SỰ THẬT VỀ CÁI GỌI LÀ “THƯ NGỎ” CỦA NHỮNG “ĐẢNG VIÊN TRUNG THÀNH”

          Trước thềm Đại hội lần thứ XII của Đảng, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và những phần tử bất mãn lại ráo riết tăng cường chống phá cách mạng nước ta bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, trá hình. Cùng với các hoạt động phá hoại vào nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước trên các phương diện khác, chúng ra sức sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet, các blog để chuyển tải thông tin, quan điểm sai trái, thù địch và móc nối, tổ chức lực lượng chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
          Đặc biệt, gần đây trên một số trang mạng xã hội, một số cá nhân tự xưng danh mình là “đảng viên trung thành” của Đảng đã viết và phát tán trên mạng internet “Thư ngỏ” với những nội dung và hình thức khác nhau. Song, tựu chung lại những cá nhân tự xưng danh này, đều hợp xướng bản đồng ca sặc mùi phản động. Họ cho rằng: “Công cuộc đổi mới ở Việt Nam gần 30 năm không có gì khởi sắc….vẫn giữ nguyên thể chế độc Đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc”. Vì vậy, họ “kiến nghị” chúng ta phải thay đổi Cương lĩnh của Đảng, từ bỏ đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ, đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập v.v..
          Luận điểm của một số cá nhân tự xưng danh mình là “đảng viên trung thành” ở trên, xét ở 2 phương diện cả về lý luận và thực tiễn, đều nồng nặc mùi của những kẻ thù địch, cơ hội chính trị và bất mãn xã hội, chứ đâu phải là những kiến nghị tâm huyết của những đảng viên trung thành của Đảng. Bởi, những kiến nghị trong “Thư ngỏ” mà một số người tự nhận mình là “đảng viên trung thành” đưa ra, thực chất là những luận điệu xuyên tạc, vu cáo với ý đồ, dã tâm nham hiểm, đầy ác ý đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn từ những năm 1930.
          Đồng thời, những luận điệu trong kiến nghị thể hiện sự cố tình xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả 30 năm đổi mới đất nước. Sự thật hiển nhiên không ai có thể phủ nhận, đổi trắng thay đen được, đó là công cuộc đổi mới toàn diện đất nước ở Việt Nam do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo suốt 30 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Vị thế của nước ta ngày càng được nâng cao, đời sống và an sinh xã hội của hơn 90 triệu người dân Việt Nam cơ bản được đảm bảo và ngày càng được cải thiện. Giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường, độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, hòa bình, ổn định được giữ vững. Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy v.v..
          Song, chúng ta cũng không phủ nhận, trong nhiều năm qua, xã hội ta vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề kinh tế, xã hội chưa được giải quyết như xu hướng phân hóa giàu - nghèo chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, công nhân ở một số khu công nghiệp còn nhiều khó khăn; tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên các cấp dẫn đến làm suy giảm lòng tin của nhân dân.
         Đánh giá tổng quát 30 năm đổi mới trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, chỉ rõ: “Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”[1]. Như vậy, chúng ta đã nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, thẳng thắn nhìn nhận những thành tựu và khuyết điểm trong 30 năm đổi mới đất nước, chứ chúng ta đâu có che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích như những ác ý của những kẻ tự cho mình là “đảng viên trung thành” đề cập trong “Thư ngỏ”.
         Sự thật về những “kiến nghị” của những kẻ tự nhận mình là “đảng viên trung thành”, trong “Thư ngỏ”, thực ra là họ đang ngộ nhận hoặc cố tình xuyên tạc lịch sử và thậm chí họ đang làm tôi tớ, tay sai cho những thế lực của các luận thuyết “dân chủ không biên giới”, “nhân quyền cao hơn chủ quyền” để thực hiện “chủ nghĩa can thiệp mới” và sẵn sàng đổi trắng thay đen, can thiệp thô bạo vào nền độc lập, chủ quyền của các quốc gia, dân tộc.
          Trong những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến một số thành công của mô hình “thúc đẩy xã hội dân sự” lật đổ chế độ chính trị ở một số quốc gia Đông Âu, Trung Đông,... bằng các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng hoa”, “cách mạng cam”, “cách mạng đường phố” v.v.. bắt nguồn từ các “xã hội dân sự”. Ở nước ta, các phần tử cơ hội chính trị và những kẻ bất mãn đã lợi dụng quyền tự do, dân chủ để lập ra nhiều hội, nhóm không đúng quy định của pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng, thậm chí trá hình, hoạt động chống Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thử hỏi, nếu họ là những “đảng viên trung thành” thì tại sao có ý kiến khác hoặc trái với đường lối, quan điểm của Đảng lại không trình bày tại các hội nghị nội bộ Chi bộ, Đảng bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng mà lại tùy tiện phát tán tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước một cách vô tổ chức như vậy.
