DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

HH

Quán triệt nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin xem cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân; kế thừa và phát triển triết lý “thân dân”, “lấy dân làm gốc” trong văn hóa phương Đông và truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của quần chúng nhân dân - dân là gốc của nước. Triết lý “dân là gốc” trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nguyên tắc chính trị trong việc khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân - trong nhà nước dân chủ thì dân là chủ và dân làm chủ.

Dân là chủ - tức là nhân dân là chủ nhân thực sự của đất nước, chủ thể của xã hội “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”[1]. Quan niệm này, về thực chất, nói lên địa vị và vai trò của nhân dân trong xã hội. “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ… Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”[2]. Chế độ dân chủ ở nước ta là chế độ ủy quyền cho Nhà nước, Nhà nước là cơ quan quyền lực của nhân dân, thực thi sự ủy quyền của nhân dân. Quan niệm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt lên trên tất cả các quan niệm của các xã hội Việt Nam trước đó, nâng con người từ vị trí thần dân, thứ dân lên địa vị công dân, hơn nữa là địa vị chủ nhân của đất nước, của xã hội.

Dân làm chủ - vừa thể hiện quyền của chủ thể xã hội, vừa thể hiện năng lực, bổn phận, trách nhiệm của chủ thể ấy. Trong nhà nước của dân, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ và có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, là người chủ thì nhân dân cũng phải thể hiện năng lực, trách nhiệm làm chủ của mình trong việc tham gia xây dựng và quản lý nhà nước. Quan niệm này thể hiện tính chủ động của chủ thể dân chủ - nhân dân. Như vậy, khái niệm “dân chủ” trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là vấn đề quyền lực, lợi ích của nhân dân gắn với nhà nước và pháp luật, mà còn là giá trị nhân cách và phẩm giá con người. Từ đó, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, dân chủ là động lực của sự tiến bộ và phát triển xã hội. 

Phát triển lý luận và thực tiễn về dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong những thành tựu to lớn của Đảng ta qua 35 năm đổi mới, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển đường lối đổi mới của Đảng vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đáp ứng được khát vọng của nhân dân, phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn Việt Nam.

Nhân dân là chủ và làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội theo nguyên tắc Đảng Cộng sản – đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động lãnh đạo, thực hiện nhất nguyên về chính trị. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng các hình thức trực tiếp và gián tiếp, thông qua các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trên cơ sở nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội.

Với bản chất và đặc điểm nêu trên, dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là chế độ dân chủ thực sự, không phải là dân chủ hình thức, cực đoan, vô chính phủ. Nó đối lập với chuyên quyền độc đoán, đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, quan liêu. Nói một cách khác, dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ thấm nhuần đầy đủ và sâu sắc nhất tính pháp lý và tính nhân văn.



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr. 434.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr. 263.

 

 

Nhận xét