Quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập – Một thứ “nấm độc, vi rút độc hại” đối với sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay

Quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập là một nội dung được các thế lực thù địch sử dụng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng, sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay. Quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập được hiểu như một thứ nấm độc, loại vi rút độc hại có thể làm sụp đổ cả một chế độ chính trị, một sự nghiệp cách mạng của một quốc gia, dân tộc. Đối với nước ta, quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập càng được các thế lực thù địch tung hô như một thứ tuyên truyền cho tự do, dân chủ, văn minh,v.v kiểu phương Tây. Nhận diện và chỉ ra tính chất nguy hiểm của quan điểm này để chủ động ngăn chặn, làm vô hiệu hóa sự xâm nhập của nó có ý nghĩa to lớn đối với thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay.
Quan điểm đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập thống nhất trong một chỉnh thể của một lý luận chính trị phản động của các thế lực thù địch. Về mặt hình thức rất dễ làm cho người thiếu hiểu biết bị ngộ nhận. Quan điểm này cũng luôn được những kẻ mất mãn tiếp nhận và thêu dệt về cái hay, cái tiến bộ trong bức tranh mờ ảo, không có tính hiện thực. Về mặt nội dung, từ tầng sâu bản chất, nó là một thứ “nấm độc, loại vi rút độc hại” luôn rình rập xâm nhập vào bên trong phá hoại cơ thể sống xã hội. Con đường xâm nhập từ nhận thức đến cảm xúc, tình cảm đến quan điểm, thái độ, động cơ và cuối cùng là hành vi chống phá. Nó làm chệch hướng nhận thức đến nghi ngờ  tiến đến tán dương cho quan điểm ấy và cuối cùng từ “diễn biến” đến “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Ở các nước tư bản chủ nghĩa và nhiều nước chậm phát triển đang thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, nhưng cũng không hoàn toàn theo đúng nghĩa của nó. Về bản chất vẫn là nhất nguyên chính trị tư sản. Dù đảng này hay đảng khác nắm chính quyền cũng thực hiện một mục đích chính trị duy nhất phục cho giai cấp bóc lột. Các Đảng Cộng sản trong thể chế chính trị tư sản cũng không có thế và lực, không thể thể trở thành đảng nắm chính quyền hiện nay. Trong các đảng thuộc đa đảng ở các nước này cũng có những mâu thuẫn, nhưng cũng chỉ là sự “ ăn chia” lợi ích trên lưng người lao động. Các đảng ấy vẫn một sự trung thành với hệ tư tưởng tư sản, nhất nguyên về chính trị. Xét đến cùng, quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập chỉ là giả tạo “trang điểm” cho cái gọi là tự do, dân chủ, nhân quyền. Đối với giai cấp bóc lột không bao giờ thực hiện tự do, dân chủ, nhân quyền cho nhân dân lao động. Như V.I.Lênin nói về dân chủ tư sản “ …nó vẫn chật hẹp, giả dối, lừa bịp, giả mạo, nó luôn là một thứ dân chủ đối với kẻ giàu và một trò bịp bợm đối với  những người nghèo” [1]. Trên thực tế, các nước thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập cũng luôn mất ổn định chính trị, xung đột phe cánh, suy đồi đạo đức, lối sống,v.v. Ngay cả Mỹ được gọi là nước có trình độ văn minh nhất thì cũng là một quốc gia bất bình đẳng, vi phạm nhân quyền, mất tự do, ấp ủ nhiều bất ổn.  
Quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập là nội dung cốt lõi của hệ tư tưởng tư sản, được che đậy khá tinh vi về những lời lẽ mỹ miều, giả danh nhân đạo, nhân văn, tự do, dân chủ. Việc nhận diện và chỉ ra những cái vô căn cứ, cũng như âm mưu thủ đoạn thâm độc của chúng là rất quan trọng. Về nhận thức, chúng ta nhớ lời dạy của V.I.Lênin: “Chừng nào người ta chưa phân biệt được lợi ích của giai cấp này hay giai cấp khác ẩn đằng sau bất kỳ câu nói, những lời tuyên bố và những lời hứa hẹn có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị và xã hội thì trước sau bao giờ người ta vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị”[2]. Trên cơ sở đó, tự xác định cho mình một tinh thần cảnh giác, một thái độ rất khoát không chấp nhận và vạch rõ tính chất vô căn cứ từ lý luận và thực tiễn, làm vô hiệu hóa sự xâm nhập, chống phá của loại quan điểm này.
