HOẠT ĐỘNG CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC PHẢN ĐỘNG Ở KHU VỰC TÂY NGUYÊN

TM
          Khu vực Tây Nguyên nằm ở phía Tây Việt Nam, gồm các tỉnh: Kon Tum (có chung đường biên giới với Lào và Cămpuchia), Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông (có chung đường biên giới với Cămpuchia) và Lâm Đồng. Đây là khu vực quần cư quan trọng của các dân tộc thiểu số Việt Nam, cũng là nơi giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc, như: Kinh, Xu Đăng, Tày, Ê Đê, Mông, Mạ, Ba Na, Gia Rai, Mơ Nông... Khu vực này có diện tích chiếm 18% so với tổng diện tích toàn quốc, dân số năm triệu người, trong đó có 600.000 người dân tộc thiểu số, chiếm 6% tổng dân số toàn quốc.
          Năm 1884, khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách “người Thượng tự trị” tại vùng Tây Nguyên, cố tình tách rời mối quan hệ giữa người dân tộc thiểu số với người Kinh ở Tây Nguyên, khiến cho Tây Nguyên bắt đầu xuất hiện phong trào ly khai dân tộc. Sau năm 1954, Mỹ thay thế Pháp khống chế miền Nam Việt Nam, giúp đỡ chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Năm 1958, dưới sự giật dây của người Pháp, ở Tây Nguyên đã nổ ra phong trào “Bajaraka” của người Thượng để phản đối chính quyền họ Ngô, yêu cầu tự trị dân tộc; phong trào này đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man. Nhưng để kiềm chế Ngô Đình Diệm, Mỹ đã bí mật thả các thành viên của phong trào “Bajaraka” bị bắt và giúp họ lập lại tổ chức FULRO với ý đồ đòi tự trị, ly khai sang mục tiêu đòi xây dựng “Nhà nước tự trị Đề ga” độc lập.
          Sau năm 1975, Tổ quốc thống nhất, công cuộc xây dựng đất nước được triển khai mạnh mẽ, tình trạng di dân giữa hai miền Nam, Bắc diễn ra khá mạnh, nhất là di dân đến các vùng dân cư thưa thớt, đi xây dựng vùng kinh tế mới… Lợi dụng tình hình chưa ổn định sau giải phóng, Mỹ tiếp tục hỗ trợ các tổ chức FULRO lưu vong ở Mỹ xây dựng các căn cứ tại Mỹ, Thái Lan, Cămpuchia…, tổ chức thâm nhập vào các tỉnh Tây Nguyên. Thông qua các Tổ chức phi chính phủ (NGO) và người nước ngoài, hỗ trợ hoạt động truyền đạo Tin Lành để lôi kéo và sử dụng nhà thờ, nhà nguyện làm hệ thống chỉ huy thông tin nhằm chỉ đạo hoạt động chống phá. Nhiều đối tượng cầm đầu đạo Tin Lành đã lợi dụng hoạt động truyền đạo để móc nối, liên kết với FULRO, ngụy quân, ngụy quyền cũ và kích động chia rẽ người Kinh với người Thượng, kích động đòi phục hồi các “Chi hội tự trị” của đạo Tin Lành, đòi “tự trị, ly khai” cho Tây Nguyên…
          Nguồn gốc trực tiếp sự ra đời của ''Nhà nước tự trị Đề ga" độc lập chính là từ ''Hội những người Thượng'' (thành lập năm 1992) của Kso Kơc. Tháng 6 năm 1999, Kso Kơc cùng một số tên cầm đầu trong tổ chức ''Hội những người Thượng'' sang Pháp, gặp những người Pháp nghiên cứu lịch sử Việt Nam để tìm kiếm những ''sắc lệnh'' trước đây liên quan đến người Thượng, nhằm phục vụ ý đồ thành lập ''Nhà nước tự trị Đề ga'' độc lập ở Tây Nguyên. Cuối năm 1999, Kso Kơc chính thức thành lập ra cái gọi là ''Nhà nước tự trị Đề ga" độc lập lưu vong tại Mỹ; với mục tiêu ''đấu tranh đòi lại đất nước Đề ga Tây Nguyên"; thủ đoạn của chúng là: "đấu tranh chính trị bên ngoài để quốc tế thừa nhận, giúp đỡ; kết hợp tuyên truyền tác động vào trong nước; từng bước chuyển hoá thành đấu tranh vũ trang để công khai hoá, hợp pháp hoá Nhà nước tự trị Đề ga độc lập ở Tây Nguyên". Phương châm thực hiện của chúng là: "từng bước đòi đất đai, đòi tự do tôn giáo, tách đạo Tin Lành người Thượng ra khỏi đạo Tin Lành người Kinh, lập tổ chức đạo Tin lành Đề ga, tiến tới đòi dân tộc tự trị, thành lập "Nhà nước tự trị Đề ga" độc lập tại Tây Nguyên"...
