, xã hội. Đảng và Nhà nước ta luôn có ý thức khắc phục những trở ngại làm hạn chế quyền dân chủ của Nhân dân với chủ trương không ngừng mở rộng dân chủ ở nước ta, nâng cao mức độ giải phóng cho người lao động.

Nhận xét