NHẬN DIỆN ĐÚNG VÀ ĐẤU TRANH NGĂN CHẶN NHỮNG THÔNG TIN XẤU, ĐỘC TRÊN INTERNET HIỆN NAY

           Như một vấn đề có tính quy luật, cứ vào dịp chúng ta tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thì những thông tin xấu, độc lại được tán phát với mức độ ngày càng nguy hiểm, tinh vi và mật độ ngày càng dầy đặc. Những thông tin xấu, độc là những thông tin không đúng sự thật, có tính chất xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo, ác ý của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, những phần tử bất mãn  tung ra nhằm bôi nhọ thanh danh của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ nội bộ, làm lung lay niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự điều hành của Chính phủ trong đời sống xã hội nước ta hiện nay.
          Thực ra, những “chiêu trò” này không lạ, không mới của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, những phần tử bất mãn và những kẻ “ném đá giấu tay”. Bởi, ngay từ thời chưa có mạng internet, những chuyện “buôn dưa lê”, “bán dưa bở” như thế này thường được truyền tai nhau bằng cách này cách kia. Những thông tin xấu, độc hại thường được in ấn từ nước ngoài, chuyển vào nội địa nước ta và được lan truyền bằng các tờ rơi từ người này sang người khác. Khi ấy, để ngăn chặn những tài liệu xấu, chỉ cần có lực lượng đủ mạnh kiểm soát ở các cửa khẩu đường biển, đường hàng không, đường bộ. Hay trước kia, muốn tụ tập đông người, phải rất tốn công sức, tiền của, thời gian để tuyên truyền, vận động, tổ chức, sắp xếp…
          Hiện nay, trước sự bùng nổ mạnh mẽ của interrnet, hằng ngày, hằng giờ, hằng phút những tài liệu như thế có thể được phát tán khắp nơi trên mạng. Chỉ cần một cái máy tính, một cái điện thoại cầm tay kết nối internet thì sẽ có vô vàn thông tin. Những thông tin độc hại thường xuyên xuất hiện tràn lan trên các mạng xã hội, trên blog cá nhân, trên phần phản hồi v.v.. Nhiều khi những thông tin này được phát tán thành từng đợt theo ý đồ riêng và lan truyền theo kiểu “đánh hội đồng”. Những thông tin độc hại, bịa đặt này thường nặc danh với mục đích chửi bới, nhục mạ, thậm chí là kích động người khác với những dụng ý xấu và ý đồ thâm độc.
        Vì vậy, việc ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo có ý đồ thâm độc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, những phần tử bất mãn hiện nay, càng trở nên cần thiết và cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, cần thực hiện hệ thống các biện pháp có tính đồng bộ trong ngăn chặn, xử lý những trang mạng xấu độc. Chẳng hạn, đối với những thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc cần được kiểm soát chặt chẽ và có chế tài cụ thể bằng pháp luật vì nó vi phạm đến nhân phẩm, uy tín cá nhân, quyền công dân của người khác. Các cơ quan chức năng cũng cần trang bị cho người dân các kiến thức cần thiết để có thể tự sàng lọc, nắm bắt thông tin đúng, chính thống, chính xác, tin cậy. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến công tác đấu tranh phản bác những thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
        Đáng lưu ý, các cơ quan truyền thông cần tập trung tuyên truyền toàn diện thành tựu, kết quả, tạo đồng thuận xã hội, và cả những mặt khuyết điểm trên tinh thần xây dựng. Bởi chúng ta tin rằng, người dân trong nước và ngoài nước đọc và tin cậy những thông tin báo chí chính thống. Theo đó, khi công chúng được đáp ứng đủ nhu cầu thông tin thì họ không cần phải tìm kiếm ở bên ngoài. Đồng thời, quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 82 của Bộ Thông tin - Truyền thông về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Song, hiện nay chúng ta cần phải có một cơ chế cung cấp thông tin thật nhanh và chính xác cho các cơ quan báo chí chính thống trong nước. Kết hợp với những chế tài xử lý thật nặng, thật nghiêm túc với các nhà mạng để xảy ra các thông tin xấu, độc mà không có biện pháp ngăn chặn.

                                                                                             Niềm Tin

Nhận xét