Đối với nước ta không có truyền thống về đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Lịch sử dân tộc ta là lịch sử đoàn kết toàn dân tộc trong chống thiên nhiên cũng như chống ngoại xâm. Nhờ lịch sử ấy, dân tộc ta đã vượt qua những bước cam go nhất để chiến thắng các thế lực thù địch và tồn tại, phát triển. Dân tộc ta không cần vay mượn cái lý thuyết mà ngay cả các nước tư bản cũng không thực hiện đầy đủ theo đúng nghĩa của nó. Truyền thống dân tộc là tinh thần tự chủ trong quân điểm, đường lối đối nội và đối ngoại, cho nên cũng không cần phải mượn tay, vay trí tuệ của những kẻ ăn cơm, uống sữa, mặc áo, ôm chân các thế lực thù địch lo lắng cho tương lai dân tộc. Đảng và nhân dân ta tự chủ, độc lập trong quyết định vận mệnh tương lai của mình. Trong đó nhất quán một nguyên tắc là, đoạt tuyệt hoàn toàn với quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; không chấp nhận nội dung, cách thức tự do, dân chủ, nhân quyền,v.v theo kiểu phương Tây. Các thế lực thù địch cũng không đủ tư cách khoa học, pháp lý và cả tình nghĩa đòi hỏi dân tộc ta phải theo cái này hay theo cái khác của chúng. Việc tung hô, tán thưởng quan điểm này chẳng qua chỉ là thiếu hiểu biết về lịch sử dân tộc, về cơ sở pháp lý, về tính chất khoa học. Ở nước ta hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là đại biểu duy nhất đại diện cho địa vị, quyền lợi chân chính nhất của dân tộc, cho nhân dân lao động. Sứ mệnh này là sự lựa chọn của lịch sử, là lịch sử dân tộc trao cho, không phải tùy tiện chủ quan. Sứ mệnh ấy đã có nhiều người Việt Nam yêu nước thực hiện nhưng không thành công vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Riêng hệ tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng Cộng sản Việt Nam làm nền tảng kim chỉ nam và giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác vang dội cả năm châu, bốn biển. Hiện nay, thành tựu của 30 năm đổi mới càng khẳng định chân lý dân tộc ta là nhất nguyên chính trị, một đảng duy nhất lãnh đạo – Đảng Cộng sản Việt Nam.   
Quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập là thuộc chiến tuyến bên kia hệ tư tưởng. Nó đối lập với hệ tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự đối lập này là ở trình độ cao nhất, tính chất một mất một còn, không thể dung hòa, thỏa hiệp. Hệ tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được cụ thể hóa vào điều kiện hiện nay thì nhất nguyên chính trị, một đảng duy nhất lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đối nghịch lại là hệ tư tưởng tư sản với quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Trong đấu tranh tư tưởng, lý luận, V.I. Lênin chỉ rõ: “…làm sáng tỏ sự đối chọi giai cấp, sự phân định ranh giới về mặt tư tưởng”[3]. Sự đối chọi này là từ trong bản chất, cho nên những quan điểm đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở nước ta là sai lầm về mặt khoa học, phản động về chính trị.
Trước sự chống phá của các thế lực thù địch qua tuyên truyền cho quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối thì toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một lòng, một dạ trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay. Một xã hội với các đặc trưng trên như một cơ thể cường tráng, miễn dịch với mọi sự xâm nhập của các “ nấm độc, vi rút độc hại”. Cơ thể xã hội ấy không cho phép nẩy sinh các nấm độc, cũng không cho phép xâm nhập các loại vi rút độc hại làm tê liệt xã hội, làm chệch quỹ đạo phát triển. Quán triệt và triển khai thực hiện thắng lợi quan điểm chỉ đạo của Đảng về: “Triển khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác các luận điệu xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm thất bại âm mưu “ diễn biến hòa bình”, thực hiện đa nguyên chính trị, hình thành lực lực lượng đối lập, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; thường xuyên cảnh giác, chủ động, phòng chống nguy cơ, “ tự diễn biến” ở cả Trung ương và các ngành, các cấp””[4] là biện pháp tích cực và hữu hiệu nhất hiện nay./.
                                                                                                             Thanh thảo



[1] V.I. Lênin Toàn tập, tập 37, Nxb Tiến bộ Mátxcơva, 1977, tr. 123
[2]  V.I. Lênin Toàn tập, tập 23 (Ba nguồn gốc, ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác) Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 57 - 58
[3] V.I. Lênin Toàn tập, tập 7, Nxb Tiến bộ Mátxcơva 1979, tr. 530
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2007, tr. 257

Nhận xét