          Lợi dụng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, bọn cầm đầu ''Nhà nước tự trị Đề ga" độc lập đã thành lập tổ chức ''Tin Lành Đề ga'' làm chiêu bài tập hợp lực lượng, xây dựng cơ sở chính trị để tuyên truyền cho “Nhà nước tự trị Đề ga'' độc lập; biến sinh hoạt ''Tin Lành Đề ga'' thành các cuộc tập dượt lực lượng và hoạt động chống phá chính quyền. Trong cuộc bạo loạn chính trị tháng 2 năm 2001 ở Tây Nguyên, “Tin lành Đề ga'' là lực lượng chủ yếu, chiếm gần 80% số người trực tiếp tham gia bạo loạn. Được sự hỗ trợ, chỉ đạo từ bên ngoài, bọn phản động FULRO, “Tin Lành Đề ga” đã kích động, lôi kéo, cưỡng ép hàng chục nghìn người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên tham gia vào hai cuộc bạo loạn chính trị vào tháng 02 năm 2001 và tháng 4 năm 2004 ở các tỉnh Tây Nguyên khiến Nhà nước phải vào cuộc, giải tán các cuộc bạo loạn chính trị trong hòa bình.
          Qua đánh giá tình hình cho thấy, tàn quân FULRO vẫn được các thế lực thù địch hỗ trợ, nuôi dưỡng, chỉ đạo; chúng móc nối, liên kết với ngụy quân, ngụy quyền cũ, kích động chia rẽ đoàn kết dân tộc (Kinh - Thượng), kích động, cổ vũ phong trào “đấu tranh đòi đất” và “ly khai, tự trị” ở Tây Nguyên, nhằm gây khó khăn phức tạp cho chính quyền và tạo cớ để các thế lực thù địch bên ngoài can thiệp. Thời gian gần đây, các thế lực thù địch và các lực lượng còn đội lốt tổ chức xã hội hoạt động tại Việt Nam, phối hợp để triển khai “Chương trình ứng cứu mới” cho người Thượng Tây Nguyên thông qua các NGO, tổ chức FULRO và “Tin Lành Đề ga” tại địa bàn Tây Nguyên. Triệt để lợi dụng vấn đề người Thượng trong, ngoài nước để xây dựng “ngọn cờ” kể cả ở Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ, nhằm tập hợp tín đồ Tin Lành người dân tộc thiểu số; cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh đòi ly khai, tự trị. Hiện nay, chúng vẫn kích động người dân tộc thiểu số chặt phá rừng, khiếu kiện, tranh chấp đất đai, tạo điểm “nóng”, qua đó xuyên tạc tình hình, vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo, phân biệt đối xử người dân tộc thiểu số, tạo cớ can thiệp vào nội bộ Việt Nam.
Những dấu hiệu trên cho thấy, mặc dù hiệu quả chính sách của Đảng và Nhà nước ở các vùng trọng điểm như Tây Nguyên là rất cao, được sự đồng tình của tất cả các dân tộc sinh sống trên địa bàn, nhưng các thế lực phản động trong và ngoài nước vẫn không từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá nước ta, nhất là chính sách kích động ly khai, “chia để trị” của chúng. Trong bối cảnh phong trào đòi ly khai trong khu vực và thế giới lại “nở rộ” như vừa qua thì việc tìm các giải pháp có hiệu quả để triệt tiêu các mầm mống có thể hồi phục và nảy sinh những nhân tố ly khai dưới bất kỳ loại hình, màu sắc nào là hết sức cần thiết và cấp bách trong tình hình hiện nay.



















Nhận xét