TÍCH CŨ, CHUYỆN NAY

Xưa có Ông Tăng Sâm[1] ở đất Phi. Ở đấy có kẻ trùng tên với ông giết chết người.
Một người hớt hải chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi.
Một lúc, lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi.
Một lúc nữa lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn. (“Tăng Sâm giết người” trích trong sách: Cổ học tinh hoa).
Nay: Để công kích, phủ nhận thành tựu và sự lãnh đạo của Đảng, bôi nhọ uy tín cá nhân của các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng, các thế lực thù địch đã triệt để sử dụng tích xưa “Tăng Sâm giết người”, tung hàng loạt các bài viết đủ thể loại trên các trang mạng xã hội như: facebook, google+, v.v.. Nội dung của các bài viết đã thô bỉ nào nhặn các số liệu, các thông tin kết hợp một phần thật, chín, mười phần giả nhằm tạo dựng nên những hình ảnh xấu về cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; tung những thông tin kích động, gây chia rẽ nội bộ. Lợi dụng mạng xã hội ảo để lập nhiều tài khoản, chia sẻ trên các diễn đàn, các nhóm với nhiều tít giật gân để thu hút người đọc. Những thông tin đó với những người có trình độ nhận thức, có bản lĩnh vững vàng, thì đó chỉ là thứ rác rưởi. Song đáng tiếc một bộ phận cán bộ, nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, thiếu bản lĩnh, rồi vì sự tò mò cá nhân, sự sĩ diện về công nghệ, địa vị đã chia sẻ, ấn like, rồi úp mở trong các câu chuyện phiếm. Từ đó vô hình dung tạo thành hiệu ứng lan rộng với tần suất dày đặc, khiến cho niềm tin và những thành tựu 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng bị hiểu sai lệch.
Lời bàn: Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo, bà mẹ vốn là người trung tín, một lòng một dạ tin con. Đột nhiên có kẻ bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không tin, người thứ hai bảo, còn chưa tin; đến người thứ ba bảo, thì cuống cuồng chạy trốn. Tích xưa, chuyện nay cho thấy sức mạnh của dư luận thật đáng gờm. Những gì Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tạo dựng là hiện hữu ai cũng thấy, song để tránh bị hiểu xuyên tạc, đòi hỏi mỗi người dân cần có cái nhìn khách quan, chính xác, toàn diện, luôn tự phản biện lại trước các thông tin tiêu cực, thiếu sự kiểm chứng; tránh chia sẻ, like, comment một cách bừa bãi vô hình dung tiếp tay cho các thế lực thù địch. Thực sự trở thành người khai thác, thu nhận và sử dụng thông tin một cách thông thái. Các thông tin cần có chứng minh rõ ràng mười phần chắc chắn, thì mới nên công nhận. Các cơ quan chức năng, cũng cần chủ động cung cấp thông tin kịp thời chính xác, và phản hồi thuyết phục, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, vạch mặt, chỉ tên những luận điểm, tư tưởng, những tài khoản tiêu cực, phản động để người dân nắm rõ. Có như vậy thì dù các thế lực thù địch có sử dụng chiêu trò mánh khóe đến đâu cũng không lay chuyển được lòng dân với Đảng. Mọi người, mọi nhà vượt ra được ngoài vòng dư luận, giữ vững được bụng như cây giữa rừng, như kiềng ba chân./.

Hồng Quân

[1] Tăng Sâm: người thời Xuân Thu, tính tình chân thật và rất có hiếu, là một trong những học trò xuất sắc của Khổng Tử.

Nhận xét