Từ tầng sâu bản chất, nó là một thứ “nấm độc, loại vi rút độc hại” luôn rình rập xâm nhập vào bên trong phá hoại cơ thể sống xã hội. Con đường xâm nhập từ nhận thức đến cảm xúc, tình cảm đến quan điểm, thái độ, động cơ và cuối cùng là hành vi chống phá. Nó làm chệch hướng nhận thức đến nghi ngờ  tiến đến tán dương cho quan điểm ấy và cuối cùng từ “diễn biến” đến “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Ở các nước tư bản chủ nghĩa và nhiều nước chậm phát triển đang thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, nhưng cũng không hoàn toàn theo đúng nghĩa của nó. Về bản chất vẫn là nhất nguyên chính trị tư sản. Dù đảng này hay đảng khác nắm chính quyền cũng thực hiện một mục đích chính trị duy nhất phục cho giai cấp bóc lột. Các Đảng Cộng sản trong thể chế chính trị tư sản cũng không có thế và lực, không thể thể trở thành đảng nắm chính quyền hiện nay. Trong các đảng thuộc đa đảng ở các nước này cũng có những mâu thuẫn, nhưng cũng chỉ là sự “ ăn chia” lợi ích trên lưng người lao động. Các đảng ấy vẫn một sự trung thành với hệ tư tưởng tư sản, nhất nguyên về chính trị. Xét đến cùng, quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập chỉ là giả tạo “trang điểm” cho cái gọi là tự do, dân chủ, nhân quyền. Đối với giai cấp bóc lột không bao giờ thực hiện tự do, dân chủ, nhân quyền cho nhân dân lao động. Như V.I.Lênin nói về dân chủ tư sản “ …nó vẫn chật hẹp, giả dối, lừa bịp, giả mạo, nó luôn là một thứ dân chủ đối với kẻ giàu và một trò bịp bợm đối với  những người nghèo”[2]. Trên thực tế, các nước thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập cũng luôn mất ổn định chính trị, xung đột phe cánh, suy đồi đạo đức, lối sống,v.v. Ngay cả Mỹ được gọi là nước có trình độ văn minh nhất thì cũng là một quốc gia bất bình đẳng, vi phạm nhân quyền, mất tự do, ấp ủ nhiều bất ổn. 
          Nếu ai đó cho rằng, thể chế hiện nay là “độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ, chia rẽ dân tộc” và kiến nghị thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội thì chẳng những họ đã xuyên tạc lịch sử, mà còn là một sai lầm nghiêm trọng về tư tưởng, chính trị. Sự thật ai cũng biết,  sở dĩ Việt Nam trụ vững sau sự kiện sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội cũ ở Đông Âu và Liên Xô, cũng như sự bao vây, cấm vận của Hoa Kỳ. Nhưng nhờ có đường lối chính trị đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đất nước ta trụ vững, đời sống của tuyệt đại đa số nhân dân được cải thiện, độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Về tư tưởng, chính trị, việc một số người kêu gọi thay đổi Cương lĩnh có nghĩa là xóa bỏ mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một xã hội “…Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là xóa bỏ chế độ xã hội do “nhân dân làm chủ” với “Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Hơn nữa, điều này cũng có nghĩa là xóa bỏ cả quyền con người và quyền công dân được Cương lĩnh năm 2011 ghi nhận, đặc biệt được quy định tại Chương II, Hiến pháp năm 2013. Về kinh tế, việc kêu gọi xóa bỏ Cương lĩnh cũng có nghĩa là xóa bỏ: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối...”.
           Những việc làm trên có thể khẳng định rằng, những người tự xưng danh là “đảng viên trung thành” là những kẻ cơ hội chính trị, các việc làm của họ đều hàm chứa ý đồ xấu xa, thâm độc, nhằm kích động những phần tử phản động, bất mãn với Đảng, với Nhà nước, với chế độ xã hội ta; tập hợp, tạo dựng phe cánh, gây “điểm nóng” về xung đột, khi có điều kiện thì tiến hành bạo loạn nhằm gây rối loạn tình hình chính trị, xã hội.
        Chúng ta hiểu rằng, chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” chỉ là một trong những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch đã và đang áp dụng nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì thế, hai trong nhiều vấn đề then chốt của các học thuyết “dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây cần áp dụng đối với Việt Nam” là xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng và vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng Cộng sản. Họ sử dụng chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” nhằm mục đích từng bước phá hoại Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, không thừa nhận chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang đồng tâm gắng sức xây đắp nên. Họ cũng cố tình xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “thiếu nền dân chủ”, “vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, lấy đó làm cớ để tuyên truyền sai lệch, nhằm kích động những phần tử bất mãn, phản động chống đối Đảng, Nhà nước ta, tiến tới phủ nhận con đường, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Niềm Tin

[1] Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, tháng 5/2015, tr.6.
[2] V.I. Lênin Toàn tập, tập 37, Nxb Tiến bộ Mátxcơva, 1977, tr. 123

Nhận xét